Chuyện xưa xứ Quảng

Sự tích "một bà hai ông"

06:24, 07/02/2021 (GMT+7)

Dẫu thời hiện đại, đa số nhà đều dùng bếp gas, điện từ…, nhưng vẫn thờ ông Táo (Táo Quân). Ông Táo đã in sâu vào tiềm thức của mọi người. Để rồi, hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, dân gian thường có lệ cúng đưa ông Táo về chầu Trời. Và cũng theo dân gian, thờ cúng ông Táo không chỉ có một ông mà là “hai ông, một bà” như câu ca xưa: “Thế gian một vợ, một chồng,/ Không như vua bếp, một bà, hai ông”.

Sự tích ông Táo có nhiều dị bản. Ở Quảng Nam, các tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Vu Gia trong tác phẩm “Địa chí Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)”, NXB Đà Nẵng, 2007, cho biết ở Đại Nghĩa vẫn còn phổ biến sự tích bộ ba: Trọng Cao - Thị Nhị và Phạm Lang với nôm na thần tích “một bà, hai ông”.

“Một bà hai ông” trong tranh dân gian.
“Một bà hai ông” trong tranh dân gian.

Theo đó, xưa kia, Trọng Cao và Thị Nhi sống chung với nhau lâu ngày mà không sinh con; cả hai quá trông chờ có con để nối dõi tông đường nhưng không được thỏa nguyện. Một ngày nọ, Trọng Cao vô cớ tìm cách gây sự với vợ và đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Thị Nhi cất bước ra đi về phương trời vô định. Ngày kia, nàng gặp người đàn ông tên là Phạm Lang hiền lành, chất phác, đem lòng giúp đỡ, yêu thương và xin cưới nàng làm vợ. Thị Nhi đồng ý và về chung sống với Phạm Lang.

Còn về Trọng Cao, sau khi nguôi giận và ân hận về sự việc đã qua, chàng chuẩn bị tiền bạc, khăn gói lên đường tìm vợ. Ngày qua tháng lại, năm này qua năm khác, tin tức của vợ vẫn biệt vô âm tín mà tiền của cũng hết, Trọng Cao đành phải đi ăn xin để kiếm tiền tiếp tục tìm vợ.

Một ngày nọ, chàng ghé vào một ngôi nhà để xin ăn thì gặp Thị Nhi. Ngạc nhiên và vui mừng, nàng mời chàng vào nhà trò chuyện và nấu cơm cho chàng ăn. Cơm canh chưa được dọn ra thì nàng nghe bước chân của Phạm Lang ngoài đầu ngõ. Vì sợ chồng hiểu lầm nên nàng đem Trọng Cao giấu trong đống rạ để chờ dịp đưa Trọng Cao ra.

Đêm đó, Phạm Lang nhóm lửa đốt rạ để lấy tro sáng hôm sau bón ruộng. Lửa cháy, Trọng Cao lâu ngày không có miếng ăn, đi đường đói lả nên không chạy thoát được. Thị Nhi thấy vậy nhảy vào cứu Trọng Cao. Còn Phạm Lang thấy vợ lao vào đống lửa mà không rõ nguyên nhân, sợ nàng chết cháy, bèn nhảy vào cứu vợ. Thế là ngọn lửa vô tình đã thiêu cháy 3 người...

Huyền tích về ông Táo có rất nhiều dị bản, tùy theo từng vùng miền, nhưng tựu trung đều nói đến mối tình tay ba của con người và sự thủy chung của tình nghĩa vợ chồng. Một điểm chung là tất cả các dị bản đều kết thúc với cái chết có hậu nên động đến tình cảm của Ngọc Hoàng (có dị bản viết là động đến Diêm Vương), ngài liền cho 3 người chụm đầu vào nhau trở thành ông Táo và phong thành 3 vị thần: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ. Người chồng thứ hai là Thổ Công (trông coi việc bếp núc, còn gọi là Thần Bếp), người chồng thứ nhất là Thổ Địa (trông coi việc đất đai, nhà cửa, còn gọi là Thần Đất), người vợ là Thổ Kỳ (trông coi việc mua bán, chợ búa cho phụ nữ trong nhà và sản sinh vật ngoài vườn, còn gọi là Thần Nhà).

Theo quan niệm dân gian, Táo Quân được giao nhiệm vụ làm tai mắt cho Ngọc Hoàng Thượng Đế ở mỗi gia đình, để hằng năm đúng ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) về chầu Trời và báo cáo sự việc với Ngọc Hoàng. Ngày nay, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngày 23 tháng Chạp là thời điểm 3 hành tinh Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái đất ở trên cùng một mặt phẳng quỹ đạo. Còn cổ nhân gọi ngày này là ngày “mở cửa Trời” để đón ông Táo. Ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về thiên đình để trình báo những việc lớn nhỏ của gia chủ với Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Trước đây (kể cả ngày nay ở những vùng quê), hằng năm mỗi một gia đình cứ đến ngày chuẩn bị đưa ông Táo chầu Trời thì có lệ thay ông Táo cũ bằng ông Táo mới (kiềng ba chân hay lò bằng gốm) để dùng.

Tục lệ thờ Ông Táo (Táo Quân) và lễ cúng đưa ông Táo chầu Trời đã in sâu vào tiềm thức của người Việt. Phải chăng đây là tục lệ thờ “Thần Lửa” trước kia của cổ nhân và liệu có liên quan gì với lệ cúng Bà Hỏa hằng năm còn bảo lưu đến ngày nay vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ Bà ở phường Phước Hòa, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam? Tục lệ này còn mang ý nghĩa đoàn kết, ấm cúng cho mỗi một gia đình. Vì thế, chúng ta thường nghe câu nói đầu miệng là “sao để bếp lạnh tanh?”, ý nói gia đình đi đâu hoặc có điều gì giận nhau mà không thấy nấu nướng gì. Mong rằng năm mới sắp đến, bếp mỗi nhà luôn “đỏ lửa” để mọi người, mọi gia đình, hàng xóm láng giềng sum vầy bên nhau, cho mùa Xuân luôn đầm ấm, rộn rã tiếng cười.

PHẠM VĂN BÍNH

.