Tìm 'tuổi' nghề gốm Thanh Hà

.

Nghề gốm ở làng Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam nổi tiếng từ lâu. Nơi đây có ngôi miếu thờ tổ của làng nghề truyền thống này. Vậy tổ nghề gốm làng Thanh Hà là ai? Làng Thanh Hà có từ bao giờ? Câu hỏi này mãi đến nay vẫn chưa có ai biết rõ.

Miếu Nam Diêu, nơi thờ cúng tổ nghề gốm của làng Thanh Hà. Ảnh: T.M
Miếu Nam Diêu, nơi thờ cúng tổ nghề gốm của làng Thanh Hà. Ảnh: T.M

Các vị Tổ gốm trong truyền thuyết

Theo truyền thuyết dân gian thì vùng đất Thanh Hà được hai con sông Thu Bồn và Lai Nghi bao bọc nên rất thuận lợi cho nghề gốm. Ngày làng Thanh Hà mới được khai khẩn, nơi đây có một đứa trẻ chăn trâu tên là Nguyễn Huấn. Mỗi khi thả trâu ung dung gặm cỏ, Huấn thường lấy đất sét nặn ống thổi thành hình con chim rồi dùng rơm khô đốt nung cho đến khi con chim đất trở thành màu đỏ. Cậu ngồi vắt vẻo trên lưng trâu cầm con chim đất nung thổi vi vút trong áng hoàng hôn.

Âm thanh lảnh lót phát ra từ con chim đất nung của Huấn đã làm cho nhiều chàng trai trong làng để mắt tới và họ bắt chước làm theo để bán cho trẻ con chơi. Về sau, chim đất nung trở thành con tò he, còn gọi con thổi, và nghề gốm Thanh Hà bắt đầu hình thành từ đó.

Một câu chuyện khác lại kể rằng, ngày xưa ở làng Thanh Hà có hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người chị tên Phước, người em tên Tích nương dựa vào nhau làm thuê kiếm sống qua ngày. Thấy dân làng có nhiều khoai sắn, lúa gạo mà không có cái đựng nên hai chị em nghĩ ra cách lấy đất sét nặn thành một số vật dụng rồi dùng củi đốt nung để cất giữ lúa gạo ăn dần.

Khi nghề gốm làng Thanh Hà được hình thành thì bà Tích khăn gói ra phía Bắc lập làng gốm khác còn bà Phước vẫn ở lại làng Thanh Hà để tiếp tục theo nghề gốm. Như vậy, theo truyền thuyết thì cụ tổ của làng gốm Thanh Hà chính là ông Nguyễn Huấn cùng hai bà Phước, Tích.

Gốm Thanh Hà có từ bao giờ?

Tuy nhiên đó là các câu chuyện lan truyền từ đời này sang đời khác về “lai lịch” của một làng nghề, song theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thì năm 1471, vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, lập đạo Thừa Tuyên Quảng Nam thứ 13, cư dân Đại Việt lần lượt vào sinh sống ở vùng đất này ngày càng nhiều, lập nên làng, xã ở Quảng Nam, trong đó có làng Thanh Hà.

Hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào để xác định thời gian ra đời của làng Thanh Hà, song căn cứ vào các tộc họ Nguyễn Văn, Nguyễn Viết ở nơi đây thì có thể ước lượng làng Thanh Hà hình thành vào khoảng thế kỷ XVI do 8 tộc tiền hiền tạo dựng, bao gồm: Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Kim, Nguyễn Đức, Võ Văn, Võ Đình, Ngụy và Bùi.

Dưới triều Nguyễn, xã Thanh Hà có 13 ấp, trải rộng từ bờ bắc sông Thu Bồn đến dọc sông Để Võng và giáp với biển. Mục thổ sản của Quảng Nam trong sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chép: “Đồ gốm ở Thanh Hà, huyện Diên Phước có hộ chuyên nghiệp…” (trang 464, Đại Nam nhất thống chí - Tập 2, NXB Thuận Hóa”.

Gốm Thanh Hà được hình thành gắn với quá trình phát triển của Hội An bởi các cư dân của làng Thanh Hà đều từ xứ Thanh - Nghệ vào đây khai phá đất đai, lập nghiệp. Cũng qua một số kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã có nhận định khung niên đại của gốm sứ Thanh Hà ra đời vào khoảng thế kỷ XVII chứ không thể chứng minh được cụ thể năm nào.

Ban đầu, nghề làm gốm hình thành ở làng Thanh Chiếm, sau đó được chuyển đến làng Nam Diêu gần sông, thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ (cả hai làng này ngày nay là hai khối phố thuộc phường Thanh Hà).

Trong cuốn sổ Ngân lễ của làng Minh Hương, Hội An, lập năm Đinh Mão 1747 đang được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An có đoạn: “Viên chức làng Minh Hương cử người đến Thanh Hà mua 7 cái chậu để trồng một số loài hoa quý hiếm biếu quan Cai án kiêm Tri tàu vụ…”. Với nội dung đó chúng ta có thể hiểu, đây là cuốn sổ được người có trách nhiệm của làng Minh Hương ghi chép các khoản thu, chi từ tiền của dân làng.

Cuốn sổ này là bằng chứng cho thấy vào giữa thế kỷ XVIII, gốm Thanh Hà đã có bước phát triển rực rỡ và thật sự trở thành một thứ hàng hóa thông qua việc trao đổi, mua bán chứ không chỉ có tự cung tự cấp. Như vậy rất có thể nghề gốm nơi đây “đỏ lửa” trước thời gian này khá lâu.

Sách Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí do Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định biên soạn vào triều Gia Long năm thứ nhất có chép về làng gốm Thanh Hà: “Bên nam chạy dọc theo phù sa của sông, bên bắc là dân cư xã Thanh Hà. Dân ở đây chuyên làm nghề đúc gạch, ngói, làm đồ gốm và nấu vôi trắng...”. Khi triều Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, một số người giỏi nghề làm gạch, gốm của làng Thanh Hà được triều đình gọi ra xây dựng cố cung, trong đó có ông Bùi Phước Thanh, Bùi Phước Châu rất giỏi nghề nên được vua ban thưởng hậu hĩnh.

Bây giờ làng gốm Thanh Hà đang tồn tại một quần thể di tích có liên quan đến làng nghề truyền thống này như đình làng Xuân Mỹ, giếng gạch, phế tích một số lò gạch xưa… Đặc biệt nơi đây còn có miếu Nam Diêu thờ cúng tổ nghề gốm được xây dựng vào năm 1866 và miếu âm linh xây vào năm 1868 được xem là linh hồn của làng. Hằng năm vào các ngày mồng 9, 10 tháng 7 âm lịch, dân làng tổ chức giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà. Việc hành lễ đầu tiên là rước kiệu tổ nghề từ địa danh được gọi là Lùm Bà Giàng, làng Thanh Chiếm (vì nghề gốm có trước tại nơi đây) về miếu Nam Diêu.

Giỗ tổ nghề gốm là nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân có công tạo ra nghề gốm cho làng, cầu mong quốc thái dân an. Tuy vẫn chưa có tài liệu nào xác quyết tuổi tác của nghề gốm Thanh Hà, nhưng thông qua giỗ tổ nghề hằng năm, các thế hệ cháu con nâng cao ý thức phát huy truyền thống, có trách nhiệm bảo tồn, phát triển nghề cũng như việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm gốm Thanh Hà với du khách muôn nơi.

THÁI MỸ
 

;
;
.
.
.
.
.