Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện xưa xứ Quảng

Người thuyết phục đại tá Pháp... chống Pháp

09:18, 22/11/2020 (GMT+7)

Một chí sĩ người Quảng được giao nhiệm vụ thuyết phục viên đại tá Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Trung Kỳ  ủng hộ cuộc nổi dậy của tổ chức Việt Nam Quang phục hội. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, song ông đã chinh phục được viên đại tá kỳ cựu. Người sĩ phu đó là Lê Đình Dương.  

Con đường mang tên Lê Đình Dương ở Đà Nẵng. Ảnh: T.K.V
Con đường mang tên Lê Đình Dương ở Đà Nẵng. Ảnh: T.K.V

Lê Đình Dương sinh năm 1893, người làng Đông Mỹ, tổng Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông là con trai của Thượng thư Bộ binh - Tổng đốc Hà An (tức Hà Nội - Hưng Yên) Lê Đình Đĩnh, mẹ là Phan Thị Hiệu.

Lê Đình Dương là một chí sĩ thời cận đại nổi danh về chí khí yêu nước. Nguyên chương 58, tập 5 cuốn sách 284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam của nhà văn, nhà nghiên cứu sử học Vũ Thanh Sơn (NXB Công an nhân dân, 2009) viết về cuộc đời, số phận của Lê Đình Dương khá rõ.

Theo đó, đầu năm 1915, ông tốt nghiệp y sĩ khóa đầu tiên tại Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương Hà Nội, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Hội An. Các anh em ruột của ông cũng đều đỗ đạt ngành y như các bác sĩ Lê Đình Thám, Lê Đình Kiền, Lê Đình Củng và Lê Đình Quy.

Tháng 9-1915, Lê Đình Dương tự nguyện tham gia Việt Nam Quang phục hội, tổ chức chính trị do nhà yêu nước Phan Bội Châu khởi xướng và thành lập từ tháng 2-1912 tại Quảng Đông, Trung Quốc. Sau một thời gian hoạt động, tổ chức này đã gầy dựng thêm được khá nhiều tổ chức cơ sở khắp nơi trên cả nước, trong đó Lê Đình Dương gia nhập Việt Nam Quang phục hội của tỉnh Quảng Ngãi, cùng với các ông Lê Ngung, Nguyễn Súy đứng mũi chịu sào để lãnh đạo phong trào kháng Pháp và tay sai nơi đây.

Cuối năm 1915, chí sĩ Thái Phiên triệu tập các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục hội ở các tỉnh Trung Kỳ về họp Đại hội lần thứ nhất tại Huế để thảo luận, chuẩn bị lực lượng, vũ khí chờ thời cơ nổi dậy bạo động. Lúc này, Trần Cao Vân vừa hết hạn tù từ Côn Đảo trở về cùng dự họp. Sau mấy ngày bàn tính, hội nghị quyết định tạm hoãn cuộc khởi nghĩa để tăng cường thêm lực lượng, đồng thời giao Trần Cao Vân tìm cách vận động vua Duy Tân cùng tham gia với Việt Nam Quang phục hội khởi nghĩa.

Đến tháng 2-1916, cũng tại Huế, Đại hội lần thứ hai của Việt Nam Quang phục hội thống nhất đi tới mục tiêu nổi dậy đánh úp quân thuộc địa Pháp, khôi phục chủ quyền của đất nước. Hội nghị cũng chọn người để cử sang Thái Lan vận động đại sứ Đức, qua đó nhờ chính phủ Đức giúp đỡ vũ khí; cử Lê Đình Dương bí mật tiếp cận, thương thuyết với viên Trung tá người Pháp gốc Đức là Harmaudes đang chỉ huy liên đoàn lính lê dương Pháp đồn Mang Cá hỗ trợ để Việt Nam Quang phục hội khởi nghĩa. Sở dĩ Lê Đình Dương được giao nhiệm vụ này bởi ông đã được tổ chức giao giữ chức Tổng trấn Nam Ngãi kiêm cố vấn đặc trách ngoại giao trước khi cuộc khởi nghĩa diễn ra.

Biết đây là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, không thể một mình làm được nên Lê Đình Dương đã nhờ cậy một vị linh mục yêu nước cùng tham gia trong Việt Nam Quang phục hội làm “cầu nối” để được gần Trung tá Harmudes. Thế rồi, tuy ở Quảng Nam nhưng Lê Đình Dương liên tục bí mật vượt đèo Hải Vân ra Huế để gặp Harmaudes. Vị Trung tá gốc Đức này hứa khi nào cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội nổ ra thì sẽ cho binh lính hưởng ứng.

Bên cạnh đó, Lê Đình Dương còn vận động được một số người Việt dưới quyền của Harmaudes như Đoàn Văn Còn, Nguyễn Đình Trứ, Hà Lai, Phạm Thanh Chương, tất cả sẽ chỉ huy công phá trấn Bình Đài khi thời cơ đến. Ít lâu sau, Trung tá Harmaudes được thăng hàm đại tá với chức Tổng chỉ huy quân đội toàn miền Trung. Harmaudes đã tạo cớ đi phát lương cho binh sĩ để ngầm cổ vũ binh lính người Việt hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội…

Tại địa bàn Quảng Nam, Lê Đình Dương cùng với các ông Phan Thành Tài, Trương Bá Huy, Đỗ Tự tích cực vận động nên lực lượng khởi nghĩa đông đúc và mạnh hơn các địa phương khác. Chỉ tính riêng phủ Tam Kỳ đến trước ngày khởi nghĩa đã có 440 phục quốc quân, tân binh. Bên cạnh đó, lực lượng khởi nghĩa còn vận động thêm đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng rừng núi Phú Túc, Bà Nà (Hòa Vang), Nước Hai (Trà My) chung tay xây dựng các khu căn cứ.

Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội được vua Duy Tân đồng ý chọn đêm mồng 1 tháng 4 năm Bính Thìn, tức ngày 3-5-1916, song tên công sứ ở Quảng Ngãi phát hiện liền mật điện cho Tòa Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế. Một phương án phản khởi nghĩa được chúng triển khai nhanh chóng, Khâm sứ Trung Kỳ Jean François Eugène Charles ra lệnh hạ sát ngay Đại tá Harmaudes, 2.500 lính ở các trại chuẩn bị tòng chinh sang Pháp, lực lượng dự bị sẽ nổi dậy ủng hộ cuộc khởi nghĩa đều được lệnh án binh bất động và bị tước sạch vũ khí đưa vào kho cất giữ.

Tuy không nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng dân, binh ở phủ Tam Kỳ, Quảng Nam vẫn nổi dậy bao vây Tòa đại lý Pháp và Phủ đường Tam Kỳ, phá kho đạn. Tại Huế, vua Duy Tân và các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương… đều sa vào tay giặc. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Lê Đình Dương được đưa vào giam ở Khánh Hòa, bị tra tấn, nhục hình, song ông vẫn giữ vững chí khí kiên cường của một nhà yêu nước chân chính. Không khai thác được gì, giặc đày ông lên nhà lao Buôn Ma Thuột. Quyết không chịu chốn lao tù của thực dân, Lê Đình Dương đã uống độc dược, hy sinh năm 1919 khi mới 26 tuổi.

THÁI KIỀU VY

.