Ông Hương Quần làng Địch Thái

.

Làng Địch Thái nay là thôn Địch Thái, xã Bình An - một trong những ngôi làng cực nam của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nơi này có ông Nguyễn Quần, thường được gọi là Hương Quần, lưu danh hậu thế sau cái chết trong tù khi cùng sĩ phu đương thời chống Pháp.

Đình làng Địch Thái. Ảnh: P.B
Đình làng Địch Thái. Ảnh: P.B

Làng Địch Thái

Địch Thái, một trong những ngôi làng cực nam của huyện Thăng Bình, vốn có tên là Địch Khang(康 còn đọc là Khương - ĐNCT) được Dương Văn An ghi trong sách Ô châu cận lục viết năm 1553.

Nhà nghiên cứu Phú Bình (hiện ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đọc nhiều văn bản cổ ở Địch Thái nhưng vẫn không thấy tài liệu nào nói rõ về lịch sử thành lập của làng. Dấu tích quan trọng nhất về lịch sử làng là câu đối xưa treo giữa nhà thờ Tiền hiền của làng: “Tiền nhân công đức sáng lập bổn hương Địch Khương cựu/ Hậu thế kế thừa chấn hưng chính xã Địch Thái tân”.

Với thông tin này, chúng ta xác định được gốc gác của làng Địch Thái xưa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 cho biết, làng Địch Khương thuộc tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh. Ngoài Địch Khương, nhiều làng ở tận phía nam huyện Lễ Dương sau này như Liễu Trì, Thanh Ly, Kế Xuyên, Tuân Dưỡng, Lạc Câu… cũng thuộc tổng này.

Ngoài ra, thông tin này cũng cho phép liên tưởng một điều, dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1775) có thể Địch Thái, mà trước đó là Địch Khương từng là một trong 66 làng xã của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong được Tiến sĩ Dương Văn An giới thiệu trong Ô châu cận lục vào năm 1553.

Sang đến thời Nhà Nguyễn, Địch Thái là một trong 33 xã của tổng An Thái trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Dinh Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2010) ghi đầy đủ và khá chi tiết về ngôi làng này trong những năm 1812-1818.

Đến sách Đồng Khánh địa dư chí (viết trong khoảng năm 1887-1890) cũng vẫn ghi Địch Thái thuộc tổng An Thái, huyện Lễ Dương.

Trong kháng chiến chống Pháp, làng Địch Thái thuộc xã Thăng Uyên, huyện Thăng Bình. Từ năm 1954 đến nay, Địch Thái thuộc xã Bình An của quận (sau đó đổi thành huyện) Thăng Bình.

Cái chết gây xúc động mạnh cho giới sĩ phu

Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong cuốn Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (NXB Văn hóa Thông tin, 2000, trang 43) có chép về hành trạng của nhân vật Hương Quần (Nguyễn Quần, Nguyễn Cò) - người làng Địch Thái đã hy sinh tại Côn Đảo sau vụ cự sưu kháng thuế năm 1908. Cụ Huỳnh cho biết: “Lúc bấy giờ cùng đi với tôi (đày ra Côn Đảo - NV) có My Sanh Phan quân Thúc Duyện, Hàn Hải Lê quân Bá Trinh (cử nhân), Phước Ấm Trương quân Bá Huy, Trương Đình Dương quân Phu Thạc cùng Hương Cảnh (Phước Yên), Hương Quần (Địch Thái), người cựu đảng Cần vương Tiểu La Nguyễn Triết Phu, cả thảy 8 người, do chuyến xe lửa đường Hội An ra Đà Nẵng lên tàu thủy”.

Hương Quần chính là người từng tham gia Nghĩa hội Quảng Nam vào năm 1885 dưới trướng Nguyễn Duật (Nguyễn Uýnh). Khi Nguyễn Duật bị phục kích chết ở cầu Bãi Cháy (Bình Sơn, Quảng Ngãi) vào tháng 6-1886, ông đã cùng Nguyễn Công Khả cướp thi hài chủ tướng đưa về an táng ở quê là làng Hà Lam, huyện Lễ Dương. Sau khi phong trào Nghĩa hội tan rã, ông phải đầu quân dưới trướng Nguyễn Thân để ẩn thân nhưng sau đó bị phát giác và bị thải hồi về quê.

Năm 1908, Hương Quần chỉ huy dân Thăng Bình bao vây phủ đường trong cuộc kháng thuế cự sưu, tri phủ Lê Bá Đảng phải bỏ chạy. Ông bị bắt và bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống chung thân đày ra Lao Bảo nhưng rồi không hiểu vì lý do gì lại đổi đày ra Côn Đảo cùng một lượt với Huỳnh Thúc Kháng. Bản án của ông ghi: “Ngày 29 tháng 4 năm Duy Tân thứ 2.

Phủ Phụ chính chúng thần đẳng tấu: ngày mồng 6 tháng này, tiếp tỉnh Quảng Nam kết nghị vụ án hạt dân tụ họp hồ hành như sau: Nguyễn Cò (tức Quần, nguyên lệ binh thải hồi), chiếu lệ “tụ chúng sinh hung”, xử trảm quyết, nhưng xét y khi ấy say rượu làm càn, đến khi xét hỏi liền khai thú nhận, tình có chút đáng thương, nên tạm hoãn xử tử, phát giao Lao Bảo phối dịch” (Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân, NXB Văn học, 2008, trang 43).

Ở Côn Đảo mấy năm, ông qua đời vì bệnh dịch. Cái chết của ông đã gây xúc động mạnh cho sĩ phu đương thời bị giam tại Côn Đảo. Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn có câu đối viếng, được Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong Thi tù tùng thoại (trang 63, 64): “Nhân vật xứ Ngũ Hành nay ra Côn Lôn, này nghĩa đảng, này thân sĩ, này hương chức xen vào trong; đều nghĩa đồng bào, há lấy tôn ty phân đẳng cấp,/ Tân triều kỷ hai mươi, thẳng xông đất Á, hoặc đánh lưỡi, hoặc đánh bút, hoặc vì lợi quyền tranh ở dưới; cảm người máu nóng, vì ai lưu lạc đến ven trời”.

Ngoài Hương Quần đi vào sử sách, làng Địch Thái còn có hai nhân vật được ghi ở Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí (Bia ghi tên những người thi đỗ của huyện Lễ Dương) trước đặt ở Văn thánh của huyện (làng Hà Lam, nay là thị trấn Hà Lam) hiện được gửi tạm tại tiền hiền làng Hà Lam. Đó là hai anh em cử nhân Trần Thúc Độ và Trần Thúc Vịnh. Người anh Trần Thúc Độ đỗ tú tài khoa Đinh Mùi 1847. Đến khoa Canh Tuất 1850, cả hai anh em đều đỗ cử nhân.

Tất cả họ đã làm nên điều hết sức vinh dự cho gia tộc và cả cho làng xã.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.