Xem bói đầu năm

.

* Xin quý báo nói về các cách xem bói dân gian đầu năm ở nước ta. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng có cách xem bói nào riêng không? (Trần Huy Hoàng, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Đầu năm mà “bắt” được con “Nhứt Trò” (trên cùng, bên trái), theo dân gian, là năm đó làm gì cũng khó. Ảnh: V.T.L
Đầu năm mà “bắt” được con “Nhứt Trò” (trên cùng, bên trái), theo dân gian, là năm đó làm gì cũng khó. Ảnh: V.T.L

- Trong các cách bói đầu năm thì bói Kiều là phổ biến trên cả nước, được nhà nghiên cứu Phan Kế Bính (1875 - 1921) giải thích trong cuốn Việt Nam phong tục của ông: “Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy Kiều, Kim Trọng xin cho mấy câu dòng nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thứ mấy ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi, nhưng cũng nhiều khi nhiều người cho là nghiệm”.

Tuy là bói chơi nhưng nhiều khi linh nghiệm, như chuyện được tác giả Ðặng Minh Phương trích trong hồi ký của các cụ Trần Trọng Kim, Phạm Khắc Hòe và nhật ký của cụ Lê Văn Hiến như sau:

Năm 1944, quân Nhật ở Việt Nam sợ các ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân, Đặng Văn Ký có thể bị Pháp bắt nên chuyển các ông này qua Singapore. Tại đây, đời sống quá kham khổ nên sau một thời gian các ông muốn trở về nước. Ông Dương Bá Trạc nói: “Tôi thường không tin bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều hay lắm. Khi xưa tôi đi thi Hương, bói một quẻ biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau bị đày ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, mấy ngày sau quả là được về thật”. Ông Trần Trọng Kim nói: “Vậy bây giờ ông thử bói một quẻ xem.” Sáng hôm sau, ông Dương Bá Trạc nói: “Chúng ta sắp được về. Tôi bói Kiều được hai câu này: Việc nhà đã tạm thong dong/ Tịnh kỳ giục giã đã mong độ về. Theo ý đó chúng ta sắp được về.”

Ít lâu sau các ông đều được về nước. Riêng ông Dương Bá Trạc, chẳng may bị bệnh nặng, nên qua đời ở Singapore.

Sau bói Kiều là bói Tuồng, chủ yếu vào ngày Tết và ở nông thôn Việt Nam. Đi xem tuồng hát bội, nhưng người ta không vào rạp ngay từ đầu, mà vào giữa chừng, để suy đoán vận hạn hên xui trong năm, tùy cảnh ngộ vui buồn đang diễn ra trên sân khấu.

Theo tác giả Đặng Tiến trong bài “Ngày xuân nói tuồng hát bội” đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 22-2-2014, trên lý thuyết, niên hạn sẽ may mắn nếu gặp cảnh trung quân thắng nịnh thần, cảnh hạnh ngộ đoàn viên, cảnh hề trào lộng; ngược lại vận hạn xấu nếu gặp phải lớp người trung mắc nạn, tử biệt sinh ly... Vì thế, vào rạp mà gặp người trung mặt đỏ đôi tròng bạc là may, ngược lại, gặp đứa nịnh râu đen mấy sợi còi là rủi.

Ngày Tết, các gánh hát cũng chọn tuồng thích ứng, buồn ít vui nhiều. Tác giả dẫn lời cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân kể lại rằng: Việc chọn tuồng cẩn thận, tránh những tuồng có quá nhiều nhân vật hay cảnh tượng xui xẻo.

Đầu năm, rủ nhau đi chùa, xin chữ, hái lộc... Có chậm lắm cũng chỉ trong tháng Giêng, dân gian có lệ bói bài đầu năm, trong đó phổ biến nhất ở xứ Quảng là bói bài Chòi, còn gọi là bài trùng. Xào bài xong, úp xuống chiếu, trai thì dùng tay trái (nam tả), nữ tay mặt (nữ hữu) lật lên nhiều nhất 3 con, căn cứ vào đó mà đoán “vận mệnh” cho cả năm.

Cụ Phan Nghệ, một trong những người am hiểu về loại bài cổ truyền này ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, đưa ra ví dụ. Như lật được con Trò (Nhứt Trò) thì năm đó làm gì cũng khó, bởi câu thai cho quân bài này là: “Đi đâu cắp sách đi hoài/ Cử nhân chẳng thấy, tú tài cũng không”. Con Quăng (Tam Quăng) thì ngược lại, có nhiều cơ hội thành công hơn: “Em thương anh, cha mẹ cũng phải theo/ Chiếc ghe buồm đang chạy, quăng neo cũng phải ngừng”.

Ngoài ra, ngày xuân chơi “bầu cua” cũng là một thú vui sau lũy tre làng. Kể cho đủ, phải đến sáu vật trên sáu mặt của khối lập phương: bầu, cua, tôm, cá, gà, nai. Mỗi vật một nết riêng, người ta dựa vào đó mà hình thành một cách bói dân gian, gọi là “bói bầu cua”. Ví như con bầu là sẽ có con hoặc cháu. Con cua: công danh sự nghiệp giẫm chân tại chỗ (ngang như cua)…

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.