.

Chuyến theo sông trở về của Hường Hiệu

.

Cách đây đúng 130 năm, Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu) theo con sông đặc biệt Trường Giang về lại quê nhà ở làng Thanh Hà, huyện Điện Bàn (nay là phường Cẩm Hà, thành phố Hội An) để chuẩn bị ra trường chém đền nợ nước. Chuyến trở về của ông năm đó được lịch sử đánh giá là một chọn lựa tuyệt vời!

Cầu Trường Giang trên sông Trường Giang, đoạn qua huyện Duy Xuyên. Ảnh: L.T
Cầu Trường Giang trên sông Trường Giang, đoạn qua huyện Duy Xuyên. Ảnh: L.T

Con sông lạ

Trường Giang là dòng sông thuộc loại “lạ” không chỉ của nước ta mà có lẽ của cả thế giới.

Điều kỳ lạ đầu tiên là không biết vì sao và từ lúc nào một dòng sông ngắn, nhỏ thuộc loại “vô danh” của Quảng Nam được sách Đại Nam nhất thống chí gọi bằng tên Phước Yên lại được người dân đổi thành Trường Giang - sông dài, trùng tên một dòng sông lớn, “lẫy lừng” của Trung Quốc.

Thứ hai, Trường Giang là con sông làm cho Quảng Nam, tỉnh duy nhất của vùng duyên hải miền Trung có thể đi lại bằng đường thủy từ Bắc đến Nam. Đó là chưa kể trước đây khi sông Cổ Cò chưa bị bồi lấp, mạng lưới Cổ Cò - Trường Giang đã nối ba cảng biển lớn của tỉnh lại với nhau: Đà Nẵng, Cửa Đại, An Hòa.

Thứ ba, Trường Giang là con sông không có nguồn. Theo chiều bắc - nam có thể nói đầu sông gắn với Cửa Đại, cuối sông gắn với cửa An Hòa. Vì thế không có chi lưu, phụ lưu, hữu ngạn, tả ngạn và đặc biệt không có hướng chảy nhất định. Do vậy có thể gọi Trường Giang là con sông “dùng dằng”. Điều này thể hiện rõ nhất là ở đoạn sông chảy qua huyện Thăng Bình. Vào mùa nước lũ, dòng chảy chủ yếu phụ thuộc vào mức nước dâng của hai hệ thống Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ - An Tân. Vì đặc điểm này có người đã ví Trường Giang như một ngọn núi. Đỉnh là khúc sông “dùng dằng”, sườn là hai dòng chảy theo hai hướng đối nghịch. Vào mùa nước cạn sông lại chảy theo thủy triều. Khi thủy triều lên, phía bắc nước sông chảy theo hướng nam, phía nam sông chảy theo hướng bắc. Khi thủy triều xuống, sông phía nam chảy theo hướng nam ra Cửa Lở và An Hòa, sông phía bắc chảy theo hướng bắc ra Cửa Đại.

Lại nữa, Trường Giang nằm theo hướng bắc - nam vì thế liên kết được với các hệ sông lớn của Quảng Nam vốn có hướng tây - đông. Dòng chính sông đi qua gần 15 xã vùng đông các huyện, thành phố: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Phía bắc sông kết hợp với hệ Thu Bồn - Vu Gia, phía nam với hệ Tam Kỳ - Bến Ván, nhờ vậy có thể giao lưu khắp cả tỉnh.

Ngày trước đường bộ chưa phát triển, sông là thủy lộ quan trọng hàng đầu của Quảng Nam. Dọc theo bờ sông có hàng chục ngôi chợ, làng nghề nổi tiếng… Hàng hóa vì vậy theo sông Trường Giang có thể đến khắp nơi trong tỉnh. Ngày nay dọc theo sông là hàng loạt các dự án lớn đã và đang được triển khai.
Trường Giang còn là con sông có những chiếc cầu tre dài và lãng mạn nhất nước. Cầu Trường Giang 1 nối liền Duy Hải với Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và cầu Trường Giang 2 nối Bình Giang với Bình Dương (huyện Thăng Bình).

Cuối cùng, Trường Giang là một con sông hiền hòa, không những không gây lũ lụt cho làng mạc hai bên sông như các sông khác mà còn giúp thoát lũ để tránh ngập lụt cho rất nhiều làng quê dọc các hệ thống sông của Quảng Nam. Dòng sông cũng đã nuôi sống hàng vạn con người ở hai bên bờ suốt nhiều thế kỷ qua dù con người đã đối xử tệ bạc với sông bằng sự xâm lấn, xả thải, gây ô nhiễm và ngày nay nhiều đoạn sông đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Và chuyến theo sông trở về

Cuối tháng 8-1887, quân Nguyễn Thân đột kích vào căn cứ Gò May, 8 chức sắc của Nghĩa hội Quảng Nam bị bắt, gần 1.000 tài liệu, nhiều ấn triện, vũ khí bị tịch thu, cả gia đình trong đó có cả mẹ già của lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu cũng bị bắt. Nguyễn Duy Hiệu cùng Phan Bá Phiến chạy về một ngôi làng ở cuối sông Trường Giang định ra đảo Lý Sơn ẩn nấp một thời gian chờ thời cơ mới. Nhưng khi biết ở Lý Sơn có nhiều người dân theo đạo Thiên Chúa giáo nên cả hai bỏ ý định này.

Cùng đường, Nguyễn Duy Hiệu bàn với Phan Bá Phiến: “Nghĩa hội 3 tỉnh ông với tôi là người chủ trương. Việc đã không thành thì chỉ có chết mà thôi. Nhưng hai ta cùng chết một lúc là vô ích. Ông hãy chết trước. Phần tôi, tôi sẽ giải tán Nghĩa hội rồi đem thân cho giặc bắt. Người Pháp tra hỏi, tôi sẽ cực lực giải thoát cho Hội. Một mình tôi chết không đáng tiếc. Hội ta còn, một ngày nào đó có người làm được chí ta, ấy là ta sống vậy!”. (1)

Tối 21-9, trước mặt các thành viên Nghĩa hội còn lại, Phan Bá Phiến đốt tất cả hồ sơ bí mật của Hội rồi uống thuốc độc tự tử, mang toàn bộ bí mật của Nghĩa hội theo về cõi chết cho các đồng nhân được yên tâm giấu mình một thời gian, chờ một thời cơ mới.

Hôm sau, Nguyễn Duy Hiệu xuống thuyền theo sông Trường Giang về lại cố hương Thanh Hà. Bước lên bến Trễ, sau 3 năm xa cách lòng bồi hồi xúc động. Sau khi viếng bàn thờ mẹ, Nguyễn Duy Hiệu trải giấy điều, nước mắt lã chã viết câu đối thờ mẹ: “Là bầy tôi mà vua nạn không phò, vua chạy không theo, khó đem nỗi bất bình mà kêu cùng tạo hóa/ Làm con trai mà mẹ đau không dưỡng, mẹ mất không chôn, chỉ biết lấy trường hận mà khóc công sinh thành”. (2)

Tế mẹ xong ông vội vã cải trang ra viếng mộ thầy cũ là Cử nhân Lê Tấn Toán ở làng Hà Lộc gần đó - người thầy học thuở thiếu thời đã vì “việc nghĩa” của học trò mà phải nhận chén thuốc độc do “vua ban”. Xong đạo với mẹ và thầy, Nguyễn Duy Hiệu khăn áo chỉnh tề ra một ngôi miếu ở giữa bãi cát Thanh Hà ngồi đợi quân Nguyễn Thân đến bắt.

Khi ra trước Cơ mật viện của Nam triều, Nguyễn Duy Hiệu nhận hết trách nhiệm về mình để tránh cho các đồng nhân bị sát hại, như lời hứa của ông với Phan Bá Phiến: “Nghĩa hội Quảng Nam ở ba tỉnh không dưới vài trăm, đều là người có tên tuổi, nhưng chống lại triều đình chỉ có mình Hiệu mà thôi. Kỳ dư đều bị ép theo. Họ sợ bị thiêu hủy nhà cửa, không dám không theo, ngoài ra không có bụng gì khác. Vậy chém một mình Hiệu này là đủ, chớ nhọc lòng hỏi tội những kẻ khác làm gì”. (3)

Mấy ngày sau, đúng Rằm tháng Tám (1-10-1887), ông ra bãi chém An Hòa đền nợ nước!

Trường Giang, con sông “lạ”, đặc biệt nhất của Quảng Nam là chứng tích cho chuyến trở về cuối cùng từ một sự chọn lựa tuyệt vời của Nguyễn Duy Hiệu, một trong những danh nhân hàng đầu đất Quảng. Trở về vì đồng đội. Trở về để nhận trách nhiệm trước lịch sử!

LÊ THÍ


(1) (3) Nguyễn Sinh Duy, Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, NXB Đà Nẵng 1998.

(2) Lâm Quang Thự, Người con gái xứ Quảng, NXB Đà Nẵng 2012.

;
.
.
.
.
.