Chuyện xưa xứ Quảng

Đến đình để đánh đồn

07:56, 11/10/2020 (GMT+7)

Một ngôi đình cổ có từ thuở xa xưa nằm ven bờ đêm ngày sóng ru, biển hát. Cũng chính tại mái đình này đã làm giặc Pháp và tay sai ở Đà Nẵng hoang mang, khiếp sợ từ một trận tập kích lớn mà chúng không thể ngờ…

Đình Tân Thái lưu khắc chuyện đến đình để đánh đồn năm xưa.Ảnh: T.K.V
Đình Tân Thái lưu khắc chuyện đến đình để đánh đồn năm xưa.Ảnh: T.K.V

Theo lời kể của các cụ cao niên cũng như gia phả một số dòng tộc như Nguyễn, Trần còn lưu giữ, ngày xưa, làng Tân Thái (nay là phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là vùng cát trắng, nắng rát bỏng chân cùng với rừng xương rồng hoang dại rậm rạp sống chung với gió cát. Dần dà, dân từ một số nơi tụ tập về đông hơn, ngày 20 tháng 6 năm Canh Thân 1740, thời vua Lê Hiển Tông, vùng cát nằm sát bờ biển này chính thức được lập thành làng chài lưới Tân An.

 Năm Nhâm Tuất 1742, bà con làng chài phân công trai tráng khỏe mạnh lên núi Sơn Trà chặt hạ cây cối, tre, nứa, cắt tranh, bứt song mây mang về dựng tạm một ngôi đình, gọi là đình Tân An, nằm sát bên bờ biển để thờ cúng các bậc tiền hiền bổn xứ có công lập làng và làm nơi tổ chức các hoạt động tâm linh của bà con miền biển. Đến năm Giáp Thìn 1904, năm Thành Thái thứ 14, làng Tân An được đổi tên gọi là Tân Thái và đình cũng được đổi theo tên làng.

 Đến năm Ất Mão 1915, một cơn bão rất lớn làm sóng biển dâng cao cuốn phăng mái đình kéo ra đại dương. Sau trận bão hung dữ ấy, ông Nguyễn Kế, bà con trong làng thường gọi ông Xã Kiểu, quyền Lý trưởng làng Tân Thái bấy giờ đứng ra tổ chức một cuộc họp với các chư phái tộc trong làng, thống nhất xây dựng lại ngôi đình bằng gạch ngói và không làm đình ở nơi sát mép nước nữa mà tổ chức di dời vào khu đất gần với chùa Tân Thái để tránh sóng biển xô giật.

Thế là năm Bính Thìn 1916, đình được xây dựng bằng gạch, tường vôi, mái ngói âm dương theo lối kiến trúc tinh xảo cổ xưa. Cụ Trần Văn Tân (92 tuổi, ở khối Tân Thái, phường Mân Thái, quân Sơn Trà) cho biết, ngày trước, qua các triều vua Nguyễn, đình Tân Thái cũng có nhiều sắc phong nhưng do nơi đây là địa điểm hoạt động của cách mạng nên Ban đại diện đem gửi nhờ tại hầm bí mật của đình Phước Trường (nay thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), chẳng may bị giặc phát hiện đốt cháy sạch.

Đình làng Tân Thái tập trung nhiều người, nhất là vào mùa lễ hội của những người dân vùng biển. Sách Lịch sử Đảng bộ quận Sơn Trà giai đoạn 1930-1975 cho biết, dựa vào thực tế này, Thành ủy Đà Nẵng đã chọn đình Tân Thái cài cắm cơ sở để làm địa điểm liên lạc, họp hành triển khai các chỉ thị, nghị quyết đấu tranh cách mạng.

Những cán bộ hoạt động bí mật cùng với nhiều cơ sở hoạt động hợp pháp thường xuyên liên lạc với nhau tại đình để trao đổi thông tin, nhận mệnh lệnh của cấp trên. Đây là cơ cở mà bọn chỉ điểm, mật thám không thể phát hiện được, vì vậy, bà con làng chài Tân Thái cùng Đội biệt động Khu Đông Đà Nẵng, Đại đội 14, Trung đoàn 93, Tỉnh đội Quảng Đà, Đại đội đặc công 11, Đại đội 64, Huyện đội Điện Bàn đã lần lượt tập trung lực lượng và bí mật vận chuyển vũ khí về mái đình chờ lệnh.

Đúng 0 giờ 3 phút ngày 5-4-1954, từ sân đình này, đội quân chiến đấu được chia ra thành nhiều mũi, ồ ạt xông lên tấn công dồn dập và chiếm giữ nhanh chóng đồn Tân Thái của giặc Pháp đóng ở gần đó; tiêu diệt tại trận hơn 100 tên địch, thu giữ hàng chục súng quân dụng. Đồn Tân Thái bị xóa sổ hoàn toàn trong chớp nhoáng, quân Pháp ở Đà Nẵng càng hoang mang, hoảng sợ bởi chúng không thể ngờ phong trào cách mạng từ thế trận chiến đấu theo cách đánh dân quân, du kích lẻ tẻ đã bất ngờ chuyển sang tấn công chúng bằng đội quân chủ lực khá mạnh, có sự hỗ trợ đắc lực của những người dân làng chài.

Thời gian trôi qua, giờ đây, đình làng Tân Thái vẫn trầm mặc, im lìm dưới những tán cây râm mát với thời gian bên đường Trương Định chạy ra bãi biển. Những viên ngói cũ kỹ, ẩm ướt, rêu phong, những pho tượng, hiện vật được thờ cúng lâu đời trong đình như đã ẩn giấu ở trong đó biết bao vui, buồn, bao thăng trầm của thời cuộc chiến chinh. Nơi đây ghi dấu mỗi số phận, mỗi con người của làng chài mà suốt cuộc đời họ luôn gắn bó, thủy chung với mái đình từ xưa đến nay.

 Hằng năm, cứ vào ngày 20-6 âm lịch, dân làng Tân Thái sắm sửa lễ vật tề tựu về đình tổ chức lễ Cầu an nhằm tỏ lòng đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai phá, dựng làng, cầu cho đất nước thái bình, dân làng làm ăn no đủ, ngư dân lênh đênh trên sóng nước luôn được tai qua, nạn khỏi.

Đình Tân Thái không chỉ là nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nơi đùm bọc, đoàn kết, chở che, là chuỗi hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh của bà con làng biển qua nhiều thế hệ, mà còn là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc.

Chuyện xưa hẹn nhau đến đình để đánh đồn nay đã được lưu khắc vào bia Di tích lịch sử văn hóa Đình làng Tân Thái. Hàng trăm năm qua, mái đình làng biển cổ kính, rêu phong này là điểm tựa tinh thần, là nơi gửi gắm bao suy tư, nỗi niềm cuộc sống của những người đương thời vào mảnh đất này, bởi đó mới chính là hồn cốt xứ sở, quê hương của người dân làng chài Tân Thái.    

THÁI KIỀU VY

.