Chuyện xưa xứ Quảng

Miễu vọng Huyền Trân

19:02, 24/01/2021 (GMT+7)

Tàn tích của một miễu thờ nằm giữa mom Hạc nhoài ra biển ở rừng gành Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được người dân nơi đây gọi là “miễu vọng Huyền Trân”.

Tàn tích của miễu vọng Huyền Trân. Ảnh: Đ.D
Tàn tích của miễu vọng Huyền Trân. Ảnh: Đ.D

Theo các cụ cao tuổi trong làng, miếu (cũng gọi là miễu) thờ này được dựng từ lâu nên khi cơn bão năm Ất Mẹo (1915) quét qua đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại tường móng của chánh đường và hậu tẩm lộ trên mặt đất chừng 10cm, được cây cổ thụ hàng trăm tuổi cắm những rễ phụ xuống phủ trùm lưu dấu và một bình phong không nguyên vẹn còn hiện lờ mờ một câu đối xưa trên trụ biểu.

Miếu vọng Huyền Trân gắn với truyền thuyết mang hơi hướng lịch sử, được dân làng bao đời kể lại mạch lạc về sự tích công chúa nhà Trần đào thoát từ kinh đô Chà Bàn nước Chiêm, trên tay bồng con dại được Thượng tướng Trần Khắc Chung và tùy tùng bảo vệ. Trải qua biết bao gian khổ, công chúa đã đến trú ngụ trong rừng gành mom Hạc, chờ đoàn soái thuyền của Thượng tướng Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn thuận thiên thời ra rước.

Trải qua mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt rồi đến “tháng Giêng động dài, tháng Hai động tố, tháng Ba nồm rộ, tháng Tư nam non” như bài ca thời tiết mà các cụ thông truyền, công chúa ngày ngày ôm con thơ nấp trong rừng Hạc với nỗi lòng bi thiết đợi chờ. Bên kia Hải Vân là đất nhà, chưa phải là quê… Để rồi, “chiều chiều ra ngó Hải Vân/ Chim kêu gành đá gẫm thân lại buồn”. Khi gió nồm rộ biển, đoàn soái thuyền của sứ bộ Đại Việt theo hẹn cũng đậu ken dày trên cửa biển Hải Vân.

Công chúa Huyền Trân lòng khấp khởi ôm con bước xuống “thuyền nhẹ ra thuyền lớn” để giong về cố quốc. Lúc đó, quân Chiêm sau bao ngày truy đuổi phát giác ra tung tích bà Chúa nên xua quân đánh tràn, vị tướng tùy tùng và đoàn quân hộ vệ chưa kịp xuống thuyền đã dàn quân đánh chặn, đối đầu một cơn sống mái.

Bà Chúa lên soái thuyền ngoảnh lại mà lòng đau như ai cắt. Sau trận huyết chiến không cân sức, vị tùy tướng và thuộc hạ đã nằm lại trên đất này. Đó là lời giải thích về ngôi mộ Tiền hiền nằm bên bờ biển sát bờ nam cửa sông Cu Đê mà sau này thời vua Minh Mệnh thứ 12 sắc tứ là Tiền hiền Triệu Cơ chư Tiên linh thần vị (Tiền hiền Mở cõi), hằng năm dân làng tế lễ vào ngày 24-6 âm lịch. Các vị túc nho trong làng xem sự nằm lại của ngài Tiền hiền và thuộc hạ như một gạch nối trong diễn trình nam tiến của Đại Việt mà các triều đại hàng trăm năm sau mới hoàn thành.

Trong sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên (NXB VHTT, 2009, trang 340, 341, 342) chép: “Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân… Chế Mân đem đất hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới… Mùa xuân năm 1307, Triều đình sáp nhập hai châu vào Đại Việt và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa… Mùa hạ, tháng 5 năm ấy Chế Mân chết… Mùa đông, tháng 10 sai Nhập nội hành khiển tả bộc xạ Thượng tướng Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về.

Tục nước Chiêm Thành, hễ vua chết thì hoàng hậu phải chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai Khắc Chung sang mượn cớ làm lễ viếng và nói rằng: Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về… rồi tư thông với công chúa, loanh quanh ở đường biển lâu ngày mới về đến kinh sư…”.

Khi nghe đoạn sử này, các cụ trong làng giận dữ vì chạm đến lòng sùng kính của mình đối với bà Chúa nên phản ứng: “Vua Chế Mân chết từ tháng 5 sao đến tháng 10 mới sai sứ đi viếng và cứu bà Chúa và con? Có phải chăng chờ gió mùa đông bắc? Cuộc đàm phán có dễ dàng không mà phải dùng thuyền nhẹ cướp lấy bà Chúa đem về? Cướp được rồi có thoát khỏi sự vây đuổi truy kích của hải đội Chiêm Thanh vốn thạo thủy chiến đang neo đậu dày đặc trên cửa biển Thị Nại lúc bấy giờ,  trong lúc gió đông bắc còn thổi rần rần?”

Và các cụ bảo không riêng gì Nam Ô có miễu vọng Huyền Trân mà ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng có miễu Huyền Trân với truyền thuyết đây là nơi ẩn nấp của công chúa trước khi đến mom Hạc, Nam Ô.

Có điều thú vị là, năm 1999, khi khởi công trùng tu miễu bà Liễu Hạnh, dân làng Nam Ô tình cờ đào được nơi hậu tẩm của tàn tích này một bộ ba bài vị bằng gỗ sơn huyết sau gần một trăm năm chôn vùi vẫn rành rành nét khắc “Chúa Tiên Thần nữ chi thần vị”, “Thủy quan Hà bá…”, “Thổ công…” được dân làng thỉnh về thờ chung trong miễu bà Liễu Hạnh. Các cụ cho biết, Chúa Tiên Thần nữ là thần hiệu của Công chúa Huyền Trân do công trạng đối với nước nhà và giúp dân nhiều linh ứng nên Triều Nguyễn gia tặng Trai Tĩnh Trung đẳng thần (?).

ĐẶNG DÙNG

Đối với miễu vọng Huyền Trân, dân làm nghề biển ở Nam Ô vốn gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm khi hành nghề trên biển nên rất tin sự hộ trì của Nữ thần, như bài thơ “Vọng Miếu” đã truyền lại từ hàng trăm năm qua: Khơi lộng vào ra chốn hải tần/ Vọng cầu linh miếu độ bình an/ Khơi xang vũ lạo cầu Trai Tỉnh? Lộng xáp phong ba vái Nữ thần/ Chẳng tiếc cành vàng dâng hiến nước/ Thì gieo lá ngọc hộ trì dân? Trăm năm dân Ổ (tên làng Nam Ô cũ là Hoa Ổ - ĐNCT) còn hương khói/ Biến vực ngư giao hóa thủy hàn.

 

.