Xứ Trèm Trẹm

.

* Tôi nghe nội tôi nói ở vùng tả ngạn sông Hàn Đà Nẵng có một xứ đất có tên gọi là Trèm Trẹm. Hỏi, thì nội bảo không biết tên gọi này nghĩa là gì. Rất mong quý báo giải thích giùm. (Hoàng Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).

Vùng đất phía tây cầu Thuận Phước ngày trước thuộc xứ Trèm Trẹm. Ảnh: V.T.L
Vùng đất phía tây cầu Thuận Phước ngày trước thuộc xứ Trèm Trẹm. Ảnh: V.T.L

- Trèm Trẹm là tên gọi của một trong 6 xứ đất Hàn ngày xưa, được nhà nghiên cứu sử học Võ Văn Dật liệt kê ở các trang 36-37 cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306 – 1975)” (NXB Nam Việt, CA, 2007).

Theo đó, hữu ngạn sông Hàn có xứ Bà Thân (một trong các tiền hiền làng An Hải), bao trọn làng An Hải ngày nay. 5 xứ còn lại ở tả ngạn, gồm: xứ Bàu Lác (xưa có nhiều cỏ lác, nay thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê); xứ Rẫy Cu (xưa là vùng có nhiều lùm bụi, nơi lý tưởng cho loài chim cu đất sinh sống và là nơi hội tụ các tay say mê trò gác cu, nay thuộc địa phận các phường Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây), xứ Giếng Bộng (nơi đây có một giếng nước ngọt mát thuộc làng Nại Hiên xưa, nay thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu), xứ Trèm Trẹm (hay gọi tắt là Trẹm, thuộc các phường Thiệu Bình, Thạch Thang), xứ Đà Nẵng, là vùng trung tâm thành phố ngày nay, phần lớn nằm trên địa bàn các phường Hải Châu 1, Hải Châu 2.

Địa danh Thiệu Bình, theo Cổng thông tin điện tử phường Thuận Phước (thuanphuoc.danang.gov.vn), là tên gọi một khu phố được hình thành sau năm 1955, tiền thân của phường Thuận Phước ngày nay. Còn Trèm Trẹm hay Trẹm thì tác giả Võ Văn Dật trong sách đã dẫn cũng “không rõ vì sao lại có tên đó”.

Trẹm, Trèm Trẹm là địa danh thường thấy xuất hiện ở Trung Bộ và Nam Bộ. Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau (camau.gov.vn) có mô tả một con sông có tên là sông Trẹm (hay sông Trèm Trẹm) đi qua địa bàn tỉnh: “là một con sông dài khoảng 42km, bắt nguồn từ ngã ba kênh Tân Bằng – Cán Gáo chảy về đến ngã ba sông Ông Đốc, ngang qua huyện Thới Bình. Sông Trẹm uốn lượn như một dải lụa giữa rừng U Minh. Sông Trẹm có độ sâu trung bình 3 – 4m, chiều rộng từ 80 đến 100 mét, có màu nước thay đổi theo mùa. Đặc biệt mùa mưa, nước sông màu nâu sẫm của màu nước dớn rừng tràm từ các con kênh rạch đổ ra. Trong lưu vực sông Trẹm có khu du lịch sinh thái đặc trưng của rừng tràm U Minh. Rừng ở đây có trên 300 loài thực vật và động vật rất phong phú”.

Phải chăng do nước sông có “màu nâu sẫm của màu nước dớn rừng tràm” mà sông Trẹm còn có tài liệu ghi là sông Tràm Trẹm?

Nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa, trong bài “Thử giải mã một số địa danh Việt Nam” đăng trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 940, ngày 20-9-2016, còn kể thêm một số địa danh có yếu tố Trẹm nữa, như Trẹm là mỏm đá nhô ra biển ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (thường gọi là hòn Trẹm), La Khê Trẹm là một làng ở tỉnh Thừa Thiên Huế...

Lê Trung Hoa viết: “Có người đoán Trẹm gốc Chăm, nhưng chưa biết nghĩa”. Riêng ông thì nghĩ khác: “Tiếng Việt trong các thế kỷ vừa qua có một hiện tượng biến âm đáng chú ý. Một số từ ở thế kỷ 17 mang tổ hợp phụ âm đầu tl-, sau đó hoặc rụng phụ âm t, hoặc biến âm từ l sang r: tlánh => tránh/ lánh; tle => tre/ le; tleo => trèo/ leo; tlên => trên/ lên; tlêu => trêu/ lêu (lêu lêu); tlọn => trọn/ lọn; … Vì vậy, trẹm có lẽ là một dạng khác của lẹm, và cả hai dạng có cùng một tiền thân là tlẹm nghĩa là “có chỗ bị lõm, bị khuyết vào, không đầy đặn như thường”. Áp dụng nghĩa này vào các địa danh trên, ta có thể hiểu:
Bãi Trẹm, hòn Trẹm, sông Trẹm, làng La Khê Trẹm là bãi cát, mỏm đá, con sông, ngôi làng có chỗ bị lõm, khuyết vào, không đầy đặn như bình thường. Còn Trèm Trẹm chỉ là dạng láy và dị hóa thanh điệu của Trẹm mà thôi”.

Nói thêm, sông Trẹm đi qua hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang là bối cảnh để nhà văn Dương Hà viết nên tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” (năm 1952), ghi lại chuyện tình của Triệu Vĩ và Mỹ Lan bên dòng sông cắt chia vùng châu thổ thành U Minh Thượng và U Minh Hạ. Họ yêu nhau nhưng bị mẹ của Triệu Vỹ ngăn cản với lý do không môn đăng hộ đối... Sau năm 1975, “Bên dòng sông Trẹm” được đạo diễn Lê Dân dựng thành phim với tựa “Định mệnh” và được NXB Thanh Niên cho tái bản thành 2 tập.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.