Sáo Ta lía của đồng bào Cor

.

Ông Lê Xuân Diệu (70 tuổi), người dân tộc Cor đang sống tại thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), là một trong những nghệ nhân dân gian còn giữ bí quyết chế tác và là người thổi sáo Ta lía hay nhất huyện.

Ông Lê Xuân Diệu với tiếng sáo Ta lía.  Ảnh: N.V.S
Ông Lê Xuân Diệu với tiếng sáo Ta lía. Ảnh: N.V.S

Ông đưa cây sáo Ta lía lên giới thiệu với khách miền xuôi, rằng đây là nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Cor vùng Trà My nên đàn ông Cor ai cũng có thể sử dụng được. Đặc biệt, khi Ta lía được vang lên với giai điệu vui nhộn vào những ngày mùa lúa chín, như nguồn cổ vũ, động viên, giúp xua đi những vất vả, lo toan của người dân Cor vốn cả cuộc sống chỉ trông vào điều kiện tự nhiên của dân làng.

Bao nhiêu đời nay, ông Diệu kể, khi đến mùa lúa chín, đàn ông Cor lên rẫy để trông lúa khỏi chim, chuột phá hoại. Nhiều khi mưa rả rích cả ngày, ngồi buồn không biết làm gì, họ đi tìm ống nứa khoét lỗ, thổi cho vui. Người ở rẫy bên này cách mấy quả đồi, mấy con suối, có thể thổi sáo tâm sự cho người ở rẫy bên kia và ngược lại. Càng về sau, người Cor cảm nhận thứ âm thanh phát ra từ loại nứa này khi thì lên bổng xuống trầm như điệu nhạc, khi thì lảnh lót như tiếng chim rừng ríu rít gọi bầy, tạo nên không gian ngập tràn sức sống thiên nhiên.

Để minh chứng cho những gì mình kể, ông Diệu đưa ống sáo Ta lía lên miệng thổi mấy hơi. Tiếng sáo như giọng nói con người, lúc thầm thì, khi bay bổng, người nghe có thể cảm nhận được sự giao hòa giữa đất trời và vạn vật, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sáo Ta lía của đồng bào dân tộc Cor được làm từ ống nứa, một loại cây thuộc họ trúc, mọc rất nhiều ở vùng người Cor sinh sống. Mỗi năm vào mùa xuân là thời điểm cây nứa trở mình, cũng là lúc đàn ông Cor vào rừng chặt cây nứa về làm sáo vì thời điểm này sẽ cho Ta lía âm thanh rất hay.

Công đoạn tìm và chặt nứa rất quan trọng, tỉ mẩn từng tí, mất rất nhiều thời gian. Đầu tiên, phải chọn ống nứa có lóng dài, già vừa phải, thân không quá dày, cũng không quá mỏng. Ống nứa không bị kiến đục lỗ. Chiều dài ống nứa khoảng 2,5 đến 3 gang tay (tầm 50 - 60cm). Đường kính chừng bằng ngón tay cái. Khi chặt nứa về, người Cor cắt bỏ hai mắt, để rỗng hai đầu, để trên gác bếp 2 đến 3 tháng cho thật khô.

Sở dĩ ống nứa phải để khô vài tháng, ông Diệu giải thích, là để cho sáo vừa tạo ra độ chính xác khi khoét lỗ, vừa không bị mối mọt mà ống nứa lại bám khói để lại màu vàng óng trông rất đẹp. Sau đó, để hoàn thành một cây sáo phải mất từ 5 đến 7 ngày.

Công đoạn khó nhất là khoét lỗ để cho Ta lía có tiếng vang. Người Cor dùng con dao bằng sắt nhọn, sắc để khoét 4 lỗ. Trên đầu ống nứa, chỗ để thổi, người Cor khoét một lỗ được bịt lại bằng sáp ong, chừa một lỗ nhỏ để thổi. Công việc này đòi hỏi đàn ông dân tộc Cor phải giàu kinh nghiệm và sự hiểu biết về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, cộng với bàn tay khéo léo và đôi tai thẩm âm của người chế tác mới tạo nên âm thanh chuẩn, nên không phải người đàn ông Cor nào cũng làm được.

Để tạo ra âm thanh hay, người thổi cần phải lấy hơi tốt vì khi thổi phải thổi liên tục, không được ngắt quãng. Và phải thổi đúng nhịp điệu, tiết tấu không dứt, không đứt đoạn. Âm thanh của Ta lía phải trầm bổng thì mới làm say lòng người nghe.

Khi người Cor thổi sáo Ta lía tìm được cho mình người bạn tâm giao thì họ có thể ngồi chơi với nhau mấy ngày liền. Và đặc biệt, sáo Ta lía còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mạnh mẽ. Ông kể những lần có xích mích trong các gia đình với nhau, giữa làng này với làng kia, chỉ cần âm thanh phát ra từ sáo Ta lía với giai điệu nhẹ nhàng, đầm ấm như lời tâm sự chân thành, mọi mâu thuẫn đều được hóa giải.

Đàn ông dân tộc Cor xã Trà Kót, mỗi khi lên rẫy hay về các bản làng xa xôi phía Trà Bồng, Trà Thủy (Quảng Ngãi) để thăm anh em, dòng họ, sui gia hay đi bất cứ đâu, họ đều luôn mang theo cái xui (gùi), trong đó có cây sáo Ta lía. Mỗi khi nghe tiếng sáo, người Cor dù ở đâu cũng ngỡ rằng như mình đang đứng giữa núi rừng bao la trùng điệp vùng cao Bắc Trà My.

Sáo Ta lía theo người Cor lên rẫy, vào rừng hái măng, xuống sông bắt tôm cá, và nó gần như là một phần máu thịt không thể tách rời trong cuộc sống của người Cor nơi đây. Mỗi khi nghe tiếng sáo Ta lía, người Cor xã Trà Kót lại nhớ về một thuở xa xưa, khi mà tổ tiên người Cor bắt đầu đến khai hoang và ở lại trên dãy núi Trường Sơn.

Ngày nay, điều kiện sản xuất và cuộc sống của người Cor xã Trà Kót trên huyện vùng cao Bắc Trà My cũng có nhiều thay đổi, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng dần bị thu hẹp. Song, điều đáng mừng là tiếng sáo Ta lía của người Cor vẫn còn giữ nguyên được những nét đặc thù, độc đáo, không hề lẫn với các nhạc cụ của bất cứ dân tộc khác trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Sáo Ta lía làm phong phú và mang lại niềm vui trong cuộc sống, giúp người Cor quên đi mọi mệt nhọc, hăng say trong lao động sản xuất và đoàn kết trong xây dựng quê hương của mình.

Nguyễn Văn Sơn

;
;
.
.
.
.
.