Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện không cho... "cù dậy"

21:00, 09/01/2021 (GMT+7)

Chưa ai thấy được hình hài con cù trên thế gian này ra sao nhưng trong tưởng tượng của người xưa ở phố Hội, nó là con yêu quái hô mưa, gọi sấm gây bao phen khốn khổ đối với cuộc sống con người. Để chặn những tai họa do cù gây ra, người ta đã tìm được một biện pháp trị nó từ trong… truyền thuyết.

Theo vở tuồng Trị cù, diệt quái của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) thuở xưa là rẻo đất nhô ra biển tạo thành một cái cồn cát bên cửa sông. Do được thiên nhiên ban tặng nhiều phù sa màu mỡ nên đất đai tốt tươi, đặc biệt ở cái cồn này rất thuận lợi cho giao thông đường thủy nên ghe thuyền của các nước thường xuyên ra vào trao đổi, buôn bán hàng hóa. Vì vậy, Hội An sớm trở thành một phố thị nhộn nhịp. Một số thương nhân giàu có của Trung Hoa, Nhật Bản nhận thấy cồn đất này thích hợp việc làm ăn nên họ quyết định xin nhập tịch để sinh sống lâu dài ở Hội An.

Hoạt cảnh trấn cù dậy trong lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 10 năm 2012. (Ảnh tư liệu)
Hoạt cảnh trấn cù dậy trong lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 10 năm 2012. (Ảnh tư liệu)

Trong số những thương gia nước ngoài ấy có một ông thầy địa lý rất giỏi đã phát hiện ra trong lòng cồn đất Hội An có một quái vật khổng lồ. Đó là con cù với thân hình vô cùng to lớn, nó tu luyện qua nhiều đời nên trở thành yêu tinh, rất hung dữ. Cù cũng chính là con thủy quái gây ra sấm sét, gió mưa và thảm nạn lụt lội triền miên nơi hạ lưu các con sông lớn. Cù giống với con rồng nhưng nó có cặp sừng đáng sợ.

Qua thực địa, thầy địa lý liền phán đầu cù tận bên Ấn Độ, thân nó chình ình dưới lòng đất Hội An, còn phần đuôi nằm tận xứ Phù Tang, Nhật Bản. Vì vậy, mỗi lần cù vẫy đuôi thì bên nước Nhật xảy ra động đất, sóng thần, nhà cửa sụp đổ, cây cối xác xơ. Hễ cù ngứa ngáy, cựa mình thì đất Hội An sụt lở, đình chùa rung chuyển, mưa gió ầm ầm, nước dâng cao ngập lút nóc nhà, gây biết bao tai ương cho dân làng. Nó ngóc đầu là lửa phun trào gây hỏa hoạn ở Ấn Độ…

Để tránh thảm họa do cù gây ra, các thương nhân người Nhật Bản ở Hội An đã góp tiền của đúc một thanh kiếm bằng vàng rồi “yểm” đúng vào sống lưng con cù ở giữa một lạch nước, không cho nó tác oai, tác quái nữa, nghĩa là không để “cù dậy”. Sau khi đóng thanh kiếm xuống lưng cù, người Nhật bắt đầu xây dựng bên trên một chiếc cầu có mái che vắt ngang qua con lạch đêm ngày nước chảy ào ào (người Hội An ngày xưa gọi con là lạch Ồ Ồ do phát âm theo giọng Quảng).

Tuy cù đã bị kiếm vàng thọc đúng chính giữa xương sống nhưng vẫn không chịu nằm yên. Mỗi khi đổ móng cầu, cù lại cựa quậy, gây mưa gió, nước chảy cuồn cuộn cuốn hết ra sông. Người Nhật đành phải nấu các nồi chì, nồi bạc đổ xuống lòng lạch để làm chân móng, bên trên xây các trụ đỡ bằng gạch, đá mới hoàn thành được chiếc cầu. Chính do “cù dậy” phá phách nên việc xây dựng cầu bị kéo dài qua nhiều năm. Đến khi làng Minh Hương của Hội An ra đời, bà con Minh Hương xây thêm một cái miếu thờ ở mé bắc cầu và thỉnh thần Bắc Đế Trấn Võ có biệt tài trị thủy về thờ cúng và từ đó cái tên Chùa Cầu ra đời.

Xung quanh việc trị “cù dậy” ở Hội An cũng có truyền thuyết khác đi đôi chút là trước sự quậy phá kinh hoàng của cù, dân chúng Hội An đêm ngày ta thán, cầu nguyện thần linh trị cù để cứu độ dân sinh. Tiếng kêu thảm thiết của người dân đến tận trời xanh nên Ngọc Hoàng sai thiên tướng tài ba chuyên trị thủy là Trấn Vũ xuống hạ giới diệt cù. Ngắm nghía thấy con cù quá to lớn nằm ngủ xuyên quốc gia, một mình không thể làm được điều gì nên Trấn Vũ đã tìm gặp các thần vũ của Ấn Độ và Phù Tang bàn mưu, tính kế, cuối cùng họ hợp sức chinh phục được cù, đem lại sự bình yên cho xóm làng.

Xung quanh chuyện “cù dậy” và “trấn cù” còn có một số chuyện dân gian huyền hoặc, ly kỳ khác, song có lẽ việc trị cù được người xưa ở Hội An hết sức quan tâm. Chuyện thanh kiếm vàng đóng giữa lạch nước, đúng điểm sống lưng con cù cũng như nấu chì, nấu bạc đổ xuống làm móng xây cầu đều xuất xứ từ… truyền thuyết, nhưng hiện tại có một vật chứng liên quan đến tâm linh yểm cù để loại bỏ nỗi âu lo cho dân chúng.

Đó là năm 1991, Ban quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý bảo tồn Di tích văn hóa Hội An) phát hiện trong gốc cây đa cổ thụ tại khu đất cuối đường Phan Châu Trinh, thuộc tổ 4, phường Cẩm Phô, một tấm bia đá thờ trong cái am được xây bằng gạch thẻ. Do bia được dựng lâu đời nên rễ của cây đa phủ kín mít cả am thờ. Vì vậy, đơn vị quản lý phải thuê người phát dọn sạch các nhánh rễ mới lau chùi và dịch nội dung được chạm khắc trên bia. Ngoài các dòng chữ Hán - Nôm như “Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo; án ma ni bát mê hồng” còn có khắc 3 hình tròn và 3 đạo bùa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tấm bia này là bùa yểm thủy đạo của các thầy địa lý để an dân, lại có người nói sau khi xây dựng Chùa Cầu, người Nhật Bản đã đặt bia ém yểm không cho cù cựa quậy.

Đến 17 năm sau, tức năm 2008, bỗng dưng một tin đồn thất thiệt được tung ra là có 5 thanh niên quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi phát hiện ra các vòng tròn được khắc trên tấm bia cổ dựng ở gốc đa ấy chính là bản đồ kho báu của người Nhật nên họ tìm tới gốc đa bí mật đào bới, ghi chép rất cẩn thận rồi vội vã bỏ đi. Thông tin ảo này gây sự tò mò cho một số người nhẹ dạ, cả tin rủ nhau tới gốc đa xem thử nên chính quyền sở tại phải ra thông báo cho mọi người xa gần cảnh giác với những lời đồn thổi hoang đường.

Như vậy, tuy các nhận định khác nhau nhưng điểm cuối cùng đều tập trung về truyền thuyết “cù dậy” gây ra nạn lụt lội kinh hoàng đối với vùng đất Hội An. Truyền thuyết không chỉ mang đậm sắc màu tín ngưỡng về khát vọng cuộc sống yên bình mà còn hướng con người luôn chủ động đối phó với hiểm họa, thiên tai.

THÁI MỸ

.