Chuyện xưa xứ Quảng

Sự tích sáo đinh tút của người Triêng

13:36, 20/09/2020 (GMT+7)

Người Triêng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ-Triêng) ở huyện miền núi Nam Giang rất yêu thích ca hát, họ sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống trong các hoạt động sinh hoạt, vui chơi giải trí. Trong đó, sáo đinh tút luôn được người Triêng xem là người bạn thân thiết, bởi đó là âm thanh truyền cảm trong cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bà con.

Đàn ông Triêng, huyện Nam Giang (Quảng Nam) mặc trang phục phụ nữ khi thổi đinh tút vào dịp lễ hội của làng. Ảnh: N.V.S
Đàn ông Triêng, huyện Nam Giang (Quảng Nam) mặc trang phục phụ nữ khi thổi đinh tút vào dịp lễ hội của làng. Ảnh: N.V.S

Già làng Alăng Ấm (72 tuổi), dân tộc Triêng, hiện sống tại thôn Đắc Rế, xã La Dêê, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) kể câu chuyện cổ tích của dân tộc mình rằng: Ngày xưa, nhà nọ có một gia đình sinh được 6 chị em. Vì nhà nghèo, lại đông con nên cha mẹ thường đi làm rẫy xa, ở lại trong rừng. Thường thì khoảng từ 3-7 mùa trăng, cha mẹ mới về nhà một lần để đem cho các con những loại vật phẩm săn bắt được như chim, thú, cá..., hay thu hái được như các loại rau rừng.

Ở nhà, 6 chị em luôn bị bọn nhà giàu trong làng hắt hủi, xua đuổi. Nhiều đêm nhớ hơi ấm của cha mẹ không ngủ được, mấy chị em ôm nhau than khóc, nhưng cũng bị dân làng bắt phạt và cấm khóc. Thế rồi, vào một đêm khuya nơi núi rừng âm u, dưới mặt đất cạnh bếp nhà sàn nơi 6 chị em vẫn thường quấn chung tấm cây để ngủ trong cái lạnh buốt đến thấu da, thấu thịt, bỗng phát ra tiếng nỉ non của chú dế, nghe thật êm tai. Sẵn có những ống nứa trỉa lúa bị thủng dựng bên góc nhà, người chị cả cầm lên thổi hòa giọng theo tiếng dế để dỗ các em đừng khóc nữa.

Âm thanh u u lạ tai phát ra từ chiếc ống nứa lôi kéo được sự chú ý của những đứa em thèm hơi cha mẹ, thấm vào từng gốc cây, ngọn cỏ, lạnh lùng và đơn độc, khiến nỗi buồn thương vơi đi trong chốc lát. Các em không còn khóc nữa. Nhiều lần như thế, 6 chị em bàn nhau vào rừng tìm ống nứa làm sáo. Sáu ống nứa được 6 chị em dùng làn hơi thổi vào, bắt chước tiếng kêu thủ thỉ của dế, thay lời kể lể nỗi mong ngóng với cha mẹ để làm trò vui. Khi thổi, âm vang của sáo da diết, mênh mang buồn như lòng cha mẹ nhớ con, và cũng là nỗi lòng của các con nhớ thương về cha mẹ. Vậy là bộ sáo sáu ống nứa ra đời, nay chính là sáo đinh tút và chỉ có phụ nữ Triêng mới thổi nó, còn đàn ông thì chỉ đánh chiêng và chơi các loại nhạc cụ truyền thống khác.

Trong tiếng Triêng, đinh có nghĩa là ống nứa, tút có nghĩa là âm thanh hoặc giai điệu. Đinh tút là ống nứa phát ra âm thanh, giai điệu. Ðinh tút của người Triêng gồm 6 ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau, được gọi theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi ống có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu kia rỗng và được vót lõm theo hai bên tạo cho miệng ống nứa có dáng hơi cong để thổi.

Với người Triêng, đinh tút hay hoặc dở phụ thuộc vào người chế tạo ra nó, từ khâu chọn loại trúc đến việc chế tác, thẩm âm là kinh nghiệm của nghệ nhân đó. Các già làng Triêng kể rằng, đinh tút của đồng bào mình được làm từ cây trúc, loại cây mọc rất nhiều ở nơi bà con sinh sống, nhưng không phải cây trúc nào cũng làm được đinh tút đúng kỹ thuật và cho âm hay. Người Triêng thường chọn những cây trúc mọc dọc theo những con khe, con suối lớn, không già lắm mà cũng không non lắm. Có vậy mới chế tác được đinh tút cho âm thanh hay.

Sáu nghệ nhân thổi đinh tút, tùy vào sở trường của từng người, mỗi người phụ trách một ống sáo, ngoài ra có thêm hai nghệ nhân hòa điệu cồng chiêng. Đinh tút chỉ dùng cho lễ cúng, đặc biệt là lễ cúng lúa mới, để gọi hồn lúa, đưa đường đón lúa từ nương rẫy về làng. Theo quan niệm của người Triêng, hồn lúa là một cô gái xinh đẹp nhưng rất yếu đuối, lại nhút nhát. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, nàng tiên lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy. Nàng bỏ chạy thì sang năm sẽ mất mùa, đói kém nên muốn thổi đinh tút thì đàn ông dân tộc Triêng dứt khoát phải mặc trang phục của phụ nữ.

Già làng Alăng Ấm cho biết thêm, không một ai nhớ từ bao giờ, chỉ biết là từ rất xa xưa, vai trò thổi đinh tút của phụ nữ đã chuyển sang cho đàn ông Triêng. Khi diễn tấu đinh tút, cả sáu người đàn ông dù già hay trẻ đều không được đóng khố mà phải mặc váy đóng giả làm phụ nữ bằng cách dùng một tấm thổ cẩm choàng kín từ vai xuống gót chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ thò một tay ra cầm ống đinh tút để thổi.

Thường khi biểu diễn đinh tút, các nghệ nhân Triêng bao giờ cũng kết hợp với múa. Đội hình múa di chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ, động tác múa lắc toàn thân. Sự chuyển hóa linh hoạt của những bài đinh tút và sự uyển chuyển của các cô gái Triêng trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, với các bài múa và những điệu sáo đinh tút vang lên bên những thung lũng hẹp của núi rừng vào hội tạo âm thanh giàu cảm xúc, phóng khoáng, làm tâm hồn người Triêng luôn thoải mái, nhẹ nhàng...

Người Triêng lớn lên trong tiếng đinh tút, âm thanh đượm màu sơn cước ấy đã góp phần làm nên những tình yêu đôi lứa của nam nữ và nên duyên chồng vợ. Ngoài công việc nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, những người già Triêng luôn dành thời gian để truyền dạy cách thổi sáo đinh tút cho lớp trẻ. Nếu có dịp đến các vùng của đồng bào Triêng sinh sống vào mùa lễ hội, dịp Tết đến xuân về, khách sẽ nghe tiếng sáo đinh tút của người Triêng mọi lúc mọi nơi, cứ bay bổng ngân nga ăn sâu vào tiềm thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành cho cộng đồng người Triêng. Ðây là dấu hiệu đáng mừng của cộng đồng dân tộc thiểu số này trong việc bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Nguyễn Văn Sơn

.