Ngôi nhà tranh ở xóm Rừng

.

Ngôi nhà số 120 Thái Phiên, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, ngày xưa là mái nhà tranh, phên đất, ẩn mình trong xóm quê nghèo cây cối rậm rạp. Tại ngôi nhà này từng có cặp “vợ chồng” bất đắc dĩ sống chung với nhau vì nghĩa lớn để hiện tại ngôi nhà trở thành di tích lịch sử của phố Hội.

Ngôi nhà số 120 Thái Phiên,phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (ảnh trái) và bia di tích lịch sử gắn tại đây. Ảnh: T.M
Ngôi nhà số 120 Thái Phiên, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.M

Trụ sở trong… ga ra

Tối ngày 28-3-1930, tại Cây Thông Một nằm trên bãi cát Trường Lệ hoang vắng của Hội An (bãi cát này có một cây thông khá to, thuộc xã Cẩm Hà) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lâm thời Quảng Nam gồm 4 thành viên, ra thông cáo nước ta chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị đã bầu ông Phan Văn Định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Đến tháng 4-1930, Tỉnh ủy quyết định thành lập Chi bộ Hội An, trực thuộc Tỉnh ủy với 3 thành viên, do ông Hà Mùi làm Bí thư, sau đó không lâu kết nạp thêm 2 đảng viên mới. Tuy ông Phan Văn Định là Bí thư Tỉnh ủy nhưng lại khoác vỏ bọc lái xe cho Công sứ Pháp tại Hội An là Léon Garnier nên việc in ấn tài liệu, truyền đơn, Báo Lưỡi Cày (tờ báo đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam) đều được thực hiện ngay trong ga ra xe của Công sứ Pháp. Đây cũng là trụ sở mật của Tỉnh ủy Quảng Nam lúc bấy giờ.

Đến khi Labocdo thay Công sứ Léon Garnier thì tình hình diễn biến phức tạp hơn bởi Labocdo có kinh nghiệm trong hoạt động tình báo, đa nghi và đầy mưu lược. Có hôm hắn bất ngờ xộc vào kiểm tra đồ đạc chứa trong ga ra xe, nhưng ông Phan Văn Định chuẩn bị trước phương án đối phó nên hắn không phát hiện được tài liệu cũng như phương tiện in ấn.

Nhận thấy việc dùng ga ra của Công sứ Pháp làm trụ sở Tỉnh ủy đang đứng trước nguy cơ bại lộ, Tỉnh ủy quyết định cuộc họp bàn tính dời trụ sở đến nơi khác. Sau khi cử người đi tìm địa điểm mới, cuối cùng đã mượn được ngôi nhà tranh tre 2 gian nho nhỏ, vách trét đất sét của ông Nguyễn Đức Tài ở xóm Da, ấp Xuân Lâm, xã Cẩm Phô. Ngôi nhà này được dựng gần các đám ruộng ven làng, duy nhất có một con đường đất vào nhà, xung quanh cây cối rậm rạp, hoang vắng nên còn gọi là xóm Rừng.

Ngôi nhà số 120 Thái Phiên,phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (ảnh trái) và bia di tích lịch sử gắn tại đây. Ảnh: T.M
Bia di tích lịch sử được gắn tại đây. Ảnh: T.M

Chọn “chồng” cho… người yêu

Việc dời trụ sở từ ga ra xe công sứ Pháp tới nhà ông Nguyễn Đức Tài tuy không xa nhưng được Tỉnh ủy tính toán kỹ lưỡng, không để lộ việc vận chuyển tài liệu cũng như phương tiện in ấn. Lúc đó ông Huỳnh Lắm và bà Trần Thị Dư, thuộc Chi bộ Hội An, đang yêu thương nhau nên được Tỉnh ủy chỉ đạo làm sớm đám cưới để trà trộn người che mắt địch nhằm chuyển đồ đạc ra khỏi ga ra xe đến nhà ông Nguyễn Đức Tài.

Ông Huỳnh Lắm cho rằng kế hoạch này không hợp lý, dễ thất bại bởi ai cũng biết nhà ông ở ngay trên mảnh đất Cẩm Phô, rất nghèo, mẹ già côi cút trong túp lều tranh xơ xác bỗng dưng ông lại mua nhà, có tiền cưới vợ thì làm sao che mắt được bọn mật thám. Ông Huỳnh Lắm đề xuất làm một đám cưới giả giữa bà Trần Thị Dư, người yêu của ông với ai đó. Được Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định đồng ý, ông Lắm lao vào tìm “chồng” cho người yêu. Người “chồng” được ông lựa chọn cho Trần Thị Dư là ông Nguyễn Lộc, còn gọi Nguyễn Tất Đạt, đảng viên Chi bộ Duy Xuyên hoạt động dưới dạng hành nghề hớt tóc tại Hội An.

Sau khi đăng ký “kết hôn” với lý trưởng, ngày “cưới” diễn ra, chú rể diện khăn đóng, áo dài, quần the, cô dâu khăn điều mỏ quạ, tai đeo khuyên vàng ra mắt bà con, bè bạn rồi “rước” về nhà ông Nguyễn Đức Tài và những vật chứng hoạt động mật cũng theo về đây. Hằng ngày người “chồng” ôm thùng đồ nghề tới quán hớt tóc Trương Cảnh Mai để làm việc và nắm tình hình, “vợ” thường xuyên đi nhận hàng bán kiếm hoa hồng nhưng thực chất là giao nhận tài liệu, rải truyền đơn, ra Đà Nẵng nhận chỉ thị của Xứ ủy Trung kỳ.

Ngôi nhà ông Nguyễn Đức Tài đã trở thành trụ sở mật của Tỉnh ủy Quảng Nam. Tại đây, ngoài “hai vợ chồng” trẻ còn có một số lãnh đạo gồm  Phan Văn Định, Phạm Thâm, Trần Kim Bảng, Trần Đại Quả thường xuyên lui tới họp bàn, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Một thời gian sau, do bất mãn, người “chồng” Nguyễn Lộc đã phản bội, đầu hàng địch, khai báo địa điểm trụ sở mật của Tỉnh ủy. Chiều ngày 20-10-1930, Công sứ Pháp Labocdo cùng Tổng đốc Nam - Ngãi Ngô Đình Khôi trực tiếp chỉ huy lính bao vây trụ sở mật rồi tiến hành khám xét, bắt giữ các ông Trần Đại Quả, Trần Kim Bảng, bà Trần Thị Dư, thu giữ nhiều tài liệu và phương tiện in ấn. Ngày 22-10-1930 chúng tiếp tục truy bắt các ông Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Lang, Huỳnh Lắm, Nguyễn Thiết, Trần Cần, Nguyễn Văn Vĩ đều là những cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy và Chi bộ Hội An…

Năm 1934, ông Huỳnh Lắm từ Côn Đảo trở về tiếp tục nắm giữ các chức vụ quan trọng của Tỉnh ủy, Liên khu 5 và chính thức là phu quân của bà Trần Thị Dư, người con gái mà chính mình đi tìm “chồng” cho cô năm xưa. Năm 1954 bà Trần Thị Dư tập kết ra bắc học tập và công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, bà nghỉ hưu, về sống cùng gia đình tại Đà Nẵng và mất năm 1997.

Chuyện xưa được ghi lại trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An 1930-1975”, NXB Đà Nẵng, 1995. Ngôi nhà xưa ở xóm Rừng, nay là số 120 đường Thái Phiên (phường Cẩm Phô, thành phố Hội An), chủ nhân là ông Nguyễn Gừng, người thừa kế cha mình là Nguyễn Đức Tài. Do ông Tài mất sớm, tên tuổi bị mai một nên mỗi khi nhắc tới lịch sử ngôi nhà, người ta quen gọi theo tên chủ nhân đang sống trong ngôi nhà ấy: “Nhà ông Nguyễn Gừng, Cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Quảng Nam”.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.