"Đóa sen" xứ Quảng

.

Nguyễn Thuật có hiệu là Hà Đình, sinh ra bên Hà Kiều, thuộc Hà Trì cửu khúc của làng Hà Lam. Dân gian gọi ông là cụ Thượng Hà Đình. Đời ông gắn với chữ hà (荷) là sen và ông xứng đáng được gọi là “Đóa sen xứ Quảng”!

Chân dung Nguyễn Thuật và bàu sen Hà Kiều trước nhà ông. Ảnh: L.T
Chân dung Nguyễn Thuật và bàu sen Hà Kiều trước nhà ông. Ảnh: L.T

Một nhân vật đặc biệt

Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình, tự Hiếu Sinh, tước An Trường Tử, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Công Nghệ, sinh năm 1842 tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Lúc nhỏ ông là người nổi tiếng thông minh, văn hay, chữ viết “đẹp như thiệp Tàu”; đỗ phó bảng, hoạn lộ gần 40 năm dưới triều Nguyễn với chức Thượng thư kiêm Cơ mật đại thần hàm Chánh nhất phẩm. Ông là một nhân vật đặc biệt.

Thứ nhất, Nguyễn Thuật sinh ra trong một gia đình khoa bảng hàng đầu của Thăng Bình với 1 phó bảng (Nguyễn Thuật), 3 cử nhân (Nguyễn Tạo, Nguyễn Duật, Nguyễn Chức) và 3 tú tài (Nguyễn Đạo, Nguyễn Suyền, Nguyễn Kinh). Cha ông tuy không phải là nhà khoa bảng (chỉ đỗ tú tài), không phải là quan lớn nhưng là bậc cự phách tại địa phương, được mọi người kính nể cả về tài năng và đức độ, là một trong rất ít thường dân được viết trong Đại Nam liệt truyện, được tất cả các bậc “chi dân phụ mẫu” tham vấn mỗi khi đến nhậm chức tại địa phương” (theo Đại Nam liệt truyện).  

Thứ hai, ông khá suôn sẻ trên đường khoa cử và làm quan. Năm 1861, thi Hương đỗ tú tài; năm 1867 đỗ cử nhân; năm 1868, thi Hội đỗ phó bảng. Khi ông đỗ Phó bảng, viên Chánh tổng là người làng viếng câu đối hay: Sư tư sắc Nguyễn Tấn sĩ, Ngụy Thám hoa, Trần Tam nguyên, học hành tảo vi Hương thủy bắc/ Khoa đệ tắc Tý tú tài, Mẹo cử nhân, Thìn phó bảng, tài danh cao chiếu Hải Vân nam.

Hồ Ngận dịch: Thầy thi tấn sĩ họ Nguyễn, Thám hoa họ Ngụy, Tam nguyên họ Trần, theo đòi học hạnh bắc sông Hương/ Khoa thi tú tài năm Tý, cử nhân năm Mẹo, phó bảng năm Thìn, lừng lẫy tài danh nam núi Hải.

Ông làm quan gần 40 năm, trải qua 8/13 đời vua triều Nguyễn, là người từng đứng đầu cả 6 bộ ở triều. Ông khởi đầu bằng chức Biên tu Hàn lâm viện nội các, thăng dần lên các chức Giáo đạo Dưỡng Thiện đường, Thị lang, Tham tri các bộ, Tuần vũ rồi Tổng đốc Thanh Hóa, Thượng thư, Cơ mật đại thần, Tổng tài Quốc sử quán, Đông các điện Đại học sĩ…

Ông cũng từng hai lần đi sứ sang Trung Hoa (1880, 1883), hai lần làm Chánh chủ khảo các khoa thi Hội năm 1883 và 1887. Trong lần đi sứ lần thứ nhất, ông đã đến thăm lầu Hoàng Hạc và phóng bút hai bài thơ Đăng Hoàng Hạc lâu và Đề Hoàng Hạc lâu, được các danh sĩ Trung Hoa hết lòng khen ngợi về sự tài hoa (của nét bút và ý thơ)! Khi làm quan ông cũng đã hai lần “đề nghị” triều đình không thăng chức cho mình. Ít ai giàu lòng tự trọng để làm một việc ngược đời như vậy!

Là một đại thần giữa một triều đình đầy phe phái luôn tìm cách hạ bệ nhau, lại bị người Pháp theo dõi thường xuyên, Nguyễn Thuật vẫn thẳng thắn bày tỏ chính kiến. Lần thứ nhất vào năm 1887, ông xin từ chức để về hưu vì gia đình ông có nhiều người tham gia Nghĩa hội (em trai ông là liệt sĩ của Nghĩa hội Quảng Nam).

Ông ngầm bày tỏ thái độ chọn gia đình và Nghĩa hội thay vì chức tước và triều đình. Lần thứ hai vào năm 1901, ông từ chối ký chẩn y và cương quyết từ quan để phản đối Nguyễn Thân giết nhiều Nghĩa sĩ của Phong trào Cần Vương Hà Tĩnh. Chính vì việc này mà Nguyễn Thuật là người có hai lần về hưu (năm 1906, Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải bị bãi chức, ông và Hồ Lệ được triệu trở lại Kinh để thay thế).

Ông và gia đình đã có nhiều đóng góp cho quê nhà. Năm 1887, với cương vị Tuyên úy xử trí đại thần, ông đã vận dụng chính sách để 865 người thoát vòng lao lý, nhiều người trong số này sau đó đã tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước như Tiểu La, Đỗ Đăng Tuyển, Mai Luyện, Châu Thơ Đồng… Gia đình ông đóng góp nhiều cho việc xây dựng Văn thánh huyện Lễ Dương, khu văn hóa Hà Kiều, đình làng, Nghĩa trủng… Làng Hà Lam là ngôi làng “Thiện tục khả phong” (Tục tốt đáng khen) cũng do sự vận động xây dựng đóng góp của gia đình ông.

Về mặt văn hóa, Nguyễn Thuật là một tác gia lớn. Số lượng các trước tác của ông cả phần viết riêng và viết chung rất đa dạng gồm cả thơ, văn, nhạc, họa… Đặc biệt là phần lớn đã được khắc in và lưu trữ (ở Viện Viễn Đông Bác cổ và Viện Hán Nôm).

Cuộc đời luôn gắn với “sen”

Chữ Hà (荷) trong địa danh Hà Lam, tên làng quê ông cũng có nghĩa là sen. Nhà ông lại xây mặt trông ra bàu Hà Kiều (Hà Trì), một đoạn của Cửu khúc Hà trì (một kênh đào có 9 đoạn từ sông Ly Ly đưa nước về tưới cho cánh đồng làng Hà Lam) là nơi rộng nhất và cũng nhiều sen nhất. Đoạn dưới của Hà Trì có Hà Kiều, cây cầu bắc qua bàu sen (Cửu khúc Hà trì và Hà Kiều đều do gia đình Nguyễn Thuật chủ trì và  vận động dân làng cùng  xây dựng).

Cụ cử nhân Hồ Ngận (1893-1981) trong tác phẩm Quảng Nam Xưa & Nay (Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2004), khi nói về Nguyễn Thuật có viết: “Đến làng Hà Lam, phủ Thăng Bình về mùa hè, thấy một hồ sen, hương sắc thơm tươi, ấy là gần nhà Nguyễn Thuật, vì vậy ông lấy hiệu là Hà Đình” (trang 232).
Bản thân ông khi giới thiệu về ngôi nhà (quê hương) của mình cũng đã viết: “Thập lý hà phong hương lý đoạn/Bản kiều tây bạn thị ngô gia” (Mười dặm hương sen mùi còn thoảng/Bờ tây cầu ván ấy nhà ta).

“Nhà sen” của ông cũng đi vào thơ văn. Cụ Đào Tấn, người rất kính phục Nguyễn Thuật trong bài Ký hoài Hà Đình công có 4 câu: Tuế mộ hoài nhân ký viễn thư/ Hà Đình phong cảnh cận hà như/ Niên niên kỷ thủ nham đầu nguyệt/ Thập nhị hồi viên đáo tác cư. Tống Vũ dịch: Nhớ người năm hết trao thư/ Nhà sen phong cảnh thế nào hả anh?/ Mải nhìn bóng nguyệt đầu ghềnh/ Tròn mười hai độ nơi mình sáng soi.

Nguyễn Thuật là đại thần trong một triều đình phong kiến mà những năm sau này mọi quyền hành đều nằm trong tay người Pháp. Tuy vậy ông đã vận dụng tối đa những điều kiện trên cương vị của mình để giúp dân, giúp nước. Ông luôn nhận được sự yêu mến quý trọng của người dân, sự kính nể của người đương thời cả trong triều ngoài nội. Ông đúng là một cây sen lạ, mọc lên từ bùn đen nhưng nở hoa đẹp lung linh, tỏa hương ngào ngạt, bay xa vạn dặm, làm rạng rỡ không chỉ cho quê hương Thăng Bình, đất Quảng mà cho cả đất nước ta!

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.