Ngôi chùa thờ "Thánh tướng"

.

Chùa Ông ở làng Minh Hương, Hội An (Quảng Nam), ngày xưa được hình thành trên nền tảng chủ yếu về nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng. Chùa thờ Quan Vũ, một tướng lĩnh luôn được thần dân kính trọng, đức độ song toàn, được tôn vinh như bậc thánh đế.

Chùa Ông (ảnh trái) và bảng giới thiệu tóm tắt bên trong chùa. Ảnh: Thái Mỹ
Chùa Ông (ảnh trái) và bảng giới thiệu tóm tắt bên trong chùa. Ảnh: Thái Mỹ

Chùa Ông tọa lạc tại số 24 Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, được người Minh Hương cư ngụ tại đây và người Đại Việt cùng góp công, góp của xây dựng vào năm 1653. Với lối kiến trúc khá độc đáo, gồm bốn tòa nhà, một tiền đình và một chính điện rộng. Bốn tòa nhà xây dựng theo hình chữ Quốc (国), lợp ngói âm dương, nóc được trang trí họa tiết hình rồng rất tinh xảo, công phu với quy mô bề thế và nhiều đề tài ẩn tàng triết lý nhân sinh.

Chùa Ông được cộng đồng người Hội An từ thuở xa xưa coi là biểu tượng cho sự trung, tín, tiết, nghĩa, là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng người Minh Hương và Đại Việt ở Hội An. Theo hồ sơ quản lý di tích, chùa Ông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 29-11-1991, là một trong những di tích tạo dựng nên phố cổ Hội An để trở thành di sản văn hóa thế giới.

Cái tên chùa Ông có lẽ được bắt nguồn từ việc dân làng thờ phụng một nhân vật nổi tiếng trong ngôi chùa này mà có. Ngoài cái tên chùa Ông còn tên gọi khác như Quan Công miếu, hoặc miếu Quan Công, miếu Quan Vân Trường, Trừng Hán cung, Hiệp Thiên cung… Bao đời nay, ngôi chùa thờ một vị tướng tài ba, lỗi lạc của Trung Hoa thời Tam Quốc, là Quan Vân Trường, còn gọi Quan Vũ, Quan Thánh.

Nếu ai đã đọc bộ tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” của nhà văn La Quán Trung do Bùi Thông dịch sang tiếng Việt thì sẽ biết khá tường tận lịch sử về nhân vật này.

Quan Vân Trường tức Quan Vũ sinh năm 220, song có tư liệu cho rằng ông sinh năm 160, mất năm 219, là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam quốc ở Trung Hoa. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán với hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị, ông được cho là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, là người được xếp hàng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán (Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung), và là nhân vật lịch sử Trung Hoa được người Đông Á biết đến nhiều nhất.

Ông không chỉ được đề cập trong bộ tiểu thuyết đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn của bao thế hệ đọc sách trên thế giới mà còn được dân chúng ở khắp nơi chạm trổ, khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng và các hoạt động văn hóa khác với những chiến tích oanh liệt cũng như nhân cách, đạo đức. Các câu chuyện dân gian về ông được hình thành từ thời kỳ nhà Tùy (581 - 618). Hầu hết các câu chuyện đều đề cao, thần thánh hóa vị tướng binh đao giỏi giang, lòng trong như nước suối đầu nguồn.

Người Minh Hương cũng như người dân Hội An xây chùa thờ Quan Vũ bởi truyền thuyết kể rằng Quan Vũ chính là Long Vương, được Ngọc Hoàng giao việc cai quản hô mưa, gọi gió, tạo nên sấm sét dương gian. Năm đó, ở vùng đất Giải Châu có một số quan quân vô đạo, đập phá đền đài, miếu mạo, coi thường thần linh nên Ngọc Hoàng tức giận ban lệnh phạt 3 năm không mưa tại vùng đất này. Thế là cảnh hạn hán, đói khát xảy ra, dân chúng cùng cực.

Một ngày nọ có vị anh hùng đi ngang qua ngôi thiền tự và ghé vào đánh cờ với vị hòa thượng. Hòa thượng chơi cờ rất giỏi nhưng cả 3 ván đều thua. Khi được hỏi, hòa thượng bảo nhìn cảnh dân chúng bị thiên tai hành hạ, chết chóc nên không còn tâm trí để đánh cờ. Vị anh hùng kia động lòng nên cho biết ông ta là Long Vương và hứa sẽ cho mưa. Thế là sau đó mưa trút xuống ầm ầm, mùa màng tốt tươi, dân chúng no đủ… Để tỏ lòng biết ơn Quan Vũ, dân chúng từ đời này sang đời khác đã tạc tượng thờ cúng ông trong các chùa chiền và xem đó như một hiển linh luôn đồng hành, tồn tại trong cuộc sống.

Trở lại với câu chuyện chùa Ông. Ngay chính điện là pho tượng Quan Vũ mặc thanh bào thêu hình rồng lấp lánh kim tuyến, tay cầm cây “Thanh long Yển nguyệt đao” (cây đao khắc hình Rồng xanh có lưỡi hình trăng nghiêng – ĐNCT) rất oai phong. Nét mặt trang nghiêm, tươi sáng, mắt xuất thần nhìn về phía trước. Bên cạnh còn có hai pho tượng khác là Châu Thương, người nô tỳ trung thành, dũng cảm của Quan Vũ và tượng con nuôi Quan Bình cùng hai con ngựa to bằng ngựa thật. Bên tả là bạch mã, bên hữu ngựa xích thố, loài ngựa chiến trường mà Quan Vũ rất yêu quý. Những pho tượng này được người thợ tài hoa ngày xưa tạo tác rất điêu luyện về nghệ thuật tạo hình.

Ngoài ra, trong chùa Ông còn rất nhiều tấm liễn, hoành phi, các sắc phong, bia đá cổ xưa… Có ba bức hoành phi khắc bài thơ của Nguyễn Nghiễm và hai bài họa của hai tùy tướng.

Năm 1775, Tả tướng Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du cùng với các tướng Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt tuân lệnh chúa Trịnh Sâm ở Đàng Ngoài mang 3 vạn quân đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Khi vào đóng quân tại Hội An, Tả tướng Nguyễn Nghiễm ghé thăm chùa Ông. Biết nơi đây thờ Quan Vũ, ông bèn làm bài thơ Sư để Hội An phố đề Quan Phu tử miếu (Hành quân đến phố Hội An đề miếu Quan Phu tử) và bài tán Quan Phu tử miếu tán (Bài tán miếu Quan Công). Hai tùy tướng Uông Sĩ Dư và Nguyễn Lệnh Tân cũng làm hai bài họa.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, giặc giã chiến tranh nhưng các hiện vật cũng như ngôi chùa cổ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và tồn tại cho đến ngày nay. Du khách muôn nơi khi đặt chân đến phố cổ Hội An hầu như đều ghé thăm chùa Ông không chỉ để chiêm ngưỡng sự cổ kính lâu đời của ngôi chùa mà còn hiểu thêm về ý nghĩa tâm linh của cộng đồng Hội An từ thuở xa xưa.

THÁI MỸ
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.