Nghề sở trường làng Yến Nê

.

Mỗi khi nói về truyền thống quê mình, người dân làng Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) thường nhắc đến câu ca xưa với niềm tự hào quê hương bản quán: Yến Nê vốn thiệt quê nhà/ Nông tang đan đát nghề ta sở trường.

Thi đan rổ tại Hội làng Yến Nê năm 2006, một cách lưu giữ nghề truyền thống xưa.
Thi đan rổ tại Hội làng Yến Nê năm 2006, một cách lưu giữ nghề truyền thống xưa.

6 năm trước, tôi có lần được trò chuyện cùng ông Nguyễn Phú Chính, người trong làng quen gọi là Năm Chén, làm nghề đan đát ở làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ở vào tuổi ngoài bát tuần (tuổi Giáp Tuất), ông tên ban đầu là Chén, sau đi làm giấy tờ thấy gọi vậy khó nghe, bèn đổi thành Chính.

Trước năm 1945, nghề đan đát ở Yến Nê nổi tiếng khắp vùng. Ông Chính thường được người trước kể về công trạng của những người thợ được xếp hạng “tài danh” của làng nghề như các ông Trưởng Khánh, Trùm Thơm, Thủ Xử... Đó là những người được trời phú cho cái “hoa tay”, đã góp phần làm nên sự tinh xảo, vẻ mỹ thuật độc đáo của mặt hàng tre, làm vang danh làng nghề khắp trên nguồn dưới biển.

Ngày trước đất ruộng ít, hầu hết các hộ trong làng đều làm và sống hẳn vào nghề đan đát. “Mất mùa lúa được mùa đan”, những lúc “hút” hàng, làng trên xóm dưới phải chong đèn dầu làm cả đêm, cho ra những vật dụng mà nhiều loại trong đó lớp trẻ ngày nay chỉ biết nghe tên chứ chưa chắc đã hình dung ra nổi như: cót, ví, quả, nia, sịa, trẹt, gàu giai, gàu sòng...

Làng Yến Nê cùng với các làng dọc sông Tây Tịnh (một nhánh của sông Yên) ngày trước là xứ sở của các loại tre, tre trong vườn nhà, tre dọc bờ sông. Nguyên liệu dư thừa nên nhà nhà làm nghề đan đát. Nghề truyền thống cùng với các nông cụ đi vào các hình thức văn nghệ dân gian, nhất là hát hò khoan đối đáp - một hình thức hát giao duyên nam nữ ở các làng quê xứ Quảng xưa. Trong các buổi hát đó, nam nữ hay lấy hình ảnh đan đát để đưa vào câu hát nhằm châm chọc, trêu ghẹo, bông đùa, tạo ra tiếng cười, gọi là hát xạo.

Khi hát, thường thì các cô “tấn công” phái mạnh trước: Liệu bề đát được thì đan/ Đừng gầy ra bỏ đó thế gian họ cười! Các chàng trai cũng không phải dạng vừa, trả lời đốp chát ngay: Các cô ơi tui không phải trai hư/ Tui đát được, tui đan được, tui lận chừ cho cô coi/ Lận rồi tui “cột chặt” hẳn hoi/ Ở trên tui rấn xuống ở ngoài tui đè vô/ Nói ra sợ mất lòng mấy cô/ Ngó trong cái mủng chỗ mô tui cũng dùi...

Ông Nguyễn Phú Chính, người làm nghề đan đát cuối cùng ở Yến Nê đã ra đi.  Ảnh: V.T.L
Ông Nguyễn Phú Chính, người làm nghề đan đát cuối cùng ở Yến Nê đã ra đi. Ảnh: V.T.L

Ông Chính cắt nghĩa, đám con trai dùng mấy cụm từ “trên rấn xuống”, “ngoài đè vô”, “chỗ mô tui cũng dùi”, nhất là “cột chặt” (nói lái theo kiểu Quảng Nam) một cách rất chi là... xạo nên các cô “ngẩn tò te”, chỉ còn nước đánh trống lảng sang chuyện khác!

Có điều, thời hoàng kim vụt qua, nghề đan đát trên đất Yên Nê thoáng chốc đã đến hồi thoái trào, tới đầu thập niên 60 thế kỷ trước - khi chiến tranh nổ ra ác liệt - là ngưng hẳn. Mãi đến sau ngày thống nhất đất nước, làng nghề mới được khôi phục một cách tự phát nhờ những “lão làng” như các ông Huỳnh Tấn Trí, Nguyễn Phú Chính, Trần Đình Tánh, Nguyễn Văn Nghê...

Ông Trí xuất thân từ một gia đình đóng cối xay lúa nổi tiếng trên đất Duy Xuyên. Về làm rể làng Yến Nê, ông đã mang nghề truyền thống quê mình truyền bá trên quê vợ. Đóng cối xay lúa, kỹ thuật đan thân cối và hai thớt cối không khó, cái khó nằm ở chỗ phải biết cách chọn gỗ và đóng dăm tre ở mặt nghiền lúa trên hai thớt cối.

Đây là một “bí quyết” nhà nghề thuộc dạng bất thành văn, người trước dạy người sau theo kiểu truyền khẩu. Đóng dăm, người ta chọn tre và gỗ bứa, không được dùng đến các loại thiết mộc như kiền kiền, cẩm lai, vì cứng quá gạo sẽ vỡ vụn. Cối đạt yêu cầu là cối xay một ang lúa chỉ mất khoảng nửa giờ, hạt gạo trắng đều với tỷ lệ hạt bị bể thấp. Người thợ lành nghề chỉ cần nghe tiếng cối kêu là biết việc xay lúa đang ở công đoạn nào, chất lượng gạo tốt hay xấu.

Từ những cối xay lúa này, những hạt lúa nổi tiếng một thời như lúa đúc, lúa tàu núp, lúa ba trăng... đã biến thành những bát cơm thơm lựng với muối mè trong lễ cúng cơm mới mùa bát ngoạt (tháng Tám âm lịch).

Làng nghề đan đát Yến Nê dù được các lão nghệ nhân để tâm vực dậy nhưng cũng sống “cầm hơi” được một thời gian trước khi rút vào hậu trường, nhường sân khấu lại cho đồ nhựa. Năm năm trước, những người thợ già còn sống trên đất Yến Nê chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, thỉnh thoảng cũng đan vài ba chiếc rổ, mủng... gọi là để đỡ nhớ nghề.

Ông Chính ngậm ngùi nhớ lại: “Người thợ giỏi phải biết mọi thứ, từ chẻ tre, vót nan cho đến cách đan, đát, lận, nứt. Có 4 cách đan là lông mốt, lông hai, mặt mủng, mặt nia. Khó nhất là đan mặt nia, đè năm bắt hai... đan cả hai mặt, mặt chính dễ, mặt vợt khó. Ngày trước, thợ giỏi đan gàu sòng theo kiểu mặt nia tát không rớt một hột nước. Chừ ai cũng lận gàu bằng tôn, đồ tre vì thế cứ chết dần chết mòn. Mà không đan, không đát thì lụt nghề, mình còn không nhớ, nói chi tới chuyện truyền nghề cho bọn trẻ”.

Lâu lâu, mỗi khi đến các đợt hội hè, trại mạc của các hội, đoàn thể, những người khéo tay trong làng mới có dịp làm lại các vật dụng xưa cốt để triển lãm - gọi là đồ diễn. Tuy hiếm hoi, nhưng đó là lúc người làng nghề được sống lại những phút giây hạnh phúc xa xưa với những cách đan, đường nứt tinh tế nhất của nghề thủ công dân dã tre nứa.

Gần 10 năm trước, UBND xã Hòa Tiến từng xây dựng dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống”, quy hoạch không gian làng nghề tập trung tại thôn Yến Nê 2 với quy mô 4ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chủ trương này vẫn không “kết thúc có hậu” khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, diện tích đất nông nghiệp toàn xã bị thu hẹp, các “rừng” tre cũng dần biến mất.

Ông Nguyễn Phú Chính qua đời đã mấy năm rồi. Ông Nguyễn Ái, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, hiện công tác ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, ngậm ngùi: “Người làm nghề đan đát cuối cùng đã ra đi và nghề sở trường làng Yến Nê giờ đã thành hoài niệm...”.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
;
.
.
.
.
.