* Trong năm Bính Thân này, tôi thấy một số nơi trưng bày một lúc cả ba chú khỉ: một chú bịt mắt, một chú bịt tai, một chút bịt miệng. Xin cho biết hình tượng này bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào? (Đinh Ngọc Quang, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Hình tượng 3 chú khỉ “ba không”. (Nguồn Internet) |
- Hình tượng ba chú khỉ “không nghe, không thấy, không nói” đã được tác giả bài “Khỉ trong tác phẩm nghệ thuật” đăng trên Báo Đà Nẵng xuân 2016 giải thích là ba nhân vật của một bức tranh có tựa đề “Ba con khỉ khôn ngoan” minh họa câu tục ngữ “Thấy không xấu xa, nghe không ác ý, nói không khắc nghiệt” xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1912 qua hình thức bưu thiếp vẽ tay.
Theo bài đã dẫn, xuất xứ của câu tục ngữ bằng hình ảnh này là một bản khắc từ thế kỷ XVII, trên một cánh cửa của ngôi đền Toshogu nổi tiếng ở Nikko, Nhật Bản, do nghệ nhân Hidari Jingoro thực hiện. Câu tục ngữ mang ý nghĩa khác nhau được quy cho những con khỉ - bao gồm sự liên hợp giữa lời nói, hành động và tâm trí để tạo nên một phẩm chất tốt.
Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu khác, hình tượng 3 chú khỉ “ba không” này có “niên đại” xa hơn, từ vài ngàn năm trước. Bấy giờ ở Ấn Độ có tượng một vị thần tên là Vajrakilaya, thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Tượng mang một triết lý sâu xa là ngầm răn dạy con người: Không xem nhìn điều xấu, không nghe điều xấu và không nói điều xấu.
Triết lý này du nhập vào đất nước Trung Hoa và chịu ảnh hưởng tư tưởng của Đức Khổng Tử trong sách Luận Ngữ. Khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: “Phi lễ vật thi, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là “Không (phải) lễ không làm, không (phải) lễ không nghe, không (phải) lễ không nói, không (phải) lễ không dùng”.
Đến khoảng thế kỷ VIII đời nhà Đường, một thiền sư người Nhật trong chuyến Phật sự qua Trung Hoa, đã mang theo về xứ Phù Tang tư tưởng này. Hiện nay ở thành phố Nikko thuộc quận Tochigi, phía bắc tỉnh Kanto, có đền đài Nikko Toshogu nguy nga nhất Nhật Bản, được dựng lên để phong thần và tưởng niệm người cha đẻ của triều đại Edo.
Trên diềm mái của một chuồng ngựa trong khuôn viên ngôi đền còn lưu giữ 8 bức điêu khắc về khỉ. Trong đó có một tấm khắc 3 con khỉ (sansaru) thể hiện lời răn dạy theo triết giáo nhà Phật: “Mizaru, Iwazru, Kikazaru”. Thành ngữ này được người Mỹ dịch là “See no evil, Speak no evil, Hear no evil”, nghĩa là “Đừng xem điều xấu, đừng nói điều xấu, đừng nghe điều xấu”.
Vì trong tiếng Nhật zaru có nghĩa là “điều xấu” lại đồng âm với saru nghĩa là con khỉ nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt mắt, bịt miệng, bịt tai, với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. Ngoài ra, người Nhật còn gửi gắm qua hình tượng “Ba con khỉ khôn ngoan” này một hàm ý sâu xa hơn: Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói.
Ngày nay, hình tượng ba chú khỉ (sansaru) với ý nghĩa nói trên, ngoài giá trị là một vật phẩm phong thủy, còn nhắc đến một phép thiền của nhà Phật để “hóa giải” một “điều không được đẹp” có tên là “Tâm viên ý mã” (tâm như con vượn/khỉ nhảy nhót trên cây, ý như con ngựa chạy rong ngoài đồng). Đó là cách thư giãn, tĩnh tại giúp con người bình tâm và định ý, không để cho ngoại cảnh tác động lên người mình và gây ra những điều không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
ĐNCT