Chuyện xưa xứ Quảng

Một loại trái cây trên Nhân đỉnh

12:47, 24/06/2018 (GMT+7)

Quảng Nam không phải là vùng đất có nhiều trái ngon, quả ngọt như các nơi khác nhưng có một thứ quả coi là đặc sản được vua Minh Mạng cho đúc trên Cửu Đỉnh đặt trước nơi thờ tự các vị chúa và vua triều Nguyễn tại kinh đô Huế. Đó là trái lòn bon. Vì sao vua Minh Mạng cho đúc loại trái cây này trên bộ bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh?

Trái nam trân ngoài đời (ảnh trái) và trên Nhân đỉnh. Ảnh: T.M
Trái nam trân ngoài đời (ảnh trái) và trên Nhân đỉnh. Ảnh: T.M

Bây giờ, nhiều người dân ở xã miền núi Đại Sơn, huyện Đại Lộc, vẫn còn nhớ truyền thuyết về sự tích một loại quả rừng đã trở thành đặc sản của xứ sở, quê hương với nhiều tên gọi: lòn bon, nam trân, dâu da...

Chuyện kể rằng, khi quân Tây Sơn tiến đánh chiếm Phú Xuân thì chúa Định Vương, tức Nguyễn Phúc Thuần hoảng hốt bỏ cung tháo chạy vào dừng chân tại Quảng Nam. Chưa kịp nghỉ ngơi thì quân Tây Sơn phát hiện, tiếp tục truy đuổi nên Nguyễn Phúc Thuần phải chạy lên vùng rừng núi rậm rạp, thuộc thôn Hội Khách, xã Đại Sơn ngày nay.

Đói khát, mệt lả, chúa nằm ngửa trên nền đất, mắt nhìn lên trời thì bỗng nhiên thấy trên những cành cây cao trĩu quả. Chưa biết đây là thứ trái gì nhưng trước sự cồn cào của cơn đói, chúa Định Vương với tay hái một chùm quả rồi bóc vỏ ăn thử.

Vị ngọt thanh dịu dàng, thơm mát của trái rừng đã giúp cho Định Vương nhanh chóng qua cơn đói đang hoành hành dữ dội. Từ đó chúa Định Vương liền đặt tên cho thứ quả dại này là “nam trân”, tức là thứ trái cây quý hiếm ở phương Nam.

Cũng có chuyện truyền miệng khác là khi bị quân Tây Sơn đuổi đánh, Nguyễn Phúc Ánh chạy theo chúa Định Vương vào một khu rừng ở Đại Lộc và được quả rừng cứu sống nên khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, lấy Vương hiệu Gia Long thì mới nhớ tới trái cây hoang dại ở rừng đã từng cứu sống mình với chúa Định Vương nên bèn đặt tên “nam trân”.

Hai câu chuyện truyền thuyết với nội dung na ná nhau ở trên, nếu căn cứ vào sử sách thì truyền thuyết ra đời dựa trên nền tảng về một hoàn cảnh, sự kiện có thật, tức là vào năm Quý Tỵ 1773, quân Tây Sơn khởi nghĩa, đánh chiếm ngai vàng của chúa Nguyễn.

Năm ấy, Nguyễn Phúc Ánh mới 13 tuổi đã chạy theo chúa Định Vương vào ẩn náu tại các vùng rừng núi Quảng Nam. Đến năm 1777, Định Vương bị quân Tây Sơn giết chết, một mình Nguyễn Phúc Ánh chạy ra đảo Thổ Chu rồi củng cố lực lượng phục hận.

Còn theo đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu vùng tây Đại Lộc thì ngày xưa ở bản nọ có người đàn ông tên Hằng, vợ mất sớm để lại cho ông hai đứa con thơ dại. Một hôm đi làm rẫy, ông Hằng bỗng gặp một mụ phù thủy bắt ông phải lấy mụ ta làm vợ.

Nếu ông không xuôi lòng, mụ sẽ biến hóa thành đàn ong đốt chết ông ngay. Quá hoảng sợ, ông đành phải dẫn mụ ta về nhà. Cảnh dì ghẻ, con chồng bắt đầu diễn ra trong ngôi nhà của người nông dân lam lũ.

Không chịu nổi muôn kiểu hành hạ của mụ phù thủy, hai đứa con ông bàn nhau bỏ nhà ra đi. Chúng dắt díu đi mãi, hết suối này đến dốc khác. Đến khi bụng đói, hai anh em dừng lại ở một cánh rừng lạ và phát hiện ra một loại quả mà chúng chưa bao giờ trông thấy.

Biết ở rừng có nhiều trái cây độc nên người anh không cho đứa em ăn trước mà chỉ một mình nếm thử. Không ngờ người anh ăn no bụng chẳng những không chết mà còn khỏe hẳn nên mới cho người em ăn theo. Vì có cái ăn nên hai anh em quyết định ở luôn tại khu rừng ấy và đặt tên cho trái cây đó là lòn bon…

Đến thời Minh Mạng lên ngôi, triều đình quy định cho các quan lại ở Quảng Nam cũng như Đại Lộc mỗi mùa trái nam trân chín phải dâng lên vua 6 giỏ quả. Mùa đông năm 1835, vua Minh Mạng ra lệnh đúc Cửu Đỉnh nhằm tri ân các vua, chúa của dòng tộc. Đó là 9 cái đỉnh được đúc bằng đồng đặt ở trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành Huế. Mỗi đỉnh có một tên riêng, ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn.

Trên mỗi đỉnh đều được đúc bao gồm các chủ đề như: vũ trụ, núi sông, động, thực vật, sản vật, vũ khí… tạo thành tổng thể một bức họa về phong cảnh giang sơn, bờ cõi của đất nước Việt Nam. Để tỏ lòng biết ơn công lao cha ông, dòng họ cũng như trái nam trân đã cứu sống Nguyễn Phúc Ánh-vị vua đầu tiên sáng lập ra triều Nhà Nguyễn trong những tháng ngày loạn lạc chạy trốn, vua Minh Mạng đã cho đúc hình tượng cây, trái nam trân trên Nhân đỉnh - ứng với vua Minh Mạng.

Theo các bô lão cao niên ở vùng Đại Sơn, Đại Thạnh thì ngày trước, người ta chỉ biết trái lòn bon có rất nhiều ở vùng thượng nguồn sông Vu Gia. Cứ đến mùa thu hoạch lòn bon thì người dân vùng núi Đại Lộc gọi là ngày “xả trái” nên mới có thành ngữ “nhất trường thi, nhì trường trái” ám chỉ sự hớn hở, náo nức về vụ thu hoạch lòn bon.

Các đời vua Nhà Nguyễn sau này đều sắc phong cho các quan chức của Đại Lộc có thêm một chức tước mà nhiều nơi khác không có, đó là chức quan “quản nam trân” để canh giữ rừng lòn bon quý hiếm. Viên quan này có quyền huy động dân làng 3 xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh (thuộc các xã Đại Sơn, Đại Thạnh ngày nay) thay phiên nhau canh giữ cẩn mật rừng nam trân.

Đến độ đầu mùa trái chín, viên quản nam trân cho người vào rừng hái trước 6 giỏ trái vừa chín tới để dâng lên vua xong mới bắt đầu làm lễ “xả trái”. Thông thường, đúng vào rằm tháng tám âm lịch, dân làng tổ chức cúng thần Lâm Sơn xong, vị quan quản nam trân đánh 3 hồi thanh la để báo hiệu ngày hội “xả trái” bắt đầu.

Hàng ngàn người hối hả vào rừng hái trái rồi mang ra các bến sông Hà Nha, Hà Tân bán lại cho các thương lái để vận chuyển đi các nơi khác tiêu thụ. Những người được quan quản nam trân cho vào rừng hái trái lòn bon phải có trách nhiệm trích lại một phần trái đã thu hoạch để nộp thuế cho quan quản nam trân cũng như lý hương của các xã và làm quỹ chung cho dân binh canh giữ rừng lòn bon.

Do trải qua các cuộc chiến tranh tàn phá cũng như sự khai thác bừa bãi, rừng lòn bon phía tây huyện Đại Lộc bị tàn phá, hư hại nặng nề. UBND huyện Đại Lộc đã triển khai dự án phục hồi rừng lòn bon tự nhiên tại các thôn Đồng Chàm, Hội Khách và trồng mới thêm 16ha.

Ngày nay không chỉ có vùng rừng núi Đại Lộc mà các huyện Tiên Phước, Đông Giang, Nam Giang đã có hàng trăm héc-ta, góp phần nâng cao sản lượng lòn bon cho thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

THÁI MỸ

.