Chuyện xưa xứ Quảng

Phan Khôi làm thương nghiệp

22:06, 11/03/2018 (GMT+7)

Phan Khôi (1887 - 1959) là nhà báo nổi tiếng thì ai cũng biết. Chuyện Phan Khôi dịch Kinh Thánh lại càng nhiều người biết. Phan Khôi làm thầy giáo thì cũng có một số người biết. Duy có chuyện làm “thương nghiệp” của ông thì rất ít người biết cụ thể và nếu có biết cũng mới gần đây. Nghe chuyện Phan Khôi làm “thương nghiệp” không có nghĩa là ông “buôn gánh bán bưng”, làm chủ hiệu buôn hay làm đại lý cho các hãng lớn mà là việc ông làm… thư ký cho hãng buôn!

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được xem là “Vua tàu thủy” đất Bắc.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được xem là “Vua tàu thủy” đất Bắc.

Nói chuyện Phan Khôi làm thương nghiệp để thấy thêm sự năng động và đa dạng của một nhà Nho Quảng Nam, một đệ tử của phong trào Duy tân.

Chuyện kể, vào năm 1919, sau khi nghỉ việc ở tờ Nam Phong do bất đồng với Phạm Quỳnh, Phan Khôi vào Sài Gòn viết cho tờ Quốc dân diễn đàn và tờ Lục tỉnh tân văn, chưa được bao lâu thì cũng bị bãi chức. Phan Khôi về làng Bảo An trong tâm sự chán chường “ngày nào cũng nốc rượu cho say, tối đến lại sang nhà hàng xóm để đánh bài”.

Tháng 4 năm 1920, Phan Khôi ra Thanh Hóa để giải quyết công việc gia đình, sau đó ông ra luôn Hải Phòng để gửi các thùng hàng về quê theo đường thủy. Tại đây ông gặp Dương Tự Nguyện (là em trai của Dương Bá Trạc và anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm), một đồng chí thời phong trào Duy tân và Đông Du. Một lời rủ rê và lời khuyên của Dương Tự Nguyện đã làm Phan Khôi suy nghĩ. Dương Tự Nguyện đang làm ngân hàng ở Hải Phòng rủ ông ra Hải Phòng tìm một việc làm và sống gần nhau “cho vui”. Dương Tự Nguyện bảo: “Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi” với hàm ý “Chúng ta bỏ nghề báo, qua nghề buôn sao lại chẳng được”. (Đây là Dương Tự Nguyện nói gọn, chứ nguyên văn đầy đủ của câu đó là: Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi, duy bất khả tục, tục tiện bất khả y. Nghĩa là: Kẻ sĩ sinh ra ở đời, có thể làm hàng trăm việc, nhưng không thể theo tục được, tục càng không thể chữa được).

Chân dung Phan Khôi
Chân dung Phan Khôi

Sau đó, nghe tin hãng buôn của Bạch Thái Bưởi cần tuyển thư ký, ông đã xin vào làm việc tại đây. Nhờ bức thư giới thiệu của cụ Nguyễn Bá Học, thầy dạy tiếng Pháp cho ông hồi năm 1908, khi ông được phong trào Duy tân đưa ra Hà Nội học ở trường Đông Kinh nghĩa thục không thành (ra đến nơi thì Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa) nên hãng buôn Bạch Thái Bưởi cho mời ông đến để “phỏng vấn”. Dưới đây là buổi ra mắt của ông, được Phan An Sa (con trai ông) kể lại trong bài “Phan Khôi làm thư ký hãng buôn” đăng trên báo Văn hóa Nghệ An số ngày 9-10-2017:

“Phan Khôi có mặt ngay trong dáng dấp đặc sệt một anh nhà Nho trẻ tuổi, khăn đóng áo dài; ngược lại với ông chủ công ty Bạch Thái phương phi bệ vệ, trán cao, đầu hói, đóng bộ com-lê cà-vạt đặc Tây. Ông chủ tiếp khách với thái độ vui vẻ, cứ như hai người đã quen biết nhau từ trước, nay mới gặp lại. Được như vậy là nhờ ông chủ đã đọc bức thư của cụ Nguyễn Bá Học giới thiệu người học trò cũ từ hơn mười năm trước bằng những lời rất tốt đẹp, và nay ông được chứng kiến trước mắt mình một trang nam nhi dáng người cao lớn, vai rộng, hơi gầy, có đôi mắt sáng với ánh nhìn thẳng; nói năng, đối đáp gãy gọn, ra dáng một nhà Nho có học vấn nhưng không cũ kỹ. Ông chủ đã thấy ưng trong bụng.

Sau màn ra mắt, Bạch Thái Bưởi hỏi:

– Trước, anh làm ở Nam Phong, lương tháng bao nhiêu?

Phan Khôi thành thật:

– Dạ, chỉ hai chục. Nhưng chuyện ấy cách nay đã ba năm rồi. Vả, tôi thôi việc ở đó cũng đã lâu, bây giờ mọi chuyện đã khác.

Ông chủ mỉm cười, hỏi tiếp:

– Theo anh, bây giờ lương phải bao nhiêu?

Phan Khôi thẳng thắn:

– Năm chục là phải.

– Bốn chục thôi vậy!

Phan Khôi lặng thinh, không ra ưng thuận cũng không ra phản đối. Biết ý, ông chủ cố thêm lần nữa:

– Bốn lăm vậy?

Lặng đi một lúc, rồi khách ngẩng nhìn chủ nhà, không nói gì. Ông chủ như sợ để vuột khỏi tay một vật quý, đành nhanh nhảu:

– Ử, thôi, năm chục! Nhưng mỗi tháng anh phải để lại mười phần trăm, coi như tiền ký quỹ, chỉ nhận về bốn lăm đồng thôi.”

Phan Khôi nhận việc ở hãng buôn của Bạch Thái Bưởi vào ngày 1-5-1920.

Công việc hằng ngày của ông là ngồi nghe ông chủ đọc các thư gửi đến, tham mưu cho chủ cách trả lời sau đó thảo văn thư bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, kể cả bằng chữ Pháp để ông chủ giao dịch với khách hàng hằng ngày. Với tài năng của Phan Khôi, đây là việc làm đơn giản, ông thực hiện rất trôi chảy và ông chủ Bạch Thái Bưởi cũng rất hài lòng.

Nhưng trời sinh Phan Khôi ra không phải để mài mòn trên ghế của một thư ký hãng buôn nên chỉ làm được 8 tháng. Ngày 31-12-1920, Phan Khôi sang phòng Bạch Thái Bưởi nộp đơn từ chức và từ giã, sau khi nhận lương tháng 12 và 35 đồng tiền ký quỹ để lên Hà Nội nhận một công việc mới mà ông vô cùng thích thú: Dịch Kinh Thánh cho Giáo hội Tin Lành.

Phan Khôi chính thức rời ngành… thương nghiệp, xóa hẳn chức danh: “Phan Khôi tiên sinh, Bạch Thái Bưởi công ty, Thư ký viên”, một chức danh mà ông tham mưu để cha ông là cụ Phó bảng Phan Trân, cựu Tri phủ Diên Khánh, đỡ “tủi thân” mỗi lần viết thư cho ông vì đối với cụ thời đó “nghề buôn” vẫn chưa phải là nghề “danh giá” như hiện nay. Cụ đã nhiều lần nói với vợ Phan Khôi: “Làm chi thì làm chớ chi đến nỗi phải đi làm công cho thằng cha trọc phú Bạch Thái Bưởi ấy”!    

LÊ THÍ

.