14 năm đèn sách trong đời Huỳnh Thúc Kháng

.

Để trở thành một trong những nhà khoa bảng hàng đầu của đất Quảng, Huỳnh Thúc Kháng đã bỏ ra 14 năm để đèn sách từ 1884-1904 (trừ 3 năm vào núi học võ thời Nghĩa hội Quảng Nam và 3 năm cư tang cha). Những ngôi trường đầu đời luôn để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng ông.

Câu liễn ở nhà thờ cụ Trần Văn Chiêu. Ảnh: Trương Điện Thắng
Câu liễn ở nhà thờ cụ Trần Văn Chiêu. Ảnh: Trương Điện Thắng

Trong 14 năm này, thời gian học ở trường Đốc (trường tỉnh do Đốc học làm Hiệu trưởng) tại Thanh Chiêm là dài nhất, 4 năm (1896-1900); một năm học ở trường Giáo (trường phủ do giáo thọ đảm nhận) phủ Thăng Bình tại Hà Lam. Chín năm còn lại ông đã trải qua 6 ngôi trường khác nhau. Dựa vào Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (NXB VHTT, năm 2000) ta biết được đôi điều.

Những ngôi trường đầu đời

Huỳnh Thúc Kháng bắt đầu đi học năm 8 tuổi (1884). Người thầy đầu tiên cũng chính là cậu ruột của ông, một nhà giáo tài năng từng là Tế tửu Quốc tử giám (Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia duy nhất thời đó), đó là Phó bảng Nguyễn Đình Tựu. Chỉ học được một năm, cậu ông phải ra Huế làm quan nên ông quay trở về quê nội học với nhà giáo Nguyễn Tiến, một cụ đồ nho người Hà Tĩnh đến làm thầy trong làng Thạnh Bình của ông.

Học chưa bao lâu ở trường làng ông lại phải bỏ vào núi để học võ, tham gia chủ trương “vườn không nhà trống” của Nghĩa hội. Ba năm sau ông mới về, rồi sang quê ngoại (làng Phú Thị) học với người anh cô cậu là Tú tài Nguyễn Hoành (con Nguyễn Đình Tựu). Một năm sau (1890) cha ông gửi ông xuống làng Trường Xuân theo học với cụ Tú tài Nguyễn Chí. Mới học được nửa năm ông lại quay về theo học với Tú tài Trần Văn Chiêu (hiệu là Tiểu Minh, quê ở làng Phước Kiều, Điện Bàn) ở Trường Đại Đồng, khi cụ Chiêu dạy học tại nhà Bang Biện, huyện Hà Đông là Nguyễn Hướng (em Nguyễn Đình Tựu).

Sau Trường Đại Đồng, Huỳnh Thúc Kháng được Phan Châu Trinh “rủ” đến học ở trường Cẩm Y, sau đó học Trường Giáo Thăng Bình rồi vào Trường Đốc Thanh Chiêm. Trước khi vào Trường Đốc năm 1896, ông có nửa năm theo học với thầy Nguyễn Liên ở Thanh Chiêm (một thời gian ngắn thì thầy bị bệnh phải nghỉ).

Qua những “tâm tình” được bày tỏ, chúng ta biết hai ngôi trường để lại dấu ấn sâu đậm đối với Huỳnh Thúc Kháng là Trường Đốc Thanh Chiêm và Trường làng Đại Đồng.

Đối với trường Đốc Thanh Chiêm, Huỳnh Thúc Kháng cho biết trong sách đã dẫn: “Từ ngày vào trường tỉnh, cùng minh sư ích hữu ngày ngày giảng tập, được ích rất nhiều. Kể trong 50 năm trừ ngày thơ ấu trôi nổi vinh nhục, nếm đủ mùi đời, cái thú vui về tinh thần văn tự, minh hữu chỉ có 4 năm học ở tỉnh. Nay nhớ lại, quả là việc trọn đời không thể nào có thể trở lại được nữa… Lúc bấy giờ cùng Thai Xuyên (Trần Quý Cáp - ĐNCT), Tây Hồ (Phan Châu Trinh - ĐNCT) trao đổi khá vui…” (trang 29, 31).

Cũng tại trường tỉnh này, cậu học trò nghèo họ Huỳnh luôn được thầy giáo  hết mình giúp đỡ. Trong bài Phải chăng là cái số “Trước phúc đầu họa” đăng trên Báo Tiếng Dân vào năm 1938, Huỳnh Thúc Kháng cho biết, khi học ở trường Đốc cùng Phạm Liệu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến... do thầy Trần Đình Phong giảng dạy, trong các kỳ sát hạch, bài của ông luôn được đứng đầu. Ông lấy làm lạ vì thấy sức học của mình không hơn gì mấy vị kia vì thế nghi là được thầy ưu ái. Quả đúng như vậy, một lần: “Cụ Đốc học Mã Sơn (Trần Đình Phong - ĐNCT) bảo: học sanh lương ít - ít hơn ấm sanh và cử nhân, lương ưu mỗi tháng chỉ có 16 quan tiền thôi - anh nhà xa trường, lại nghèo, nên phê cho hạng ưu đặng có thêm tiền ăn học”.

Riêng trường làng Đại Đồng có thể xem là ngôi trường “định mệnh” của Huỳnh Thúc Kháng. Ông viết: “Trong khi tôi theo học ở Trường Xuân, gia nghiêm mộng thấy một câu: Phụ cấp đông tùng tây lộ khứ/ Tương phùng giai ngẫu hậu phùng quân. (Phụ thân cho đi học bên Đông nhưng về lại bên Tây/ Trước gặp vợ sau gặp vua. Vì thế tôi về học tại làng Đại Đồng. Quả nhiên sau tôi cưới vợ ở làng Đại Đồng, con gái út ông bá hộ họ Nguyễn. Mộng cũng nghiệm thay” (Sđd trang 23).

Tại ngôi trường này, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ đã gặp được “giai ngẫu” mà còn gặp được cả người “đồng chí” tài năng, gắn bó suốt đời với ông: “Năm ấy Tây Hồ, Phan quân Châu Trinh, nghe tiếng tôi, tìm đến kết giao”! (trang 23).

Câu liễn viếng nhà mới của thầy

Hiện nay, ở nhà thờ cụ Tú tài Trần Văn Chiêu ở làng Phước Kiều, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, có treo câu liễn đối do Huỳnh thúc Kháng và các bạn đồng môn cúng mừng nhân dịp con cháu cụ Tú Chiêu xây dựng lại ngôi từ đường vào năm 1943.

Cụ Tú tài Trần Văn Chiêu chính là thầy học của Huỳnh Thúc Kháng tại Trường Đại Đồng vào năm 1890 như đã nói ở trên. Cụ Tú Chiêu cũng là người sắp xếp để Huỳnh Thúc Kháng vào học Trường Đốc Thanh Chiêm: “Nửa năm sau quý cựu Nguyễn Hướng, em cậu Tế, rước ông Tú Trần Tiểu Minh ở Phước Giang (húy Dĩnh, người làng Phước Kiều, ngày sau sắp đặt cho tôi ăn học tại tỉnh), ngồi dạy ở nhà, tôi theo học” (trang 23).

Câu liễn có nội dung: Thu thụ căn lưu thi lễ trạch/ Xuân phong tọa mãn tảo cần hương. Bên phải ghi: Bảo Đại thập bát niên xuân (Quý Mùi 1943). Bên trái ghi: Phước Giang học sinh tú tài Trần tiên sinh. Môn sanh: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Sách, Trần Huỳnh Mậu, Phạm Hữu Mẫn, Trần Đức.

Tác giả Phú Bình, một người nghiên cứu văn hóa địa phương cho rằng: “Đây là câu đối có dùng các thủ pháp “từ lồng trong từ” và “ý lồng trong ý” nên là câu đối rất khó diễn nghĩa, diễn ý và diễn ra thơ hoặc câu đối Nôm vì ý của nó là tầng tầng lớp lớp. Ông nêu ra hai trường hợp:

Nếu đây là câu đối mừng nhà mới của thầy thì các từ Thu, Thụ, Căn và Tọa 坐 (dùng thay thế tòa 座) còn mang hàm ý nói về “kiến trúc ngôi nhà mới”. “Thi lễ trạch”, “Tảo cần hương” còn nói về “mạch nguồn nề nếp thư hương” và “gia phong thi lễ, văn chương” của gia đình thầy học. Trong trường hợp này có thể diễn nôm câu đối trên như sau:

Cảnh sắc thư hương, lưu dấu nho phong trên đất học/ Nếp nhà thi lễ, vang danh mô phạm đến kinh thành.

Cũng có thể là câu liễn trò vinh danh thầy. Tác giả đã vận dụng văn chương (đã học được từ thầy) để ca ngợi đạo đức, cốt cách của thầy. Vế đầu chủ yếu nói về thầy, vế sau chủ yếu nói về thành tựu của trò; qua đó ca ngợi tài đào tạo (đặc biệt về mặt văn học) của thầy và tạm nôm na diễn đối như sau:

Mô phạm khởi nguồn từ thi lễ/ Khoa danh đạt tiếng bởi ân sư.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.