.

Đảo Mồ Côi

.

* Tôi từng nghe nội tôi và các cụ cao niên trong làng bảo ngày xưa ở vũng Tiên Sa có một hòn đảo nhỏ gọi là hòn Mồ Côi nằm sát bờ dưới chân núi Mỏ Diều. Ngày trước các cụ thường đến đây xem lính tráng luyện lập. Xin cho hỏi hòn Mồ Côi bây giờ nằm ở đâu và được sử dụng làm gì? (Nguyễn Huy Hoàng, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Hòn Mồ Côi ngày nay .(Ảnh ĐNCT chụp lại màn hình từ Google Earth)
Hòn Mồ Côi ngày nay .(Ảnh ĐNCT chụp lại màn hình từ Google Earth)

- Trong những lần đi thực tế qua bán đảo Sơn Trà chúng tôi cũng từng nghe một số vị cao niên (như ông Thái Văn Phễu ở Thọ Quang) nói về hòn Mồ Côi nhưng rất tiếc một thời gian dài không tra cứu được.

Vừa rồi, mọi sự đã được “giải mã” khi xem bài Đà Nẵng, Fort de Non-Nay, và tấm ảnh đầu tiên của Việt Nam ở phần Phụ lục 2 tr.395-397 trong cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975)” (NXB Nam Việt, CA, 2007) của tác giả Võ Văn Dật (Võ Hương An).

Theo đó, vào năm 1843, vua Louis-Philippe của Pháp cử một phái bộ sang Trung Quốc để ký Hiệp ước Whampoa (1844). Một thành viên trong phái đoàn tên là M. Jules Itier đã ghi lại chuyến đi trong cuốn Journal d’un Voyage en Chine en 1843, 1844, 1845,1846 (Nhật ký du hành Trung Quốc vào các năm  1843, 1844,1845, 1846) gồm 3 tập.   

Khi xong việc, phái bộ về đến Singapore thì Itier được lệnh sang tàu Alcmène của Fornier du Plan để khẩn cấp tới Việt Nam can thiệp về vụ 5 giáo sĩ đang bị bắt giam tại Huế. Đến Đà Nẵng, tàu Alcmène đã bỏ neo ở phía nam một hòn đảo nhỏ mà người dân địa phương gọi là hòn Mồ Côi (trong hồi ký, Itier ghi theo tiếng Pháp là l’Île de Mo-Koi). Đây chính là hòn đảo nhỏ nằm về phía đông - nam vịnh Đà Nẵng, được Đại Nam Nhất Thống Chí (phần tỉnh Quảng Nam) gọi là đảo Cô, và khi người Pháp xâm lăng Đà Nẵng đã gọi là l’Îlot de l’Observatoire, hoặc đơn giản là l’Îlot mà thôi.

Dù gọi là “Mồ Côi” hay “Cô” thì cũng cho ta hình dung hòn đảo nhỏ này nằm trơ trọi một mình. Theo các bô lão địa phương, vì đảo không xa bờ nên thời Gia Long, vua đã cho đắp một con đường nhỏ nối đất liền với đảo để lính tráng tiện đi lại canh phòng. Khi xâm lăng Đà Nẵng, người Pháp đã chiếm hòn đảo này, phá hủy cơ sở cũ và đặt một pháo đài ở đó; con đường đất đá trước kia được làm cho rộng rãi và vững vàng thêm.

Qua đầu thế kỷ XX, người Pháp lại cho mở rộng và kiên cố hóa hơn con đường ra hòn Mồ Côi để biến nơi này thành trạm khởi hành của tuyến đường sắt vô tới Hội An. Người Pháp gọi con đường sắt này là Tramway de l’Îlot de l’Observatoire à Faifo, khánh thành vào năm 1905 và bãi bỏ vào năm 1916, vì khai thác không có lợi. Những đổi thay này làm cho người ta khó nhận diện đâu là hòn Mồ Côi xưa kia nữa.

Năm 1966, khi Hải quân Hoa Kỳ xây dựng cảng sâu Tiên Sa, họ đã lấp luôn cái vịnh nhỏ ngăn cách hòn Mồ Côi với một mõm đá lớn đâm ra từ bán đảo Tiên Sa (tên gọi khác của bán đảo Sơn Trà) - mà dân địa phương gọi là mũi Mỏ Diều hay núi Mỏ Diều, và Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là Diên Chủy sơn - đã  làm cho cảnh quang thay đổi hoàn toàn; đúng là một cuộc bể dâu do tay người làm nên trong thời đại mới.

Ngày nay, nếu đứng trên núi Mỏ Diều rất khó tìm ra dấu vết của hòn đảo nhỏ này, nhưng nếu quan sát từ trên không (qua Google Earth) và để ý thật kỹ, có thể nhận ra nó hiện chỉ như một mũi đất nhỏ nằm trong cảng Tiên Sa.

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.