Chuyện ông Tú Tự làng Diệm Sơn

.

Tú Tự là cách dân gian gọi tú tài Đỗ Tự. Theo người cháu đích tôn của ông là Đỗ Thái Hòa, ông sinh năm 1881 tại làng Diệm Sơn, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình khá giả vào bậc nhất của vùng. Năm 1903, đỗ tú tài dưới triều vua Thành Thái, được bổ làm quan nhưng ông một mực chối từ, ở lại quê nhà vừa dạy học, vừa bốc thuốc cứu người.

Mộ phần của ông Đỗ Tự hiện được con cháu chăm sóc tại nghĩa trang tộc Đỗ làng Diệm Sơn, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: N.T
Mộ phần của ông Đỗ Tự hiện được con cháu chăm sóc tại nghĩa trang tộc Đỗ làng Diệm Sơn, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: N.T

Các ghi chép, tài liệu do ông Đỗ Thái Hòa cung cấp cho biết, năm 1905, Tú Tự tham gia phong trào Duy Tân, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, lập hội nông - thương, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, tham gia các cuộc diễn thuyết chống khoa cử… Tháng 3-1908, khi nổ ra phong trào kháng thuế ở Trung Kỳ, ông tham gia các cuộc biểu tình chống thuế và bị bắt giam ở nhà lao Hội An. Sau đó, ông cùng 8 người khác được tha. Tuy nhiên, ông bị cắt hết danh sắc và phải đóng thuế như người dân thường.

Năm 1912, ông tham gia Việt Nam Quang phục hội cùng các chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên. Lúc bấy giờ, chí sĩ Thái Phiên tham gia Việt Nam Quang phục hội với vai trò làm kinh tài cho hội. Sau khi bà Trịnh Thị Nhuận (người vợ đầu của chí sĩ Thái Phiên) qua đời, Tú Tự mai mối cho Thái Phiên tục huyền với bà Trần Thị Băng (tức bà Học Băng, con gái ông Trần Thường Hữu - một gia đình khá giả ở làng Quang Châu, xã Hòa Châu - huyện Hòa Vang ngày nay). Chính mối lương duyên này đã giúp Thái Phiên và phong trào có điều kiện về tài chính để hội hoạt động.

Về phần mình, Tú Tự vận động gia đình mua lại khu đất rộng gần chợ Miếu Bông, sát với con đường thiên lý Bắc Nam để tiện hoạt động. Ông vận động bà con bên vợ tham gia đóng góp cho phong trào và cho cuộc khởi nghĩa Duy Tân sắp diễn ra. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thuật (1883-1933), con của một phú hộ làng Miếu Bông, đã cùng chồng chăm lo và đóng góp không nhỏ cho phong trào. Ngôi nhà của cha mẹ ông và bà con tộc Đỗ tại làng Diệm Sơn là nơi hội họp, cất giữ tài liệu, vũ khí, ấn triện, cờ khởi nghĩa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn, trong cuốn Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2017, trang 187) dẫn bộ hồ sơ mã số HS-65530 được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp đặt tại Aix-en-Provence về khởi nghĩa của vua Duy Tân gắn với các chí sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên và tìm thấy ở đó hành trạng của nhân vật tú tài Đỗ Tự.

Theo đó, tháng 5-1915, Đỗ Tự cùng các đại biểu của Quảng Nam (Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài...) và các thành viên của phong trào ở các tỉnh khác (Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Bình) tham gia cuộc họp vào tháng 9-1915 tại Huế, thống nhất những nội dung quan trọng để chuẩn bị khởi nghĩa. Mọi hoạt động và sự chuẩn bị gần như hoàn thành, kể cả việc mời vua Duy Tân tham gia lãnh đạo phong trào.

Ngày 27-4-1916, tại buổi khánh thành ngôi nhà mới hai tầng của Tú Tự gần chợ Miếu Bông, một cuộc họp đã diễn ra từ sáng đến chiều. Tối cùng ngày, cuộc họp được tiếp tục tại nhà chí sĩ Thái Phiên. Sự việc này, theo tác giả Nguyễn Trương Đàn, được Công sứ Quảng Nam Lesterlin trình bày trong báo cáo số 119c ngày 1-6-1916 gửi Khâm sứ Trung Kỳ như sau:

“…Sau khi Thông Phiên (tức Thái Phiên) và Trần Cao Vân giả dạng người đi câu ở Hậu Hồ để gặp vua Duy Tân thì mới bắt đầu việc tìm người tham gia vào cuộc mưu loạn. Phiên tìm gặp y sĩ Dương (tức Lê Đình Dương), tiến hành phát tiền cho những người được vận động tham gia và cuối cùng là cuộc họp ngày 27-4 tại tiệc khánh thành nhà mới của Đỗ Tự tại chợ Miếu Bông.

Tại đây, trong ngày này họ đã phổ biến chiếu chỉ của nhà vua về việc nổi dậy của những người trung thành gọi là “Nghĩa” vào đêm ngày 3, rạng sáng 4-5. Cũng trong đêm đó, Hội đồng tối cao của cuộc khởi nghĩa gồm có Thông Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài và Hương Thùy đã quyết định những đường nét lớn về việc tổ chức một tân quốc gia, việc ra một tuyên ngôn đối với dân chúng khi cuộc nổi dậy đã hoàn thành…”.

Kế hoạch đã ban hành, chỉ chờ lệnh khởi nghĩa nhưng đến phút cuối cùng bị bại lộ. Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị án trảm tại An Hòa (Huế). Vua Duy Tân bị đưa đi an trí tại đảo Réunion thuộc Pháp.

Biết cuộc khởi nghĩa đã bị lộ, trước đó vài giờ, Tú Tự trở về quê, được một người anh con bác che chở. Địch vây ráp, bắt bớ những người thân trong gia đình và họ tộc của  ông, vợ con ông bị quản thúc, cha bị địch bắt trói chân tay khiêng đi. Từ trên gác xếp của nhà người anh nhìn xuống, thấy cảnh cha bị địch bắt trói hành hạ, Tú Tự xót xa: “Chữ Trung không đặng, chữ Hiếu đau lòng, thôi thì em nộp mạng để cứu cha”.

Tú Tự bị bắt giải về Huế. Theo lời kể của người cháu nội (Đỗ Thái Hòa), ông bị kết án tử hình. Gia đình và họ tộc bán hết trâu bò, ruộng vườn để lo, nên từ án tử hình giảm xuống chung thân và đày ra Côn Lôn. Một lần nữa gia đình lại lo lót để ông bị đưa vào giam ở nhà lao Trà Kê (Tuy Hòa, Phú Yên).

Tại đây, ông cùng với một số bạn tù vẫn tổ chức dạy học cho con em người dân trong vùng, mỗi lần được người dân tiếp tế lương thực là mỗi lần người tiếp tế được các ông dạy học. Ngoài ra, ông còn bốc thuốc cứu người trong thời gian thọ án.

Năm 1919, sức khỏe của ông yếu dần do những đòn roi nhục hình của nhà tù, gia đình ông một lần nữa lo cho ông được về quê trước ngày qua đời. Mộ phần của ông hiện được con cháu chăm sóc tại nghĩa trang tộc Đỗ làng Diệm Sơn. Tên ông được đặt cho một con đường tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

NGUYỄN TRẦN

 

;
;
.
.
.
.
.