Lời chúc phúc mừng đám cưới

.

* Ghi lời chúc phúc mừng đôi trẻ làm đám cưới, có người nói nên ghi “bách niên giai lão”, có người lại bảo “bạch đầu giai lão”, người kia thì cho rằng “bách niên hảo hợp”. Xin cho biết, các thành ngữ này nghĩa như thế nào? (Lê Thị Hằng, Hải Châu, Đà Nẵng).

Tranh “Bách niên hảo hợp” chúc phúc lứa đôi. Nguồn: Internet
Tranh “Bách niên hảo hợp” chúc phúc lứa đôi. Nguồn: Internet

- Trong 3 thành ngữ nói trên, “bách niên giai lão” [百年皆老] (trăm năm đều già, trăm năm sống đời với nhau) có “tuổi đời” cao nhất. Đây là thành ngữ thường dùng làm lời chúc vợ chồng mới cưới.

Trong tiếng Hán, “giai lão” xuất hiện từ bộ Kinh Thi - một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo, được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (thế kỷ XI-771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (771-476 TCN). Trong bài Kích cổ 4 (Đánh trống 4), thiên Bội phong của sách này có câu: “Tử sinh khiết thoát,/ Dữ tử thành thuyết./ Chấp tử chi thủ,/ Dữ tử giai lão”. Dịch nghĩa: Chết sống hay xa cách,/ Đã cùng nàng thành lời thề ước./ Ta nắm tay nàng,/ (Hẹn ước) sẽ sống chung với nhau đến tuổi già. Tạ Quang Phát dịch thơ: Lúc tử sinh hay khi cách biệt,/ Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi./ Cầm tay nàng, hẹn mấy lời:/ Sống bên nhau mãi đến hồi già nua.

Về thành ngữ “bách niên giai lão”, Từ điển Hán Việt trích dẫn giảng “chúc tụng vợ chồng hòa mục trăm năm cùng già” và dẫn một câu trích từ hồi thứ 21 sách Nho lâm ngoại sử (hay còn gọi là Truyện làng nho, tiểu thuyết chương hồi của Ngô Kính Tử thời nhà Thanh, Trung Hoa - ĐNCT): “Chỉ nguyện nhĩ môn phu thê bách niên giai lão, đa tử đa tôn” (Chỉ mong tình nghĩa chồng vợ bách niên giai lão, đông con nhiều cháu).

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều dùng từ “bách niên” (trăm năm) để nói về tình nghĩa vợ chồng bền chặt, dài lâu: “Chữ đồng lấy đấy làm ghi/ Mượn điều thất tịch mà thề bách niên” (thất tịch: đêm mồng 7 tháng 7 âm lịch, theo truyền thuyết Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau).

Trong truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa (một truyện thơ Nôm khuyết danh, xuất hiện trong khoảng thế kỷ XVIII), có lời Phạm Tải nói với Ngọc Hoa: “Tưởng là vẹn đạo xướng tùy/ Cho nên vàng đá trót thề bách niên”.

Để mừng tân lang và tân giai nhân trong ngày họ thành thân, người ta dùng nhiều câu chúc rất tinh tế như: Nhị tính liên hôn thành đại lễ/ Bách niên giai lão lạc trường xuân (Hai họ thông gia thành lễ lớn/ Trăm năm lên lão kéo dài xuân); Bạch đầu giai lão/ Vĩnh kết đồng tâm (Đầu bạc cùng già/ Đồng tâm kết mãi)…

Ngoài ra, còn có một thành ngữ tương tự là “bách niên hảo hợp (hiệp)” hoặc “bách niên hòa hiệp” (trăm năm sống với nhau tốt đẹp, hòa thuận).

“Bách niên hảo hợp” được gọi tắt thành bách hợp. Bách hợp cũng là cách gọi khác của loài hoa có tên hoa Lily (còn gọi là hoa Ly, hoa Loa kèn) - được xem là một trong những loài hoa được yêu thích nhất trên thế giới, tượng trưng cho hạnh phúc và nét thanh khiết.

Tại mỗi nền văn hóa khác nhau, Lily cũng có ý nghĩa khác nhau. Trong nền văn minh Assyria, hoa Lily được xem là hoa thánh. Thần thoại Hy Lạp lại cho rằng hoa ly là biểu tượng cho tình mẫu tử. Người Công giáo tin rằng, loài hoa này đại diện cho lòng trinh bạch, sự ngây thơ. Người Trung Quốc tin rằng, hoa ly mang đến may mắn (đặc biệt là phong thủy). Vì cái tên bách hợp (trong “Bách niên hảo hợp” - trăm năm hạnh phúc hòa hợp) nên hoa ly hay được dùng trong các đám cưới của người Trung Quốc.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.