Vị Bố chánh nặng lòng với Quảng Nam

.

Đặng Huy Trứ (1825-1874) làm quan trải qua nhiều tỉnh, nhưng đã dành nhiều tình cảm cho vùng đất Quảng Nam. Ông có một bài thơ đặc biệt mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp.

Bố chánh Đặng Huy Trứ (1825-1874). (Ảnh tư liệu)
Bố chánh Đặng Huy Trứ (1825-1874). (Ảnh tư liệu)

Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, sinh năm 1825 tại làng Thanh Lương (nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong một gia đình nhà nho có nhiều người đỗ đạt. Từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh. Năm 1843, ông đỗ cử nhân. Khoa thi Hội năm 1847, ông đỗ tiến sĩ nhưng vào thi Đình, do bài làm phạm húy nên bị đánh 100 roi, lột hết văn bằng cử nhân, tiến sĩ và cấm thi vĩnh viễn. Ông về nhà dạy học và viết sách. Năm 1855, nhờ một đại thần tâu xin, ông được vua Tự Đức ân xá cho đi thi Hội và đỗ tiến sĩ.

Từ bài thơ viết ở Đà Nẵng...

Đặng Huy Trứ từng trải qua nhiều chức vụ ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Nam, Hà Nội, Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), Lạng - Bằng - Ninh - Thái (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên). Ở kinh đô, ông kinh qua các chức vụ Hàn lâm viện trước tác, Ngự sử.
Cuối năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Đặng Huy Trứ cùng Hoàng Kế Viêm lui quân về trấn giữ căn cứ Đồn Vàng ở Hưng Hóa, tiếp tục tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp. Tại đây, ông lâm bệnh và mất vào ngày 7-8-1874 ở tuổi 49.

Năm 1856, khi công tác ở Đà Nẵng, ông biết bài thơ Vãng quân thứ Đà Nẵng tức sự (Ghi lại việc đi quân thứ ở Đà Nẵng), được coi là bài “mở đầu” của dòng thơ văn yêu nước chống Pháp.

Bài Đặng Hoàng Trung thi sao đăng trên Tạp chí Sông Hương (số 22, tháng 12-1986) dẫn lại lời Đặng Huy Trứ cho biết: “Tháng 8 năm Bính Thìn (10-1856), thuyền Tây đến đỗ ở bến Trà Sơn. Án sát Tôn Thất Dũng đem binh đến và cùng lãnh binh Phạm Truật đôn đốc việc đánh giữ. Chưa tới 10 ngày, bọn Tây dương bắn phá đồn lũy và bắt giữ quan binh của ta. Việc được tâu lên, vua sai các ông Trần Hoằng, Đào Trí, Nguyễn Duy đến đánh đuổi. Án sát Tôn Thất Dũng, lãnh binh Phạm Truật bị cách chức và giao cho các quan được cử đến tùy nghi sai phái. Quan, binh ở đây trải qua hai tháng vất vả theo lệnh vua phòng giữ bờ cõi. Tháng Mười, tôi được phái đi kiểm tra tàu thuyền, qua nơi đây, nhân đó làm thơ”.

Bài thơ nguyên văn chữ Hán, được Trần Lê Văn dịch thơ: Một vùng Đà Nẵng: rợ Tây dương/ Giữ nước, quân dân mệt lạ thường/ Cuối tiết tàn thu cơn lũ lụt/ Muôn nhà thiếu bữa cảnh thê lương/ Diệt thù, sương gió thương quân sĩ/ Lo nước, đêm ngày bận đế vương/ Ăn lộc, ta càng lo việc nước/ Tính sao? Hòa chiến, giữ hay nhường?

Đây không phải là bài thơ tiêu biểu nhất trong hàng ngàn bài thơ của Đặng Huy Trứ nhưng là bài thơ đặc biệt vì viết ở Đà Nẵng và là bài mở đầu cho giai đoạn văn học yêu nước chống Pháp, lại thể hiện sâu sắc thái độ quyết chiến cùng lòng yêu nước, thương dân của nhà thơ họ Đặng.

… đến tấm lòng với Quảng Nam

Đặng Huy Trứ từng hai lần được triều đình cử sang Hong Kong, Ma Cao để thăm dò tình hình các nước phương Tây. Tại Hong Kong, ông cũng học nghề nhiếp ảnh mang về phổ biến trong nước và ngày nay được tôn làm ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông là nhà cải cách thực hành của nước ta với chủ trương phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải); phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí); cải cách xã hội (lấy dân làm gốc, chống hối lộ - tham nhũng, đề cao sự cần kiệm liêm chính - chí công vô tư của quan lại). Ông lập ra các thương điếm như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm và Ty Bình Chuẩn để giao thương với phương Tây, tạo dựng nền tảng tài chính và quân sự cho triều đình.

Đặng Huy Trứ đã đến dạy học tại Quảng Nam hai lần, lần thứ nhất ở Vĩnh Điện năm 1848, lần thứ hai dạy Trường Thanh Hương ở Hội An năm 1849. Ông cũng hai lần đến công vụ tại Quảng Nam, lần thứ nhất vào năm 1856 đi kiểm tra tàu thuyền tại quân thứ Đà Nẵng, lần thứ hai với tư cách là Bố chánh Quảng Nam từ năm 1864 đến tháng 7-1865.

Đầu năm 1864, Quảng Nam bị hạn nặng, dân bị đói lưu tán khắp nơi. Sĩ phu xứ Quảng thông qua Tham tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ dâng sớ xin triều đình cử Đặng Huy Trứ vào làm Bố chánh để cứu dân. Vua Tự Đức cử Đặng Huy Trứ trấn nhậm Quảng Nam. Vừa đến nơi, ông lao ngay vào việc cứu đói, cứu hạn, kêu gọi mọi người cứu giúp nhau. Ông đề nghị mỗi nhà giảm bớt một phần cơm để lấy gạo nấu cháo nuôi những người bị đói đang lưu tán. Nạn đói nhờ thế tạm thời được giải quyết.

Hạn vừa xong thì cuối năm xảy ra bão lụt, Đặng Huy Trứ liền dâng sớ tâu về triều xin mở kho lương thực để cứu đói. Không cần lệnh vua, ông tự ý mở kho phát chẩn và chấp nhận “một mình chịu kỷ luật”. Ông còn dâng sớ về triều xin thay đổi những tri phủ, tri huyện bất tài và làm việc trì trệ. Ông cho khơi thông sông ngòi để làm thủy lợi và tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy, đề xuất với triều đình lập các kho “nghĩa thương” ở các địa phương để tích trữ lương thực cứu đói cho dân nghèo; cho phép thu thuế bằng hiện vật đối với các hộ làm nghề thủ công; cho các hộ làm nghề dệt cửi lĩnh trước tiền mua nguyên vật liệu về dệt và bán hàng cho Nhà nước; kiến nghị thành lập “nghĩa trang” ở các địa phương để chôn cất người chết vào những nơi được quy hoạch. Tất cả đề xuất của Đặng Huy Trứ đều được triều đình chấp thuận.
Đặng Huy Trứ với cương vị là Bố chánh của tỉnh cũng đã dâng sớ lên nhà vua tiến cử 3 người Quảng vốn là những người bị triều đình “cách lưu” (cách chức nhưng vẫn điều hành công việc theo cương vị cũ - ĐNCT), đó là Nguyễn Quang Quýnh (người làng Bàn Thạch, Duy Xuyên), Hoàng Diệu (người làng Xuân Đài, Điện Bàn) và Phạm Thanh Nhã (người làng Mã Châu, Duy Xuyên). Đọc sớ tâu của Đặng Huy Trứ, vua Tự Đức liền bổ nhiệm ngay đối với 3 người này.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.