Chuyện xưa xứ Quảng

Đồn điền cà-phê ở Phong Lệ

14:12, 24/05/2020 (GMT+7)

Tấm hình chụp 3 người đàn ông đứng giữa vườn cây (ảnh) có ghi dòng chú thích (nguyên văn tiếng Pháp) “Vùng phụ cận Đà Nẵng - Đồn điền  cà-phê ở Phong Lệ”, đăng trong tập sách ảnh “Đà Nẵng xưa - Danang In Ancient Time” do NXB Đà Nẵng phát hành tháng 5-2012 khơi gợi sự tò mò: Liệu Phong Lệ có phải là vùng đất đầu tiên được người Pháp khai phá làm đồn điền cà-phê vào cuối thế kỷ XIX, khi Đà Nẵng trở thành vùng nhượng địa của Pháp?

Theo một số tài liệu ghi lại, làng Phong Lệ xưa trải dài khoảng 5km, dọc hai bên quốc lộ 1A, từ Phước Tường (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) đến thôn Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Theo chiều đông sang tây, từ Phước Tường đến xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) hiện nay rộng chừng 30km. Với địa hình chủ yếu là gò đồi, sát chân núi, người Pháp chọn để lập đồn điền trồng các loại cà-phê, chè, thơm, được người dân địa phương gọi là đồn điền “chè phe”.

Theo bài viết “Thái Phiên - nhà lãnh tụ trọng yếu của Cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916” của tác giả Lưu Anh Rô đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 28-11-2008, hồ sơ của mật thám Pháp tại Trung Kỳ từ sau phong trào chống thuế năm 1908 đã gọi Thái Phiên là “một phần tử nguy hiểm”. Ông cũng chính là người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành đất Cấm Đình của dân làng Nghi An chống lại tên thực dân Gravelle (hay còn gọi là Tây Kho bạc) muốn lập đồn điền cà-phê.

Khi nhắc đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, bài viết trên có nói việc nhân dân 2 làng Nghi An, Phong Lệ đốn cây, chặn đường tiến quân cứu viện của Pháp từ Hội An kéo ra. Công nhân các đồn điền Hòa An, đồn điền cà-phê Phước Tường, đồn điền chè Tùng Sơn cũng được vận động tham gia cuộc khởi nghĩa. Trong một số tài liệu của người Pháp đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Hà Nội, thì đồn điền cà-phê ở Phước Tường có diện tích khoảng 20ha, chuyên trồng cà-phê; nguyên trước kia do Hoa kiều cai quản, sau đó bán cho Gravelle.

Theo tác giả Nguyễn Trương Đàn trong bài viết Chuyện làng Nghi An 108 năm trước” đăng trên Đà Nẵng Cuối tuần ngày 23-6-2012, chuyện này cũng được nói đến trong hồ sơ mang số hiệu 36 lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội, được ghi dưới tiêu đề “Contestation des terrains entre les habitants du Village de Nghi An (Quang Nam) et Gravelle, Dierecteur de l’ Indochine à Tourane - 1904” (Sự tranh giành về đất đai giữa dân chúng làng Nghi An (Quang Nam) với ông Gravelle, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Đà Nẵng năm 1904) trong Thư khố Tòa hòa giải rộng quyền Đà Nẵng (Tribunal de Paix de Tourane).

Trong thư gửi Chánh án Tòa hòa giải rộng quyền Đà Nẵng, Gravelle miêu tả rằng, khoảng 2 giờ, một đoàn dân làng gồm khoảng 50 người xuất hiện trong rừng, đi về phía dân làng, không mang theo khí giới hay gậy gộc, chỉ khua chân múa tay và la hét, nằm dài trên các hố bất động như chết... Những người này vẫn để cho dân làng kéo họ ra khỏi hố, nhưng vừa kéo lên lại trườn xuống hố lại và nằm bất động như chết…

Ông Nguyễn Thử, một vị cao niên sống trên đất làng Nghi An cho biết, đầu thế kỷ XX, người Pháp lên khai thác vùng đất Gò Vàng, Gò Trọc, Gò Trường, Gò Mô, Cống lớn, Cống nhỏ…, thuộc địa danh Kho Bom, nay thuộc đơn vị quân đội, Quân khu 5, phường Hòa Phát. Ông Thử nói: “Thuở nhỏ, chừng 5 - 6 tuổi, tôi với đám bạn hay thả bò ở khu vườn dâu nằm trong Kho Bom. Thú vui khi ấy là tìm hái những trái sim và trái cà-phê còn sót lại ở những khu vườn bỏ hoang của người Pháp. Lúc ấy chưa ai biết trái cà-phê dùng để làm gì, chỉ thấy ăn vào thì đắng và chát, không ngon nên một thời gian sau người dân cầm dao, rựa lên chặt về làm củi”. Cũng theo ông Thử, một vùng Kho Bom khi ấy chủ yếu là đất sét màu mỡ, người Pháp chủ yếu trồng mít, xoài, thơm và một ít cà-phê. Khu vực này trước kia có rất nhiều mang, chồn, nhím… sống lẩn trong những bụi cây dại, người dân thỉnh thoảng đi săn, làm thịt cải thiện cuộc sống.

Cũng liên quan đến việc người Pháp trồng cây cà-phê ở Đà Nẵng kể từ khi vùng đất này trở thành nhượng địa của Pháp, trong cuốn “Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn thành phố Đà Nẵng (1929 - 2009) có đoạn: “Ngay từ 1884, một linh mục trẻ tên là Maida (Maillard) tức Cố Thiên khi tới cai quản hạt Phú Thượng (nay thuộc xã Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã mua 250ha đất lập đồn điền trồng chè và cà-phê.

Y bỏ tiền ra thuê người trồng trọt. Như vậy, công nhân đồn điền tại Đà Nẵng ra đời vào nửa cuối những năm 1880. Sau đó hàng loạt đồn điền khác xuất hiện khiến số lượng công nhân ngày càng tăng, chia thành công nhân các ngành chè, lúa, cà-phê. Ngoài ra còn có công nhân lao động các ngành, nghề khác như: công nhân nhà máy rượu, các xưởng dệt, công nhân hỏa xa, công nhân các hãng buôn, các công ty kinh doanh, công nhân nhà máy điện Đà Nẵng… cũng lần lượt ra đời”.

Dù chưa thể khẳng định Đà Nẵng có phải là vùng đất đầu tiên người Pháp thử nghiệm trồng cây cà-phê từ cuối thế kỷ XIX hay không, nhưng căn cứ vào các tài liệu trên, có thể khẳng định rằng, làng Phong Lệ hay làng Nghi An từng là vùng đồn điền màu mỡ, phì nhiêu được người Pháp khai phá, lập nên.

HUỲNH LÊ
 

.