Chuyện xưa xứ Quảng

Dạy con thành những danh thần triều Nguyễn

09:54, 31/05/2020 (GMT+7)

Mặc dù không phải là quan lại đương triều nhà Nguyễn nhưng với đức độ và tấm lòng thương dân yêu nước, ông Nguyễn Đạo đã được sách Đại Nam liệt truyện chép lại với sự kính trọng. Ông là thân sinh của những danh thần nhà Nguyễn.

Nguyễn Đạo, tự là Suất Tính, quê huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Mồ côi cha từ nhỏ, nhưng rất chăm học và sáng dạ. Hai lần đỗ tường sinh (tú tài) vào năm đầu Minh Mạng (1820), năm 40 tuổi được bổ giáo chức nhưng viện cớ mẹ già ở quê cần người chăm sóc nên ông từ chối làm quan để ở nhà phụng dưỡng.

Nhà thờ Tiền hiền Hà Lam (ảnh trên) và một trong chín văn bia của Văn thánh huyện Lễ Dương được lưu giữ tại đây. Ảnh: N.T
Nhà thờ Tiền hiền Hà Lam (ảnh trái) và một trong chín văn bia của Văn thánh huyện Lễ Dương được lưu giữ tại đây. Ảnh: N.T

Cuộc đời của ông gần như gắn liền với quê hương xứ sở, mặc dù không ra làm quan nhưng ông được người dân, đặc biệt là các quan khi đến nhậm chức tại Quảng Nam rất kính nể, thường xuyên mời đến huyện nha để tham vấn các việc lợi hại cho dân. Ông không chỉ nổi tiếng là người con hiếu thảo mà còn là người trọng nghĩa, suốt đời chăm lo cho đời sống của người dân nghèo.

Vào năm đầu Tự Đức (1848), mùa màng luôn bị thất bát, đời sống của người dân trong vùng rơi vào khó khăn. Ông đã bỏ của cải gia đình ra để chẩn phát cho người dân trong lúc đói kém, nhờ vậy, người dân trong xã và bà con các thôn, xã lân cận được cứu sống rất nhiều. Chính việc này đã thôi thúc ông đứng ra quyên thóc, khuyên người dân lập nên nghĩa thương để phòng khi đói kém. Tỉnh đem việc này tấu lên, ông được thưởng hai áo lụa màu và 12 đồng “Phi Long ngân tiền”.

Từ năm Mậu Ngọ (1858) đến năm Quý Hợi (1863), tình hình trong nước có nhiều biến cố, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược, thêm phần vùng biển có nhiều chuyện xảy ra nên người dân trong hạt lại gặp nạn đói. Tỉnh phải ủy thác cho Nguyễn Đạo đi quyên tiền để cứu trợ. Lần này, ông quyên được sáu vạn quan. Bản thân ông cũng tự quyên của nhà giúp cho hương binh và phát chẩn, tính ra tiền cũng như thóc có đến hàng vạn. Công trạng của ông được các quan trong triều tâu lên, ông được thưởng hai thẻ bạc, một thẻ ghi “Lạc quyên ngân bài”, một thẻ ghi “Lạc quyên nghĩa sĩ ngân bài”.

Lại có một sự kiện được chép trong sách Đại Nam liệt truyện rằng: “Hai phường An Phú, Dục Thúy trong huyện không có đất ăn ở, lênh đênh trên mặt nước. Đạo khuyên dân xã mình trích ra hơn 20 mẫu công điền nhượng cho”. Việc này cũng được tâu lên vua và người dân trong xã được thưởng một tấm biển “Thiện tục khả phong” - tức Tục thiện đáng làm gương.

Ông đặc biệt chú trọng xây dựng, tu bổ các đền chùa, cầu đập đồng ruộng, thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mục đích của ông là mong muốn người dân có cuộc sống ổn định. Chính vì vậy, lâu dần, của để dành trong dân ngày càng dồi dào, gặp năm đói kém thì không phải xin Nhà nước cấp giúp. Từ đó, hơn 40 năm trôi qua, đời sống người dân ổn định, dân trong làng không có việc gì phải thưa kiện đến quan. Học trò trong làng, văn cũng như võ, đều đỗ đạt, làng của ông ở trở thành một làng danh vọng điển hình cho toàn huyện.

Không chỉ chăm lo cho cuộc sống người dân, Nguyễn Đạo còn khuyến khích dân làng đặt ra học điền, xây dựng trường học, mời thầy về dạy văn, dạy võ. Huyện hạt lúc bấy giờ chưa có văn chỉ, ông cùng với các thân sĩ trong huyện đi khuyến dân quyên cúng và nhượng đất công xây dựng văn chỉ ở làng mình. Công trình này được khởi công từ đầu năm 1855 đến 1856 thì hoàn thành. Hiện nay, 9 tấm bia của Văn thánh Lễ Dương xưa được đặt tại nhà thờ Tiền hiền làng Hà Lam.

Là người làm nhiều việc có ích cho dân, cho nước, tính tình phóng khoáng, chất phát ngay thẳng và đặc biệt là không thích tính phô trương nên Nguyễn Đạo nhiều lần từ chối công trạng. Có lần, Thượng thư Ngụy Khắc Đản, Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Chính Thủ tấu trình lên vua về công đức của ông đối với người dân trong vùng. Biết chuyện, ông không đồng ý và cho rằng đó là những lời đồn không đúng với thực tế những gì ông đã làm nên xin được miễn nhận công trạng vua ban.

Bàn luận về ông, sách Đại Nam liệt truyện có chép: “Người xưa, đối với những người con hiếu, cháu hiền, nhường của, cứu nạn, cho chí người học thức, đáng làm gương mẫu cho dân, đều làm biển nêu khen để chấn hưng những đức hạnh tốt, thời Đạo cũng hầu như vậy đó”. Thế mới thấy được tính cách con người của ông, ai cũng muốn vinh danh với công việc của mình, nhưng với ông thì luôn khiêm nhường. Con người hiểu phận mình biết vừa đủ là vậy.

Chính sự đức độ của mình, ông đã dạy các con không chỉ trở thành những người có ích cho xã hội mà còn là những người đỗ đạt cao và ra làm quan. Người con trai đầu là Nguyễn Tạo, đỗ hương tiến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), từng kinh qua nhiều chức vụ trong triều đình (Huấn đạo huyện Gia Lộc, sau thăng Biên tu sung Tập hiền viện khởi cư chú - giữ việc chú thích các thơ và sử vua làm ra cùng biên tập các sách sử yếu, từng thăng Thị độc lĩnh án sát Hải Dương…). Người con thứ là cụ Thượng Hà Đình Nguyễn Thuật. Ngoài ra, theo Đại Nam liệt truyện thì ông còn hai người con là Nguyễn Quýnh  đỗ kỳ thi Hương, Nguyễn Thuyên đỗ tú tài. Cháu nội của ông (con của Phó bảng Nguyễn Thuật) là Nguyễn Chức đỗ hương tiến năm 1888 dưới triều vua Đồng Khánh, cháu nội Nguyễn Kinh đỗ tú tài.

Mặc dù đỗ đạt và không ra làm quan nhưng ông vẫn dạy dỗ con cháu của mình trở thành những danh thần của triều Nguyễn. Các con của ông hiển quý, nhưng ông còn lo họ làm việc hại đến âm đức nên thường dùng câu của cổ nhân mà dạy các con rằng: “Nếu xuất hiện một tiến sĩ làm hại âm đức, thời không bằng xuất hiện một thường dân biết tiếp tục phước”. Ông mất năm 70 tuổi.

Suốt cuộc đời ông, dù học hành đỗ đạt nhưng không ra làm quan; tuy nhiên, là một thường dân, ông vẫn nêu cao trọng nghĩa, một lòng chăm lo cho đời sống người dân, lấy việc giáo dục con cháu làm trọng. Ông xứng đáng là một tấm gương thanh liêm cho đời sau học tập.

NGUYỄN TRẦN
 

.