Chuyện xưa xứ Quảng

Hai cụ Phan và ba lần gặp

.

Trong 25 năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng Việt Nam nổi lên hai khuôn mặt tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Hai người tuy “tính chất giống nhau, chí khí giống nhau, cảnh ngộ giống nhau, nhưng ý kiến không giống nhau và chủ nghĩa thì khác hẳn nhau” (lời Phan Châu Trinh).

Hai chí sĩ họ Phan: Phan Châu Trinh (trái) và Phan Bội Châu. (Ảnh tư liệu)
Hai chí sĩ họ Phan: Phan Châu Trinh (trái) và Phan Bội Châu. (Ảnh tư liệu)

Ba lần gặp nhau

Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu chỉ gặp nhau vẻn vẹn 3 lần, hai lần do Phan Châu Trinh tìm gặp, một lần do tình cờ (!).

Lần thứ nhất vào năm 1903 ở Huế, lúc này Phan Châu Trinh đang làm quan tại Bộ Lễ, còn Phan Bội Châu đang theo học tại Quốc Tử giám. Phan Châu Trinh chủ động tìm gặp Phan Bội Châu sau khi đọc tác phẩm nổi tiếng của ông là Lưu cầu huyết lệ tân thư, cuốn sách được người đồng hương với Phan Châu Trinh là Thượng thư Hồ Lệ (người Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) “bảo môn hạ, thuộc lại sao chép và cho các thân sĩ đồng hương xem” (Tự phán, Phan Bội Châu, NXB Anh Minh, Huế, 1956).

Lần thứ hai vào năm 1904, có cả Trần Quý Cáp, tại nhà Huỳnh Thúc Kháng ở Thạnh Bình (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Năm đó, Phan Bội Châu vào Quảng Nam gặp Tiểu La Nguyễn Thành để bàn việc sang Nhật cầu viện; bàn xong, có ghé thăm Huỳnh Thúc Kháng, “tình cờ” gặp cả “Bộ ba Duy Tân Quảng Nam” tại đây.

Lần thứ ba gặp ở Nhật, vào khoảng đầu năm 1906, lần này do Phan Châu Trinh chủ động tìm gặp. Hai cụ đã kề gối chung giường suốt mấy tháng, dốc cả “gan ruột” nói cho nhau nghe. Phan Bội Châu đã đưa Phan Châu Trinh đi thăm nhiều nơi, gặp nhiều nhân vật yêu nước Việt Nam và Nhật.

Hai lần gặp đầu, Phan Bội Châu đã không nói gì về sự khác biệt trong lập trường của Phan Châu Trinh với ông, lại còn “khoe” Phan Châu Trinh gặp ông lần đầu vì “mê” sách Lưu cầu huyết lệ tân thư của mình. Phan Bội Châu viết: “Vì vậy, tác phẩm này được sĩ phu Nam - Ngãi truyền tụng. Những nhà chí sĩ như các cụ Tây Hồ, Thai Xuyên, Thạnh Bình[1] nhân đó mới trở thành bạn tâm phúc của tôi” (sđd, trang 20).

Tuy nhiên, Huỳnh Thúc Kháng - một người hết sức khách quan, vô tư lại cho rằng cả hai lần gặp Phan Châu Trinh đều “bác” chủ trương của Phan Bội Châu. Ông viết: “Tiên sinh đã nghe tiếng ông Sào Nam (hiệu của Phan Bội Châu), lại thấy sách ấy, cho là người hào kiệt nóng lòng việc nước, mà kiến thức thì chưa thoát vòng khuôn sáo cũ nên gặp để bàn cho rõ”. Hay: “Tiên sinh mới gặp ông Sào Nam, bác viết bài Lưu Cầu huyết lệ, cho là không hợp với thời thế cuộc đời bây giờ; song ông Sào Nam lúc đầu đang nóng về chủ nghĩa bài ngoại nên cũng không chịu phục” (Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Huỳnh Thúc Kháng, NXB Anh Minh, Huế, 1959).

Phải đến lần thứ gặp thứ ba, Phan Bội Châu mới “thừa nhận” sự bất đồng của ông với Phan Châu Trinh: “Trong khoảng hơn 10 ngày, cụ với tôi tranh luận qua lại, ý kiến rất trái ngược nhau. Cụ muốn đánh đổ quân quyền nhằm vun trồng gốc rễ dân quyền. Tôi thì muốn trước hết đánh đuổi giặc ngoài, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới có thể bàn tới việc khác. Ý tôi là muốn lợi dụng quân chủ thì cụ cực lực phản đối. Ý cụ muốn đề cao dân quyền và bài bác quân chủ thì tôi hết sức không tán thành. Bởi vì cụ và tôi tuy có cùng chung mục đích nhưng thủ đoạn thì khác xa nhau. Cụ thì muốn dựa Pháp để đánh đổ quân quyền, mà tôi thì muốn bài Pháp phục Việt, khác nhau là thế” (sđd, trang 68).

Hình ảnh trong mắt nhau

Tuy không đồng quan điểm về mặt đường lối, chủ trương nhưng về nhân thân Phan Châu Trinh luôn đánh giá rất cao về Phan Bội Châu như nhận định của nhà nghiên cứu Vĩnh Sính trong Phan Châu Trinh và các tác phẩm chính luận (NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2018): “Phan Bội Châu là người rất giàu chí khí, nhiều nghị lực, chịu nhẫn nhục và dám làm. Một khi ông đã tin vào điều gì rồi thì quyết không bỏ, cho dù sấm sét cũng không thay đổi… (…). Lịch sử cuộc đời của Phan Bội Châu là một trang sử u sầu ảm đạm, một lịch sử đầy gian truân vất vả. Lịch sử của ông cũng là lịch sử đời tôi. Tính chất giống nhau, chí khí giống nhau, cảnh ngộ giống nhau…”.

Trong các hoạt động cứu nước đa dạng của Phan Bội Châu, việc đưa thanh niên sang Nhật du học trong phong trào Đông Du là hoạt động duy nhất được Phan Châu Trinh đánh giá cao, hết lòng ủng hộ.
Phan Châu Trinh kiên định và nhất quán với chủ trương đường lối của mình từ đầu đến cuối nhưng vào cuối đời lập trường của Phan Bội Châu đã thay đổi, nên cụ đánh giá Phan Châu Trinh rất cao.

Trong quyển Tự phán, Phan Bội Châu viết: “Than ôi, lịch sử tôi là lịch sử của trăm điều thất bại mà không có lấy một điều thành công. Bôn ba trôi nổi gần ba mươi năm, vì liên lụy với tôi mà kẻ chết người tù, tai ương tràn cả nước, độc hại lan khắp đồng bào. Mỗi khi tỉnh giấc nửa đêm lòng tự bảo lòng rồi gạt lệ nhìn trời; hai mươi năm lần lữa, trông râu mày mà hổ thẹn” (trang 90).

Hơn một thế kỷ sau, vẫn còn 2 loại ý kiến trái chiều ủng hộ cho hai chủ trương “đối nghịch” của hai cụ. Nhưng tất cả đều dành cho cả hai sự kính trọng, sự tri ân một tấm lòng son sắt không phôi pha vì đất nước, dân tộc. Cao hơn nữa, đối với Phan Bội Châu còn ở sự “dũng cảm” (dám tự nhận sai lầm của mình) vào cuối đời. Còn đối với Phan Châu Trinh là ở sự sáng suốt, thông tuệ với một tầm nhìn xuyên suốt, vượt thời đại.

LÊ THÍ

(1) Tên hiệu và tên làng quê của các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, được người đời sau mệnh danh là “Bộ ba Duy Tân Quảng Nam”.

;
;
.
.
.
.
.