Chuyện xưa xứ Quảng

Mái đình của 12 chư phái tộc

14:09, 26/07/2020 (GMT+7)

Cùng với làng chài cổ Nại Hiên Đông, làng Phước Trường, nay thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, là những làng ven biển lâu đời ở Đà Nẵng. Làng Phước Trường được hình thành bởi ông Phan Phú Vạn, hậu duệ thứ 15 của tổ Phan Công Chánh (dòng họ Phan Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đến định cư, khai phá đất đai rồi cùng 12 chư phái tộc khác lập làng trước đặt tên Phước Giang, sau mới đổi thành Phước Trường.

Đình làng Phước Trường. Ảnh: T.M
Đình làng Phước Trường. Ảnh: T.M

Nếu dân làng Nại Hiên Đông ngày trước ngoài nghề chài lưới, đánh bắt tôm cá gần bờ và làm muối để kiếm kế mưu sinh thì dân làng Phước Trường chủ yếu vào núi Sơn Trà tìm kiếm lộc rừng, lấy mật ong, đốt than, hái củi để sinh tồn. Theo sử sách ghi lại, xưa mảnh đất làng Phước Trường rất cằn cỗi, toàn cát trắng, nắng rát bỏng chân. Dân cư nơi đây thưa thớt, nghèo đói, túng bấn, lam lũ quanh năm.

Khoảng đầu năm 1600, có 3 dòng họ là Phan, Nguyễn và Huỳnh gồm 12 chư phái tộc chung tay dựng một ngôi đình đơn sơ bằng tre lá.

Đình Phước Trường là nơi để dân làng thờ cúng Thành Hoàng bổn xứ và các bậc tiền nhân có công lao mở đất, khai canh, lập cư, là nơi tập trung sinh hoạt về tín ngưỡng, tâm linh của dân làng. Thời gian trôi qua, không ai còn nhớ đình làng đã bao phen hư hỏng.

Đến thời kỳ vua Gia Long, dân làng Phước Trường tổ chức phục dựng lại đình. Các bức tường được xây bằng cát trộn với vôi, mái lợp lá tranh, thấp lè tè rất đơn sơ ẩn mình dưới bóng cây xanh của ngôi làng nhỏ bé ràn rạt nắng gió từ phía biển. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Phước Trường là địa điểm liên lạc, hội họp của các cán bộ hoạt động cách mạng Khu Đông, Đà Nẵng. Bởi lẽ, đình tọa lạc ở vị trí rất thuận lợi, phía tây có cửa Hàn che chắn, phía đông là các trảng cát trắng nhấp nhô cùng rừng cây dại liên thông với núi Sơn Trà, thuận tiện cho việc di chuyển, luồn lách, trốn tránh mỗi khi bị mật thám, chỉ điểm phát hiện.

Ngay tại gian thờ hậu tẩm trong đình, một căn hầm bí mật nằm sâu dưới lòng đất để phòng tránh, ẩn náu của các cán bộ Ủy ban Kháng chiến Khu Đông mỗi khi lâm nguy. Biết đình làng Phước Trường là nơi tập kết, triển khai các chủ trương của Đảng, giặc Pháp đã triển khai nhiều đợt càn quét đốt phá đình, song hễ chúng phá phách xong rồi rút quân thì dân làng dựng tạm lại đình để có nơi thờ cúng tiên tổ, đồng thời cũng là nơi kết nối thông tin giữa các cơ sở cách mạng với cán bộ Khu Đông.

Cũng tại sân đình Phước Trường, ngày 24-8-1945, ông Lê Văn Quý, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì cuộc mít-tinh với hàng ngàn người tham dự để chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, qua đó kết nạp thêm lực lượng cho quân Việt Minh, đặc biệt Đội tự vệ cứu quốc được củng cố, tăng cường thêm lực lượng và xếp thành đội hình ngay tại buổi mít-tinh để tạo khí thế hừng hực của những ngày đầu khởi nghĩa. Năm 1947, quân Pháp lại đốt đình và dân làng Phước Trường tiếp tục dựng lại.

Ngày 6-1-1973, chính quyền Sài Gòn quyết định nhập hai xã (ngày trước gọi là làng) Phước Trường và Mỹ Khê thành xã Phước Mỹ và giữ tên đó cho tới ngày nay.

Thời gian trôi qua, đình bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Năm 1998, đình được xây dựng lại mới hoàn toàn. Với lối kiến trúc cũng như không gian văn hóa tiêu biểu cho một đình làng vốn có truyền thống lâu đời của Đà Nẵng, đình Phước Trường có dáng đứng mới mẻ, khỏe khoắn và trẻ trung, song hàm chứa đầy đủ các họa tiết của một ngôi đình cổ xưa, có giá trị lớn về nghệ thuật, biểu hiện qua sự đắp nổi, cẩn sành sứ, các chi tiết hoa văn trang trí bệ thờ, các bức hoành phi, liễn câu đối, các bức bình phong… mang đậm nét nền văn hóa, tín ngưỡng tâm linh làng xã của cộng đồng người Việt xa xưa.

Phía bên trái gần cổng đình có cây mù u cành lá vươn cao. Các cụ cao niên của làng cho biết, cây này khoảng hơn 400 tuổi, nghĩa là từ khi tiền hiền các phái tộc bắt đầu lập làng Phước Trường cho đến nay. Cây mù u cổ thụ lâu năm như thế nhưng nó đang nằm trong diện nguy cơ triệt tiêu sự sống rất cao, bởi hiện bị một cây đa ước chừng từ 40-50 tuổi, rễ xõa lòa xòa, cành lá um tùm bao phủ và ôm siết thân cây mù u như một con trăn khổng lồ quấn chặt con mồi.  

 Phía bên phải đình hiện có 5 ngôi mộ sắp thẳng hàng, theo các cụ của làng thì đó là 3 ngôi mộ của các vị tiền hiền và 2 mộ hậu hiền, gồm các húy danh Phan Phú Vạn, Nguyễn Văn Lưu, Huỳnh Văn Sơn, Phan Phú Đức và Phan Văn Dụng. Đây là những vị có công lao lập làng, dựng đình Phước Trường. Khuôn viên đình khá rộng, khoảng sân thoáng đãng. Cửa tiền ngôi đình chếch về hướng tây và phía trước đình có miếu âm linh, miếu thờ nhân thần, miếu xóm Phước Hải và miếu âm linh của xóm Phước Hải. Tất cả 4 ngôi miếu này ngày trước không nằm trong khuôn viên của đình mà ở rải rác các vị trí khác nhau trong phạm vi thổ nhưỡng của làng Phước Trường.

 Những năm gần đây, do yêu cầu phát triển của thành phố, các ngôi miếu thuộc diện quy hoạch, giải tỏa nên dân làng thống nhất di dời tất cả vào khuôn viên của đình Phước Trường để tiện việc hương khói cho thánh thần và các vong linh, bổn mạng của làng không còn ai thân thuộc, thờ cúng. Hằng năm, vào mồng 10-6 âm lịch, đình diễn ra lễ cầu an, mồng 1-8 tảo mộ tiền hiền, hậu hiền và mồng 9-10 dân làng tề tựu về đình để kỵ giỗ tiền hiền.

 Qua nhiều lần được cơ quan chuyên môn kiểm tra, thẩm định hồ sơ, ngày 3-4-2017, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký Quyết định số 1774/QĐ-QĐ-UB xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố cho đình Phước Trường.

THÁI MỸ
(Dựa trên tài liệu: Bảo tàng Đà Nẵng (2009) - Đà Nẵng di tích và danh thắng; Lịch sử Đảng bộ quận Sơn Trà giai đoạn 1930-1975).

.