.

Hình nhân thế mạng

* Trong bài “Hoàng Sa trời nước mênh mông...” đăng trên Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 16-2-2014 vừa rồi tôi thấy có đoạn nói về nghi lễ thế mạng bằng các hình nhân cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ được triều đình giao phó ở Hoàng Sa, Trường Sa diễn ra tại Lễ khao lề thế lính được tổ chức ở Lý Sơn vào giữa tháng 3 âm lịch hằng năm. Hình nhân thế mạng là gì và cách thức thực hiện ra sao? (Hà Văn Hùng, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Như thông tin bài báo trên đã nêu, tục làm hình nhân thế mạng bắt đầu từ hiện tượng các binh phu Hoàng Sa, Trường Sa gặp nạn và mất xác khi làm nhiệm vụ trên biển đảo. Rất nhiều tài liệu, báo viết, báo hình nói về tập tục thể hiện chủ nghĩa nhân bản này.

Bài viết “Tạo hình nhân thế mạng: không được mấy ai!” đăng trên Sài Gòn tiếp thị ngày 10-5-2013 cho biết ngày trước người dân trên đảo chỉ làm hình nhân cho người đi biển bị bỏ mạng mất xác, sau này, hễ ai đi làm ăn xa, rủi ro bị mất mạng, không tìm được xác, gia đình của họ cũng đến nhờ làm hình nhân.

Theo tập tục - bài báo mô tả, trước khi xem được ngày làm hình nhân, các thầy pháp trước hết phải tìm đất sét, cây dâu tằm, than cây sầu đông, chỉ tơ… Có điều, riêng với cây dâu tằm, phải là “dâu mồ côi”, không đẻ nhánh, mới có “linh nghiệm”. Tìm xong nguyên liệu, thầy pháp lập đàn để chiêu hồn và bắt đầu nắn hình nhân. Đầu tiên, thầy pháp dùng đất sét (20 - 25kg) giã và quết nhuyễn đến mức “đưa chày lên mà đất sét và cối dính theo là được” để nắn da, thịt. Sau đó, thầy pháp dùng cây dâu tằm nắn các bộ xương sống, sườn (nam bảy đốt, nữ chín đốt), mông, đùi, vai và xương các ngón tay, chân. Còn than đen, cây sầu đông thì nắn gan, phổi; chỉ tơ thì nắn ruột, gân… Theo đó, cứ mỗi hình nhân từ 90 phân đến một mét, phải nắn trong vòng hai giờ đồng hồ là xong.

Sau khi nắn xong hình nhân, thầy pháp đăng đàn và khấn tế chiêu hồn về nhập vào xác hình nhân. Làm lễ xong, thầy pháp cho gia chủ mang hình nhân về an táng và lấy ngày này làm ngày giỗ cho người đã mất.

Tác giả Tân Việt trong cuốn “Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam” (NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997, tr.143-144), giải thích rằng tục đốt hình nhân thế mạng vốn xuất xứ từ tục tuẫn táng, tức là thay vì chôn sống người (khi lãnh chúa chết thì nữ chúa, cung phi, nô tì cũng bị chôn/hỏa táng theo để sang thế giới bên kia tiếp tục hầu hạ lãnh chúa) người ta chỉ đốt các hình nhân.

Ngày trước, theo sách đã dẫn, “để vua chúa xuống dưới âm cung có người hầu hạ, tục ở nước ta không chôn người sống mà dùng hình nộm làm bằng tre nứa, quấn bằng rơm rạ hoặc nhào nặn bằng đất sét, ngoài dán giấy làm quần áo rồi vẽ mặt mũi, sau đó khi tế lễ xong thì đốt hình nhân đó cùng với vàng mã. Nếu lễ Thủy thần, Long vương, Hà bá thì làm thuyền bằng giấy kết trên thân cây chuối rồi đặt hình nhân vào thuyền và thả trôi sông. Có người nghe theo lời bói toán nhảm nhí sắp đến vận hạn bị hung thần quỷ dữ bắt, phải nhờ thầy cúng làm lễ, đốt hình nhân thế mạng. Có người vì mối tư thù nhưng yếu thế không trả thù được bèn nghĩ cách làm hình nhân rồi đề tên họ, húy, hiệu của kẻ thù vào trước ngực hình nhân, cắm ở ngã ba, ngã tư đường cái, thắp hương cắm lên đầu hình nhân để nhờ thần linh bắt tội người đó”.

Như thế, nếu hình nhân thế mạng trong Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp thì đối với những trường hợp mà sách đã dẫn kể ra trên đây là một tập tục chứa đầy tính chất mê tín, dị đoan. Sau khi nêu lệnh cấm hủ tục này của chính quyền phong kiến “Kẻ nào cố tình vi phạm, nếu phát hiện được sẽ bị phạt nặng. Địa phương nào để những tục đó xảy ra, nếu phát hiện được thì lý trưởng nơi đó bị cách chức”, tác giả đã kết luận: “Thế mà ngày nay, chúng tôi thấy hủ tục này lại có cơ phát triển, cho nên việc bài trừ hủ tục nhảm nhí này là cần thiết, phù hợp với việc xây dựng nền văn hóa mới”.

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.