.

Bức ảnh chụp đầu tiên ở nước ta

.

Đà Nẵng nổi tiếng không những là nơi diễn ra cuộc “thử lửa” đầu tiên của nước ta với Pháp cách đây 170 năm (tháng 5-1847) mà còn là nơi có bức ảnh chụp đầu tiên của nước ta. Bức ảnh này được một nhà ngoại giao người Pháp chụp vào tháng 6-1845 dưới chân núi Sơn Trà.

Bức ảnh đầu tiên chụp dưới chân bán đảo Sơn Trà vào năm 1845 hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Nhiếp ảnh tại Pháp.  (Ảnh tư liệu)
Bức ảnh đầu tiên chụp dưới chân bán đảo Sơn Trà vào năm 1845 hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Nhiếp ảnh tại Pháp. (Ảnh tư liệu)

Năm 1839, Louis-Jacques-Mandé Daguerre (1787 - 1851), nghệ sĩ và nhà vật lý học người Pháp, đưa ra một phương pháp để ghi lại hình ảnh sau khi vào trong máy và lưu giữ được mãi, gọi là daguerréotype. Phương pháp của Daguerre là hình ảnh được ghi lại trên một miếng đồng phẳng có thoa chất i-ốt bạc.

Đưa miếng đồng ra ánh sáng từ 15 tới 20 phút hình ảnh sẽ hiện ra. Hai năm sau, người khác đề xuất một cải tiến nhỏ là thêm vào chất i-ốt bạc một lượng brôm bạc đã giúp cho tác dụng cảm quang được nhanh hơn và vì thế máy ảnh càng trở nên thực dụng.

Sáu năm sau khi kỹ thuật daguerréotype được phổ biến, một nhà ngoại giao Pháp đã đến Đà Nẵng và chụp bức ảnh đầu tiên theo kỹ thuật này ở nước ta vào ngày 12-6-1845. Bức ảnh có tên là Cảnh pháo đài Non Nay ở xứ Đàng Trong (Vue du port cochinchinois de Non Nay) được in trong cuốn Nhật ký du hành Trung Quốc vào các năm 1843 ,1844, 1845, 1846 (Journal d’un Voyage en Chine en 1843, 1844, 1845, 1846) của M. Jules Itier do nhà Dauvin et Fontaine Librairies xuất bản ở Paris năm 1853.

Sau này bức ảnh được H. Cosserat giới thiệu lại trên tập san Đô thành Hiếu cổ (B.A.V.H) số 3, 4 vào tháng 7-1927.

Về tác giả của bức ảnh, Võ Văn Dật (Lịch sử Đà Nẵng, NXB Nam Việt, 2005, trang 393) cho biết: “M. Jules Itier là một thành viên trong phái đoàn Đại diện Bộ Thương mại và Tài chính Pháp được cử đến Trung Quốc để ký Hiệp ước Whampa. Khi xong việc phái bộ về đến Singapore thì Itier được lệnh sang tàu Alcmène của Fornier du Plan để khẩn cấp tới Việt Nam can thiệp về vụ năm giáo sĩ đang bị bắt giam tại Huế”.

Về việc chụp bức ảnh đã được M. Jules Itier diễn tả một cách cụ thể và đầy cảm xúc: “Ngày 31-5-1845 chúng tôi đi chậm chậm suốt buổi sớm mai để thâm nhập vào vịnh Đà Nẵng tráng lệ, cái bồn nước bao la cách ly với biển cả bởi một vòng thành núi cao chắn gió từ ngoài khơi… Ba giờ chiều chúng tôi thả neo đậu tại phía nam, không xa hòn Mồ Côi tại chân đồn Non Nay…

Ngày 12-6-1845, mọi người chuẩn bị cho tàu nhổ neo ngay sau khi tiếp nhận thừa sai Lefèbvre đã đâu vào đấy. Trong khi mọi người đứng ở be tàu chờ đón giáo sĩ thì tôi lật đật sửa soạn mấy tấm phim để chụp ảnh và tiến đến dưới chân đồn Non Nay. Khi tôi đặt chân lên đất thì cũng là lúc người ta kéo lá cờ hiệu khởi hành trên be chiếc hải phòng hạm tiếp theo sau một phát đại bác ra lệnh nhổ neo… Xin Thượng đế phò hộ! Cầu cho hai tấm phim chụp thử được kết quả…

Tất cả quang cảnh đã được thu lại một cách trung thực, ngoại trừ cảm xúc của tác giả, nhưng bạn đọc của ta ơi, hãy gắng đoán hiểu tâm tư của ta” (J.Itier, sđd, trang 87-89. Dẫn lại theo Nguyễn Sinh Duy trong “Quảng Nam những vấn đề sử học”, NXB Văn hóa thông tin, 2006, trang 136, 137).

Bán đảo Sơn Trà, nơi có bức ảnh chụp đầu tiên của nước ta.  (Ảnh tư liệu)
Bán đảo Sơn Trà, nơi có bức ảnh chụp đầu tiên của nước ta. (Ảnh tư liệu)

Dù chưa hoàn toàn thống nhất với nhau về vị trí cụ thể của pháo đài Non Nay trong bức ảnh chụp năm 1845, nhưng các tác giả nghiên cứu về bức ảnh này đều thống nhất với nhau đó là một vị trí gần mũi Mỏ Diều trên bán đảo Sơn Trà.

Henri Cosserat trong số báo tháng 7-1927 đã dẫn cho biết: “Đồn Non Nay là hình thức chú thích sai ngữ âm hai chữ Đồn Hai, là danh xưng An Nam đích thực của một đồn lũy tọa lạc trên hòn Mồ Côi còn có tên là đảo Quan sát (Ille de Lobservatoire) nằm trong vịnh Đà Nẵng, tiếp giáp liền với dãy núi bán đảo Tiên Sa thuộc địa phận huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam xưa”.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật thì cho đó chính là đồn thứ 2 của Trấn dương thất bảo trong hệ thống phòng thủ Sơn Trà thời Thiệu Trị: “Vào cuối thời Minh Mạng khi được tin Anh đánh Trung Quốc, vua Minh Mạng đã tăng cường hệ thống phòng thủ các cửa biển, đặc biệt là Đà Nẵng. Ngoài vấn đề tăng cường hỏa lực và quân số, còn có việc xây thêm pháo đài, quan trọng nhất là Phòng Hải được Nguyễn Tri Phương xây ở núi Mỏ Diều. Đến đời Thiệu Trị sau khi xảy ra vụ nổ súng thị uy của hai tàu chiến Pháp là Gloire và Victorieuse, vua đã cho xây một loạt bảy pháo đài, đặt tên là Trấn dương thất bảo để bảo vệ, trong đó pháo đài thứ 2 đặt tại đảo Cô tức hòn Mồ Côi…”. (Sđd, trang 398)

Còn theo Nguyễn Sinh Duy, qua việc đối chiếu với bức vẽ của F. Lacour được công bố năm 1860 trên tờ Le Monde Illustré, lại khẳng định đồn Non Nại nằm ở vị trí pháo đài Phòng Hải: “Bức ảnh của Itier chính là Đồn Non Nại, một chốt tiền tiêu nằm trên hòn Mồ côi có đài quan sát để kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa Hàn. Non Nại là tên xưa của một chỏm núi đá nằm trong Vũng Thùng tiếp giáp với mũi phía tây bán đảo Tiên Sa, kế cận Nại Hiên Đông”. (Sđd, trang 139)

LÊ THÍ


Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975, tác giả Võ Văn Dật, Nxb Nam Việt 2007 và tập san Đô thành Hiếu cổ (B.A.V.H) số 3, 4  tháng 7-1927.

;
.
.
.
.
.