Làng có 2 dòng thủy đạo

.

Nói đến vùng đất và sự hình thành quận Thanh Khê ngày nay mà không nhắc tới làng Thanh Khê ngày xưa quả là một thiếu sót, bởi từ cái tên một làng nhỏ bé ban đầu, trải dần qua năm tháng, làng Thanh Khê ngày nào đã chính thức đại diện cái tên cho một đơn vị hành chính cấp quận của thành phố Đà Nẵng từ năm 1997.
 

Chùa làng Thanh Khê (ảnh trên) và miếu Tam vị gắn với sự tồn tại của làng Thanh Khê, tọa lạc bên dòng sông Phú Lộc.  Ảnh: T.M
Chùa làng Thanh Khê (ảnh trên) và miếu Tam vị gắn với sự tồn tại của làng Thanh Khê, tọa lạc bên dòng sông Phú Lộc. Ảnh: T.M

Sách “Các di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng làng Thanh Khê” của Ban nghi lễ đình làng Thanh Khê gồm 159 trang do nhà nghiên cứu Phạm Thúc Hoàng khảo luận, biên dịch có trích dẫn “Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng”, NXB Khoa học xã hội 2010, như sau:

“Thanh Khê là tên của một làng mà đa số người dân chuyên nghề đánh bắt và chế biến hải sản, được hình thành từ giữa thế kỷ XVII. Năm 1806, vua Gia Long chia đất nước thành 23 trấn, 4 doanh thuộc đất kinh kỳ, vùng này trở thành xã Thanh Khê, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, doanh Quảng Nam”.

Còn theo tài liệu “Nguồn gốc địa danh lịch sử thôn Thanh Khê năm 1613” được dịch ra chữ Quốc ngữ năm 1980 do Ban nghi lễ đình làng Thanh Khê lưu giữ có ghi: “Thanh Khê là dùng để đặt tên làng Thanh Khê vì nơi đây có một khe nước lâu đời gọi là khe Đò Đầu. Nguồn nước khe Đò Đầu chảy thông từ suối làng Xuân Thiều đến làng Hòa Mỹ rồi chảy đến thôn Hòa Phú, thôn Phú Lộc, chảy tiếp đến đầu làng Thanh Khê, nước khe chảy thông ra Biển Đông. Nước khe trong mát quanh năm, trong khe có cá, tôm, cua, ghẹ. Hai bên khe có hàng dương liễu, cửa khe có dòng thủy triều lên, xuống. Cửa khe sâu từ 1 đến 2 mét, rộng từ 300 đến 400 mét. Ghe thuyền đánh cá làng Thanh Khê ra vào làm ăn phong phú, thịnh vượng. Đến mùa đông, biển động, ghe thuyền vào khe núp gió”.  

Cũng theo các cụ làng Thanh Khê truyền khẩu lại cho con cháu thì ngày xưa nước biển bao bọc đến tận chân núi Phước Tường và qua quá trình xâm thực, bồi lấp đã tạo ra nhiều cồn cát trắng. Trải qua thời gian, biến đổi của thiên nhiên, nước biển rút dần đã để lộ ra hai dòng thủy đạo chảy từ núi Phước Tường ra biển. Đó là dòng Thanh Khê (khe nước trong) và dòng Thạc Gián (dòng khe nước lớn).
Từ một vùng đất hoang dã như thế, năm 1627, ông Hồ Văn Oai ở xã Phước Châu, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh, mang theo 3 người con trai đi tìm vùng đất ở phương Nam lập nghiệp. Khi đến vùng cát này thấy có nhiều địa lợi nên người con trai của ông Hồ Văn Oai là Hồ Văn Tri đã quyết định dừng chân tại đây để khai canh, lập làng Thanh Khê, trở thành vị tiền hiền của vùng đất Thanh Khê.  

Dần dà, làng Thanh Khê lập ra các xóm là: Thanh Phong, Đông An, Thanh Thị, Thanh Hòa, Thanh Minh, Thanh An, Thanh Thủy. Sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam” (tỉnh Quảng Nam – thành phố Đà Nẵng) của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 có ghi: “Thanh Khê xã, đông giáp xã Thạc Gián, xã Xuân An, phường Đông An. Thôn An Khê lập cột đá làm giới. Tây giáp xã Phú Lộc, xã Bình An Trung, xã An Hòa, xã Hà Khê lập cột đá làm giới. Nam giáp xã Xuân An, lập cột đá làm giới, bắc giáp xã Hà Khê. Toàn diện tích là 314 mẫu, 3 sào, 8 thước, 6 tấc, 7 phân. Trong đó tư điền 92 mẫu, 8 thước, 6 tấc, 7 phân; hoang nhàn 121 mẫu, 9 sào; cát trắng 100 mẫu…

Năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên doanh Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam cho đến năm 1888 vua Đồng Khánh tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam để làm nhượng địa cho Pháp thì xã Thanh Khê trở thành khu Thanh Khê, thuộc Tourane. Từ năm 1954 đến ngày 6-1-1973 cái tên này được thêm chữ “phố” tức khu phố Thanh Khê, Đà Nẵng. Từ đầu năm 1973 đến tháng 2-1976, khu phố Thanh Khê thuộc phường Thanh Lộc Đán, quận Nhì, Đà Nẵng. Tháng 4-1978 bỏ quận Nhì, phường Thanh Lộc Đán trực thuộc thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tại kỳ họp thứ 10 ngày 6-11-1996, Quốc hội khóa VIII quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập các quận, huyện của Đà Nẵng, trong đó có quận Thanh Khê.

Ảnh: T.M
Ảnh: T.M

Ngày 5-8-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2005/NĐ-CP về việc thành lập một số xã, phường của quận Thanh Khê, huyện Hòa Vang và thành lập mới quận Cẩm Lệ. Riêng tại quận Thanh Khê chia phường Thanh Lộc Đán, một vùng đất đã từ rất lâu đời mang tên làng Thanh Khê thành hai phường là Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây.

Chính từ một vùng đất được tiền nhân tộc Hồ khai phá lâu đời như vậy nên đã hình thành rất sớm các cơ sở hoạt động về tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng như: đình làng Thanh Khê, chùa làng Thanh Khê, lăng Ông làng Thanh Khê, nhà thờ Tập linh nghề cá làng Thanh Khê, miếu Tam Vị, mộ tiền hiền tộc Hồ.

Nếu đối chiếu theo sử sách thì hai dòng thủy đạo ngày xưa là khe Đầu Đò và dòng Thạc Gián thì ngày nay ở vùng này cũng có hai dòng nước là khe Cạn và sông Phú Lộc. Sông Phú Lộc bắt nguồn từ Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam chảy qua các phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông đổ ra vịnh Đà Nẵng qua cửa sông tại cầu Phú Lộc trên đường Nguyễn Tất Thành. Khe Cạn là con kênh chảy qua địa bàn các phường Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) rồi nhập vào sông Phú Lộc.

Qua tìm kiếm, sưu tầm, người viết vẫn chưa thấy tài liệu nào khẳng định khe Đầu Đò và dòng Thạc Gián là khe Cạn và sông Phú Lộc của ngày nay, song nhìn nhận ở góc độ vị trí, địa lý, nơi bắt nguồn của hai dòng nước thì có nhiều điểm phù hợp để liên tưởng tới khe Cạn và sông Phú Lộc.

Hằng năm, làng Thanh Khê diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc về tín ngưỡng lâu đời như lễ cầu ngư, lễ vía ông Thổ Địa tại miếu Tam Vị, lễ cúng cơm cô bác tại miếu Thuyền trên bãi biển để tưởng nhớ những người tử nạn trên biển, lễ hội đình làng. Đây là chuỗi hoạt động văn hóa tâm linh của làng Thanh Khê có từ thuở xa xưa.

Thái Mỹ

 

;
;
.
.
.
.
.