.

Múi giờ

* Về thời điểm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (gọi tắt là cờ Giải phóng) trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975, trong một số bài báo, tài liệu tôi thấy có nơi ghi là 11 giờ 30 phút, có nơi ghi là 12 giờ 30 phút. Vậy thời điểm nào là chính xác? (Trần Văn Hùng, Sơn Trà, Đà Nẵng)

- Cả hai cách ghi giờ ở trên đều đúng, bởi mỗi cách ghi căn cứ vào múi giờ hay giờ địa phương của hai miền Nam và Bắc Việt Nam vào thời điểm trước năm 1975.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trước hết hãy tìm hiểu về Giờ GMT. Giờ GMT (viết tắt từ tiếng Anh Greenwich Mean Time nghĩa là “Giờ Trung bình tại Greenwich”) là giờ Mặt Trời tại Đài thiên văn Hoàng Gia Greenwich tại Greenwich gần thủ đô Luân Đôn nước Anh. Nơi đây được quy ước nằm trên kinh tuyến số 0.

Trên Trái Đất, thời gian biến đổi dần dần từ Đông sang Tây. Tại một thời điểm xác định, có vùng đang là buổi sáng, có vùng khác lại đang là buổi tối. Trong lịch sử, người ta dùng vị trí Mặt Trời để xác định thời gian trong ngày (gọi là giờ Mặt Trời), và các thành phố nằm ở các kinh tuyến khác nhau có thời gian trên đồng hồ khác nhau.

24 đường kinh tuyến chia bề mặt Trái Đất ra làm 24 phần bằng nhau, người ta quy ước, về mặt thời gian, vùng bị giới hạn bởi hai kinh tuyến liền kề nhau được gọi theo tiếng Anh là “time zone”, tiếng Việt gọi là múi giờ. Chênh lệch giờ giữa các múi giờ liền kề nhau là 1 giờ. Mọi múi giờ trên Trái Đất đều lấy tương đối so với giờ GMT. Một số địa phương có thể thay đổi múi giờ theo mùa. Ví như, vào mùa hè, một số nước ôn đới hoặc gần vùng cực thực hiện quy ước giờ mùa hè, chỉnh giờ sớm lên một giờ. Điều này khiến chênh lệch giờ giữa các địa phương thêm phức tạp.

Theo Wikipedia, múi giờ đầu tiên trong lịch sử được ngành đường sắt Anh đặt ra vào ngày 1 tháng 12 năm 1847, gọi là múi giờ GMT. Các đồng hồ trong vùng này đều chỉ cùng giờ với đồng hồ đặt tại đường kinh tuyến đi qua Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich. Ngày 23 tháng 8 năm 1852, tín hiệu thời gian được truyền lần đầu bằng điện tín từ Đài thiên văn Greenwich. Đến năm 1855, hầu hết các đồng hồ công cộng tại nước Anh có cùng giờ GMT, tuy nhiên phải đến ngày 2 tháng 8 năm 1880, giờ này mới được chính thức đưa vào luật.

Tác giả Văn Đức Ngọc Thạch, trong trang Thảo luận: Múi giờ trên Wikipedia, đã khẳng định: “Về nguyên tắc, các vùng nằm trong cùng một múi giờ sẽ có giờ giống nhau. Tuy nhiên, các vùng nằm trong một quốc gia thường được thống nhất dùng chung một giờ cho thuận tiện, không gây nhầm lẫn cho dù chúng nằm trên các múi giờ khác nhau. Có những quốc gia trải dài trên nhiều múi giờ (như Mỹ) buộc phải dùng các giờ khác nhau cho những vùng khác nhau”.

Cũng có quốc gia tuy nằm trên cùng một múi giờ nhưng lại dùng giờ lệch nhau do nguyên nhân chính trị. Điển hình là Việt Nam trước khi thống nhất vào năm 1975: chính phủ Việt Nam Cộng hòa dùng giờ GMT+8, còn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dùng giờ GMT+7. Đây chính là sự khác biệt trong ghi chép của các tác giả về thời điểm treo cờ Giải phóng trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975. Thời khắc đó, theo giờ Việt Nam Cộng hòa là 12 giờ 30 phút, theo giờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là 11 giờ 30 phút. Nghĩa là cả hai cách ghi đều… đúng!

Nói thêm, thực ra số “time zone” (múi giờ) trên Trái Đất hiện không còn là 24 nữa, bởi lẽ do nhu cầu địa phương hóa đã phát sinh các giờ lẻ (tạm gọi là như vậy) như GMT+04:30, GMT+05:30, GMT+05:45…

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.