Sự tích đàn "không há miệng" của người Cơ tu

.

Âm thanh tiếng đàn Abel của người Cơ tu như lời thì thầm của con suối, dòng sông hòa trong những cánh rừng bạt ngàn, như lời kể làm say lòng biết bao trai gái Cơ tu. Tiếng đàn Abel vun đắp tình yêu đôi lứa, từ tích xưa, đại diện cho tiếng nói tình yêu nam nữ Cơ tu thiêng liêng, là hình ảnh kết nối cho lứa đôi nên duyên vợ chồng...

Ông Bh’ling Hạnh cùng vợ biểu diễn đàn Abel. Ảnh: N.V.S
Ông Bh’ling Hạnh cùng vợ biểu diễn đàn Abel. Ảnh: N.V.S

Ngày xưa, thuở núi rừng còn âm u, tĩnh mịch ở một làng nhỏ của người Cơ tu bên dòng sông Bung (thuộc xã Tà Bhing và xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam ngày nay), có một chàng trai Cơ tu tên Cơlâu Ca, sống cùng mẹ già. Hằng ngày, Cơlâu Ca vào rừng săn bắn chim thú, hái măng. Ở đó có dòng thác nước trong xanh đổ xuống, hai bên bờ có hoa Lơlang trắng xóa tỏa hương thơm ngát một vùng.

Một lần, đang mải mê đuổi theo dấu chân con mang rừng, Cơlâu Ca nghe tiếng kêu của một cô gái phát ra từ dòng suối. Đến nơi, anh phát hiện một con đại bàng to đang cắp đôi cánh của tiên nữ bay lên. Anh giương ná, bắn rớt đại bàng, lấy đôi cánh trả lại cho tiên nữ. Cô cảm kích tài bắn ná và tấm lòng tốt bụng của chàng trai Cơ tu. Từ hôm ấy, hai người quý mến nhau. Mỗi lần người đẹp xuống trần gian dạo cảnh hoặc tắm ở thác nước ấy, cả hai luôn ở bên nhau. Tình yêu giữa hai người nảy nở. Họ thề cùng thần suối, thần rừng rằng, cho dù có chết cũng không rời nhau.

Nhưng một ngày kia, chuyện của hai người đến tai vua cha, ông sai người xuống trần gian bắt tiên nữ về trời. Trong nuối tiếc, nước mắt hai người cứ chảy mãi không dứt như dòng sông Bung. Trước khi chia tay, nàng chỉ kịp lấy chiếc trâm cài tóc tặng lại cho Cơlâu Ca. Mỗi lần quá đỗi nhớ nàng, Cơlâu Ca lại lấy chiếc trâm ra. Lạ thay, mỗi lần như vậy, chiếc trâm bỗng chốc phát ra tiếng nhạc nghe thật êm ái, nhưng cũng buồn da diết, làm rung động cả núi rừng và dòng sông Bung. Chàng mày mò chế tác ra chiếc đàn Abel để tỏ lòng thương nhớ cô gái không lần gặp lại...

Kể xong tích xưa, ông Bh’ling Hạnh (72 tuổi), người dân tộc Cơ tu, hiện sống tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, lấy cây đàn Abel ra, giảng giải với chúng tôi.

Thoạt nhìn, Abel giống cây đàn cò (đàn nhị) của người Kinh. Thân đàn là một ống nứa già có chiều dài khoảng 35-40cm, đường kính độ 3cm. Phần trên khoét một lỗ để gắn vào đó một chốt nhỏ bằng tre để lên dây đàn, từ đây có một sợi dây đàn được cột vào chốt nhỏ ấy chạy song song với thân đàn. Phần quan trọng nhất của đàn Abel có tên là khêl - một sợi dây rừng kết nối và được buộc vào miếng vẩy con trút dáng hình tròn. Dưới chuôi của đàn Abel, thêm một đoạn cây nứa dát mỏng dài chừng 25cm được mài nhẵn, mềm mại, để làm cần kéo trên sợi đàn. Tùy thuộc vào nghệ nhân chế tạo, đàn Abel có chạm trổ nhiều họa tiết, hoa văn rất đẹp và sinh động.

Theo kinh nghiệm của ông Bh’ling Hạnh, để đàn Abel vang lên tiếng rõ ràng là một nghệ thuật. Từ tư thế cầm đàn đến cách làm tiếng đàn phát ra âm thanh ngân nga, đều phải học. Abel có thể một người sử dụng hoặc hai người để đệm cho các làn điệu dân ca ba boóch, cha chấp, hát lý với nhau. Được biết, đàn Abel có thể sử dụng bất cứ ở đâu, trong chòi rẫy hay trong Moong, trong Gươl, vào những dịp có lễ hội truyền thống hay sinh hoạt văn hóa của làng.

Abel là loại nhạc cụ rất độc đáo gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào Cơ tu trên vùng Trường Sơn. Abel chính là tiếng đàn đại diện cho tiếng nói tình yêu nam nữ Cơ tu thiêng liêng, là hình ảnh kết nối cho lứa đôi nên duyên vợ chồng. Các chàng trai, cô gái Cơ tu khi chơi đàn ngồi sát bên nhau. Chàng trai dùng cần kéo để tạo ra tiếng qua chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời bàn tay trái bấm vào dây đàn tạo ra âm thanh. Cô gái ngậm khêl, hai hàm răng cắn lấy vẩy trút, giữ cho sợi chỉ trong trạng thái luôn căng, cùng lúc dùng lưỡi và hơi tạo nên những âm thanh nhưng hai hàm răng vẫn cắn chặt lấy vẩy trút.

Cùng lúc, họ dùng ánh mắt trao đổi tình cảm, nói với nhau bằng âm thanh của chim hót, tiếng suối chảy nỉ non qua sợi chỉ mảnh mai nhưng rất bền chặt. Tiếng đàn Abel chính là tiếng trái tim mình phát ra cho người mình thương. Vì vậy, trong những ngày vui chơi và tìm hiểu, chàng trai và cô gái Cơ tu cùng kéo đàn Abel suốt ngày đêm thỏa thích. Ðây là đàn để đôi trai gái Cơ tu khi đến tuổi trưởng thành gửi gắm mong ước, khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc, về cuộc sống tươi đẹp với người mình thương yêu. Chỉ cần nghe qua tiếng đàn Abel, chàng trai và cô gái sẽ hiểu được tình yêu của họ dành cho nhau sâu sắc đến nhường nào. Và tộc người Cơ tu gọi là Abel là cây đàn tình yêu. Tiếng Cơ tu là Abel là đàn không há miệng.

Nhưng cũng có khi các đôi trai gái Cơ tu dù đã gặp nhau, yêu thương nhau qua tiếng đàn Abel, nhưng vẫn không đến được với nhau do cha mẹ nghèo, muốn gả con vào nhà có nhiều thóc để gia đình đỡ khổ. Và khi những giọt nước mắt chia ly nhỏ xuống, chỉ tiếng đàn Abel mới đủ sức xoa dịu nỗi đau mất mát ấy bằng những tâm tư, tình cảm của những đôi trai gái yêu nhau mà không được thành vợ thành chồng, như chàng trai Cơ tu và cô tiên nữ trong tích xưa.

Ông Bh’ling Hạnh trăn trở: “Ở một số vùng của đồng bào Cơ tu sinh sống, số người biết chơi đàn Abel hiện không nhiều, người biết làm đàn lại càng hiếm. Song, cái khó hiện nay là khi đến tuổi trưởng thành, nam nữ Cơ tu không mấy mặn mà và cũng rất ngại ngồi cùng nhau qua tiếng đàn Abel nữa. Vì vậy, tiếng đàn Abel cũng thưa dần”. Ông Bh’ling Hạnh mong các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam sớm có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống nhằm tạo cơ hội cho con em đồng bào Cơ tu tham gia để họ biết chế tác và sử dụng đàn “không há miệng” của dân tộc mình nhiều hơn.

NGUYỄN VĂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.