Những pho tượng Chăm ở di tích Miếu Bà

.

Khi nói về các di tích Chăm ở Điện Bàn người ta thường chỉ giới thiệu di tích tháp Bằng An ở Bằng An, phường Điện An, mà quên mất một di tích khác tuy nhỏ hơn nhưng lại vô cùng độc đáo, đó là miếu Bà ở thôn Hạ Nông Trung, xã Điện Phước.

Miếu Bà và hai pho tượng trong miếu. Ảnh: Lê Thí
Miếu Bà và hai pho tượng trong miếu. Ảnh: Lê Thí

Di tích Miếu Bà

Đến Điện Phước không thể không đến dâng hương trước mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp, một trong 3 lãnh tụ của phong trào Duy tân Quảng Nam, mà giới nghiên cứu thường gọi là “bộ ba Duy tân Quảng Nam Phan, Trần, Huỳnh” (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng). Ông là nạn nhân của bản án Mạc tu hữu nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nước ta.  

Nhưng cũng thật thiếu sót nếu không đi thêm 500 mét qua cánh đồng thôn Hạ Nông Trung để vào thăm di tích Miếu Bà và chiêm ngưỡng mấy pho tượng Chăm độc đáo tại đây để thấy hết lịch sử của một vùng đất.

Thôn Hạ Nông Trung ngày nay là một phần của làng Hạ Nông trước đây, một trong những làng cổ của Điện Bàn. Hạ Nông vốn có tên là Hà Khúc, là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn, thuộc phủ Triệu Phong dưới thời các chúa Nguyễn, được Dương Văn An ghi lại trong Ô châu cận lục (1555) và được diễn tả bằng hai câu đầy hình tượng: “Sông Hà Khúc chảy ra khuất khúc, đường Lại Bằng đi lại thẳng băng”. Đây có thể là một làng cộng cư Chăm - Việt vào thế kỷ XV.

Trên cánh đồng ở làng Hạ Nông nay thuộc địa phận thôn Hạ Nông Trung, có một khu đất rộng độ 1.500m2 khá cao so với cánh đồng xung quanh, trước đây là một khu di tích Chăm đã đổ nát chỉ còn lại một số gạch ngói và tượng Chăm. Dân làng đã xây một ngôi miếu rồi gom các tượng còn lại vào đó để thờ. Trong đó có bức tượng một phụ nữ xinh đẹp nên dân làng gọi là tượng Bà. Miếu thờ tượng Bà nên gọi là miếu Bà. Sau này miếu Bà bị tàn phá, người ta xây lên đó một ngôi chùa mang tên Hồng Phúc.

Ảnh: Lê Thí
Ảnh: Lê Thí

Gần đây, trong khuôn viên ngôi chùa, một miếu nhỏ được phục dựng để thờ mấy pho tượng Chăm còn lại. Miếu nép mình dưới tán một cây đa cổ thụ bên cạnh tượng Quan Âm ở góc trái của sân trước chùa Hồng Phúc. Phía trước và bên trong miếu hiện chỉ còn chưa đầy 10 hiện vật mà phần lớn đã bị bể nát không còn nhận diện cụ thể để biết đó là những tượng gì và có thể xác định phong cách để biết được niên đại cụ thể. Tuy nhiên, trong miếu vẫn còn hai pho tượng (phù điêu thì đúng hơn) một còn khá nguyên vẹn và một tuy đã bể mất phần bên trên nhưng vẫn nhận diện được. Hai tượng này đã được GS Ngô Văn Doanh, chuyên gia cao cấp về Chăm nhiều lần đến nghiên cứu và có những nhận xét đặc biệt. Đó là phù điêu Shiva-Gauri và phù điêu Vishnu-Garuda.

Những tượng Chăm độc đáo

Bức phù điêu Shiva-Gauri là bức phù điêu lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất trong khu miếu Bà, đặt cao nhất giữa miếu, được tạc thẳng vào một phiến đá và có kích thước khá lớn, rộng 1,27m cao 1,45m với bề dày 0,3m. Bức phù điêu gồm 2 phần không cân đối, phần bệ là phần phụ chỉ cao 0,35m có khắc hình 6 người chia làm 2 nhóm 2 bên, giữa là 3 tháp hình trụ. 6 người ở dáng quỳ đang chắp tay cầu nguyện hướng vào 3 tháp hình trụ ở giữa. Phần chính ở trên cao 1,1m khắc hình thần Shiva cùng vợ (Gauri) ngồi trên bò thần Nandin.

Bức phù điêu thể hiện chủ đề 3 vị thần, thần Shiva, vợ thần Shiva (thường được hiểu là Shakti tối thượng) và bò thần Nandin - chúa tể của đạo pháp - đang ngự thanh bình trên thần sơn Kailasa (núi của thần Shiva) để tất cả các thần linh, con người và vạn vật chiêm bái theo triết lý Hindu giáo. Bức phù điêu mang phong cách Trà Kiệu và có niên đại vào khoảng thế kỷ X.

Phía bên phải của phù điêu Shiva-Gauri là phù điêu Vishnu-Garuda. Bức này không còn nguyên như bức Shiva-Gauri mà bị bể mất phần ở trên nên có kích thước nhỏ hơn, chỉ rộng 0,8m và cao 0,65m. Phần còn lại của bức này có đầy đủ hình chim thần Garuda nhưng thông qua một số dấu tích trên hình chim thần (2 tay và 2 chân) có thể đoán ra phần bị mất ở trên là hình khắc thần Vishnu. Kết hợp 2 phần là tượng thần Vishnu đang cỡi chim thần Garuda, một kiểu nghệ thuật truyền thống của Chăm-pa cổ, một trong hai truyền thống của khu vực Đông Nam Á (truyền thống kia là của Hindu giáo trên đảo Java thuộc Indonesia).

Ảnh: Lê Thí
Ảnh: Lê Thí

Vishnu là một trong ba vị thần tối thượng của Hindu giáo, chỉ sau thần Brahma (thần sáng tạo), đứng trên thần Shiva. Vishnu luôn là vị thần nhân bản nhất, bất kỳ ở nơi nào mà những thế lực độc ác bắt đầu thống trị thì Vishnu xuất hiện để cứu con người. Còn chim thần Garuda - vua của các loài chim, là hình ảnh mặt trời biểu hiện cho cái tinh thần bao trùm lên tất cả mọi vật do tạo hóa sinh ra. Bức phù điêu Vishnu-Garuda ở miếu Bà có phong cách Trà Kiệu, thế kỷ X. Đây là bức phù điêu Vishnu-Garuda duy nhất được tìm thấy còn lại ở nước ta (hai bức khác tìm được ở Quy Nhơn và Ngũ Hành Sơn được mang sang trưng bày ở bảo tàng Guimet tại Pháp).

Có thể mượn lời của GS Ngô Văn Doanh trong tác phẩm Nghệ thuật Chămpa - Câu chuyện của những pho tượng cổ (NXB Mỹ thuật, 2016, trang 244) để nói lên một phần sự độc đáo của hai bức tượng Chăm tại miếu Bà: “Với tất cả những ý nghĩa về mặt hình tượng tôn giáo cùng những giá trị nghệ thuật cao của phong cách Trà Kiệu, các tác phẩm điêu khắc ở Miếu Bà có thể được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật cổ Chămpa”.

Dù hầu hết những hiện vật trong miếu Bà không còn nguyên vẹn như xưa nhưng cũng đủ kể lại cho các thế hệ mai sau câu chuyện mang màu sắc tâm linh một thời của văn hóa Chăm-pa.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.