Quan án thanh liêm

.

Ở thôn Thuận Trì, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi mộ cổ rất lâu đời. Tiền nhân đã trở thành người thiên cổ nên hậu thế không hề biết ai là người nằm dưới đó. Cũng may, một tiến sĩ sử học đã lần tìm quá khứ mới vỡ lẽ nấm mộ ấy là của vị quan đức độ, thanh liêm.

Nhờ văn bia này mà TS Lê Thị Mai đã tìm ra hành trạng của người nằm dưới mộ.
Nhờ văn bia này mà TS Lê Thị Mai đã tìm ra hành trạng của người nằm dưới mộ.

Hình như khi an táng, nấm mộ không được xây mà đắp đất theo hình quả trứng như nhiều ngôi mộ khác của những vùng nông thôn nghèo khó ngày xưa. Riêng tấm bia đá được chạm khắc chữ Hán cả hai mặt đến nay vẫn nguyên vẹn, tuy bị phủ màu rong rêu của thời gian nhưng các con chữ rất rõ nét.
Hết đời này sang đời khác, người dân trong vùng không ai biết lai lịch của người nằm dưới nấm mộ ấy là ai, bởi người quá cố chẳng còn bà con, thân thuộc ở chốn này.

Nấm mộ bằng đất bị thời gian tàn phá làm sạt lở nhưng cứ vào độ các tộc họ trong làng dẫy mả, tế xuân thì bà con xung quanh xúm nhau ít lát cuốc để ngôi mộ lại thành nấm đàng hoàng. Cũng có một vài cụ biết đôi chút chữ nghĩa dịch văn bia, song cũng không thành ý lắm, chỉ biết đại khái rằng đây là ngôi mộ của một ông quan án thuở xưa.

Thế rồi cách đây không lâu, TS Lê Thị Mai, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), một người con của quê hương, ngay từ  lúc còn nhỏ đã từng nghe ông, cha của mình nhắc tới xóm Bàu Ấu có một ngôi mộ quan án. Qua khảo cứu, sưu tầm nhiều tài liệu về triều Nguyễn có liên quan tới địa danh Bàu Ấu, bức màn bí mật của ngôi mộ cổ đã bắt đầu hé mở…

Theo tài liệu “Khảo cứu bước đầu về địa danh Bàu Ấu và nhân vật lịch sử Nguyên Duy Kế, Duy Xuyên, Quảng Nam” gồm 14 trang của TS Lê Thị Mai thì nấm mộ ấy là của vị quan án Nguyễn Duy Kế. Ông sinh ra, lớn lên tại làng Phương Trì, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, dinh Quảng Nam (nay thôn Thuận Trì, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên).

Năm 1864, dưới triều Tự Đức thứ 17, ông tham dự khoa thi Hương tại Trường Thừa Thiên. Khoa ấy chỉ lấy đỗ 28 người, trong đó có 9 người thuộc tỉnh Quảng Nam và ông Nguyễn Duy Kế xếp thứ 24.

Sau khoa thi, ông được bổ chức tri huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đến năm 1872, ông được thăng chức tri phủ Ninh Hòa. Mới tròm trèm chừng một năm ở chức này thì tháng 11-1873, thân phụ qua đời ở quê nhà, ông phải gấp rút bàn giao công việc quan trường để về làm tròn bổn phận chữ hiếu.

Bởi theo lệ thời đó, nếu cha mẹ qua đời thì con trai phải hồi quán cư tang tại gia thủ hiếu từ 27 tháng đến 3 năm, cự tuyệt ứng thù (không tiếp khách, tiệc tùng). Nếu người con trai làm quan của triều đình thì phải giao chức vụ cho người khác đảm nhận.

Mùa đông năm Đinh Sửu 1877, hết thời gian thọ tang, ông được điều động và bổ chức Án sát sứ tỉnh Nam Định cùng với Bố chánh sứ Nam Định là Đồng Sĩ Vịnh lo liệu việc chung. Đây là 2 vị quan đứng đầu của 2 ty trong tỉnh, đặt dưới quyền cai quản của quan Tổng đốc Định-Yên (tức Nam Định, Hưng Yên) Nguyễn Trọng Hợp.

Ngay từ lúc nhậm chức, Nguyễn Duy Kế được giao nhiệm vụ phối hợp với Đồng Sĩ Vịnh điều xét vụ án nhũng lạm công quỹ và đòi hối lộ của các quan tiền nhiệm tại địa phương này. Đây là vụ án chốn quan trường rất phức tạp, dính líu đến nhiều chức sắc, thời gian điều tra kéo dài nên sau khi nhận được tấu trình của các quan ty Đồng Sĩ Vịnh và Nguyễn Duy Kế về một số nội dung vụ án, vua Tự Đức đã phái quan khâm sai Trần Đình Liêm từ kinh thành Huế ra kết hợp với 2 vị quan này điều tra vụ án.

Sau hơn 2 năm thu thập bằng chứng, cuối cùng đã làm rõ được rất nhiều quan chức nhúng chàm, trong đó có các quan tiền nhiệm Bố chánh sứ Phan Minh Huy, Án sát sứ Tôn Thất Thận… Số tài sản mà các quan trong vụ án đã gặm nhấm như tiền bạc, thóc, gạo… được quy đổi bằng tiền lúc bấy giờ lên đến hơn 100.000 quan.

Bản luận tội trạng của vụ nhũng lạm, hối lộ ở Nam Định được thưa lên Thượng thư Bộ Hộ của triều đình và bộ này đã tấu trình vua xin xét xử. Lượng hình được áp dụng đối với Bố chánh sứ Phan Minh Huy là bị phạt trượng hết bậc và tội đồ theo khoản nhận của đút lót; Án sát sứ Tôn Thất Thận bị giải chức, cho lui về làm dân…

Mộ quan án Nguyễn Duy Kế nằm dưới rặng tre xanh râm mát gần với bàu sen phía đông của thôn Thuận Trì. Ảnh: T.M
Mộ quan án Nguyễn Duy Kế nằm dưới rặng tre xanh râm mát gần với bàu sen phía đông của thôn Thuận Trì. Ảnh: T.M

Còn chuyện riêng tư, gia thất của Nguyễn Duy Kế thì văn bia tại mộ cho thấy ông có 2 người vợ, vợ chính họ Nguyễn, vợ thứ họ Lê, con trai trưởng là Nguyễn Trọng Tuấn, đích tôn là Nguyễn Câu Lư. Bia mộ được lập vào một ngày mùa hạ năm Tân Tỵ 1881.

Văn bia cũng cho biết, sau khi mất, ông được truy phong Phụng nghị Đại phu, tước Hầu. Như vậy, năm ông qua đời đã rõ nhưng ông sinh năm nào, mất vì lý do gì, có bao nhiêu người con, cha mẹ ông là ai vẫn đang còn mờ mịt. Nếu tính từ thời gian bổ chức Án sát sứ Nam Định cho đến lúc rời cõi tạm, ông mới có 4 năm nắm giữ chức vụ này nên có nhiều khả năng ông qua đời khi còn đương chức.

Một số người ở thôn Thuận Trì cho biết, trước đây họ phát hiện một ngôi mộ vô chủ, lâu đời bị vùi lấp trong đất cát nên cải táng nơi khác. Khi di dời phát hiện ra văn bia mới biết đó chính là nấm mộ của thân mẫu quan án sứ Nguyễn Duy Kế.

Hiện tại mộ bà nằm trên nổng cát, cách mộ con trai chừng 50 mét. Thương xót vị quan thanh liêm mồ mả lạnh lẽo, bà Nguyễn Thị Chí, nhà ở cạnh ngôi mộ đã xây một cái khóm thờ tự, khói hương cho quan án sứ Nguyễn Duy Kế và cầu mong vong linh ông luôn thanh thản nghỉ ngơi mãi mãi cùng mảnh đất quê hương.

Thái Mỹ

;
;
.
.
.
.
.