.

Trung ngôn nghịch nhĩ

* Việt Nam có thành ngữ “Nói thật mất lòng” được cho là tương đương với “Trung ngôn nghịch nhĩ” của Trung Quốc. Xin cho biết xuất xứ của thành ngữ tiếng Hán này. (Nguyễn Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Trung ngôn nghịch nhĩ (nói thẳng khó nghe) có xuất xứ từ sách Sử ký (Lưu Hầu Thế Gia).

Lưu Bang sau khi đánh chiếm được Hàm Dương của nhà Tần, liền vào trong cung xem xét, thấy của cải chất như núi, mỹ nữ nhiều vô kể, trong lòng bỗng dấy lên ý muốn hưởng dụng hết tất cả.

Một thuộc hạ của Lưu Bang là Phàn Khoái nhận biết ý đồ đó, liền hỏi họ Lưu muốn làm một đại phú ông, hay muốn thống trị thiên hạ? Lưu trả lời là đương nhiên là muốn thống trị thiên hạ. Phàn lại nói: “Của cải hằng hà, mỹ nữ vô số chính là nguyên làm Tần bị diệt vong. Đại vương không thể nào ở lại trong cung, mà hãy nhanh chóng trở về Bá Thượng”.

Lưu dùng dằng không chịu nghe theo.

Mưu sĩ Trương Lương biết chuyện, nói với Lưu rằng: “Vua Tần u mê vô đạo nên dân chúng mới nổi lên làm phản, nhờ đó đại vương mới chiếm được những thứ này. Đại vương đã trừ được bạo chúa cho dân thì phải giữ vững hình ảnh của mình. Nay mới tới cung nhà Tần mà đã muốn hưởng lạc sao được? Lời nói thẳng tuy nghe trái tai, nhưng lại có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy đắng nhưng giã tật. Vậy mong đại vương hãy nghe theo lời của Phàn Khoái”.

Lưu Bang nghe xong liền tỉnh ngộ, bèn nhận lời nghe theo, coi cung nhà Tần là một nơi thị phi, là cạm bẫy, hạ lệnh cho quân sĩ niêm phong các phủ đệ và kho báu, đóng cửa cung lại rồi trở về Bá Thượng.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.