Một gia đình 3 đời làm nhà giáo

.

Gia đình nhà cách mạng Phan Thành Tài là một gia đình nhà giáo nổi tiếng. Trước khi tham gia cuộc khởi nghĩa năm 1916, ông đã từng là thầy giáo của các trường Duy tân. Các con ông noi gương cha tham gia mở trường dạy học với mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Trường THPT Phan Thành Tài ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.Ảnh: L.T
Trường THPT Phan Thành Tài ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.Ảnh: L.T

Tộc Phan làng Bảo An

Bảo An (nay là các thôn Bảo An Đông và Bảo An Tây của xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) là ngôi làng đặc biệt của Quảng Nam. Trường tiểu học Bảo An là một trong những ngôi trường dạy chữ quốc ngữ đầu tiên của Quảng Nam, được thành lập từ năm 1926 dạy cả quốc ngữ, tiếng Pháp và chữ Hán với những người thầy nổi tiếng như: Lê Trí Viễn, Lưu Trọng Lư, Hoàng Tụy, Khương Hữu Dụng…

Tộc Phan là tộc họ lớn của làng, cũng là một trong ba tộc họ tiền hiền của làng (Phan, Ngô, Nguyễn). Theo ông Phan Bá Lượng, một người tộc Phan Bảo An, tại nhà thờ tộc của ba vị tiền hiền đã lưu truyền câu liễn thờ: Bắc địa tùng Vương, long hữu nghị/ Nam thiên lập xã, tác dân sơ (Bạn tốt theo vua từ đất Bắc/ Làm sơ dân lập xã trời Nam). Câu liễn này trước đây còn được viết trên bài vị thờ ba vị Tiền hiền tại đình làng Bảo An.

Theo gia phả của tộc Phan Bảo An, thủy tổ của tộc là ngài Phan Nhơn Bàn, có quê gốc ở làng Ao Giản, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ngài là cháu đời thứ 6 của ngài trại chủ Nghệ An tước Quan nội hầu thời nhà Trần. Năm Khải Định thứ 9 (1924), Ngài Thủy tổ Phan Nhơn Bàn được sắc phong “Tiền hiền khai canh, Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần” của hai làng Bảo An Đông và Bảo An Tây.

Tộc Phan Bảo An đến nay truyền được gần 20 đời thuộc 5 chi tộc phái.

Về mặt khoa bảng, tộc Phan là một trong những tộc khoa bảng hàng đầu của vùng Gò Nổi. Thời Nhà Nguyễn, tộc có 1 phó bảng và 5 cử nhân: Phan Trân (Phó bảng, khoa 1888), Phan Doãn Đức (khoa 1846), Phan Trinh (1847), Phan Tấn (1884), Phan Thành Tích (1888), Phan Bá Kinh (1903)…

Ba đời làm nhà giáo

Cụ Phan Thành Tích, thuộc phái Nhì của tộc Phan Bảo An, là người mở đầu cho truyền thống giáo dục của gia đình dòng họ mình. Sau khi thi đỗ cử nhân khoa Mậu Tý (1888) với vị thứ 3/42, cụ được bổ làm Giáo thọ (chức quan chuyên dạy học hoặc lo về thi cử) phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Được một thời gian cụ xin từ quan về quê mở trường dạy học trò.

Phan Thành Tài (1878-1916), lâu nay người ta chỉ biết ông là nhà cách mạng, vị Tổng tư lệnh Nam Nghĩa Bình (chỉ huy cuộc khởi nghĩa Duy tân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), nhưng ít người biết ông còn là nhà giáo. Phan Thành Tài sau khi từ bỏ công việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội đã về quê và tham gia phong trào Duy tân. Ông là một trong những đồng sáng lập của trường Diên Phong tại Phong Thử (nay thuộc xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), vừa giảng dạy vừa làm hiệu trưởng của nghĩa thục này. Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy tại nhiều trường Duy tân khác như Phú Bình, Bảo An, Phú Bông…

Ba người con của Phan Thành Tài đều là những nhà giáo nổi tiếng.

Nổi tiếng nhất là nhà giáo Phan Bá Lân. Ông tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thông thạo nhiều ngoại ngữ, ngoài tiếng Pháp còn biết tiếng Nhật, Nga, Anh, Tây Ban Nha. Ông lập trường tư thục Chấn Thanh ở Sài Gòn quy tụ được nhiều giáo sư giỏi thời bấy giờ như Dương Bạch Mai, Trần Văn Thạch, Trần Văn Ngà, Trần Văn Huấn, Trần Văn Chánh, Huỳnh Dư, Bửu Tiếp, Cao Xuân Huy…

Hoạt động của trường rất đa dạng. Ông bỏ tiền ra mua các thiết bị thí nghiệm, nhiều sách báo, sách tham khảo, sách giáo khoa... để học sinh đọc thêm mở mang kiến thức, hình thành một thư viện phong phú; ngoài ra còn tổ chức nhiều lớp thể dục thể thao, thành lập đội bóng đá, mỗi tối thứ Bảy có chiếu phim tại sân trường cho giáo viên, học sinh giải trí. Ngoài trường Chấn Thanh tại Sài Gòn, ông còn mở Trường trung học tư thục Nam Hưng tại Cần Thơ, Trường tiểu học Chấn Hưng ở Vĩnh Hội.

Năm 1940, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Phan Bá Lân về Đà Nẵng, mở trường Chấn Thanh ở Đà Nẵng, cơ cở vật chất đều được chuyển từ Sài Gòn về và quy tụ được nhiều giáo viên giỏi như các ông Huỳnh Tân, Huỳnh Hòa, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Phan Khoang,... Học sinh theo học rất đông, trường phải mở thêm một chi nhánh. Được 4 năm, trường Chấn Thanh phải đóng cửa vì chiến tranh, ông trở về quê nhà Bảo An mở trường tiếp tục dạy học.

Người con thứ ba của Phan Thành Tài là Phan Thuyết (con thứ 2 là Phan Kình chết sớm), đỗ cử nhân văn chương ở Pháp. Sau khi về nước xây dựng và tham gia giảng dạy tại hai trường tư thục Đạt Đức và Tân Thịnh ở Sài Gòn (Trường Đạt Đức là tiền thân của Trường THCS Châu Văn Liêm ở quận Phú Nhuận ngày nay).

Phan Út là con út ra đời sau khi Phan Thành Tài đã đền nợ nước. Ông đậu kỹ sư ngành hóa học tại Đại học Toulouse (Pháp) và kỹ sư ngành giấy tại Đại học Grenobe. Năm 1948, ông về nước mở trường Tân Thanh, Tân Thạnh và Thành Tài ở  Sài Gòn. Ông cũng là Hiệu trưởng Trường dạy lái xe ô-tô Tân Thanh và Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ nhật báo Tân Thanh.

LÊ THÍ

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.