"Cha đẻ" cầu Long Biên

.

* Xin cho hỏi, kỹ sư Pháp Eiffel có phải là “cha đẻ” của cầu Long Biên (Hà Nội)? (Nguyễn Hoàn Mỹ, Thanh Khê, Đà Nẵng)

- Không ít người nhầm lẫn khi cho rằng “cha đẻ” của cầu Long Biên là kỹ sư lừng danh người Pháp Gustave Eiffel. Thực ra, người để lại công trình có tuổi hơn thế kỷ này là Paul Doumer (1857-1932) - Toàn quyền Đông Dương thời Việt Nam thuộc Pháp.

Hình cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) được đăng trên báo Le Gesnie Civil ngày 3-4-1909 (ảnh trên) và tấm biển kim loại có khắc chữ tồn tại đến ngày nay: “1899-1902 - Daydé & Pillé-Paris”.  Nguồn: Internet
Hình cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) được đăng trên báo Le Gesnie Civil ngày 3-4-1909 và tấm biển kim loại có khắc chữ tồn tại đến ngày nay: “1899-1902 - Daydé & Pillé-Paris”. Nguồn: Internet

Paul Doumer sinh ra trong một gia đình lao động bình thường tại Pháp, nhưng với nỗ lực phi thường, ông trở thành luật gia và trở thành Toàn quyền Đông Dương ở tuổi 39. Trong thời gian cai quản tại Đông Dương, ông đã để lại không ít công trình bất hủ, trong đó phải kể đến 3 cây cầu sắt: cầu Long Biên ở Hà Nội (ban đầu có tên gọi là cầu Paul Doumer), cầu Trường Tiền ở Huế và cầu Bình Lợi ở Sài Gòn.

Trở lại với câu hỏi ai là người thiết kế cầu Long Biên, một số phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam cho rằng đó là kiến trúc sư Gustave Eiffel. Gần 20 năm trước, có lần trong một cuộc thi trên truyền hình, đáp án cho câu hỏi “Ai là tác giả thiết kế cầu Long Biên?” cho rằng đó là Gustave Eiffel. Đây là điều nhầm lẫn.

Ngày 20-8-2008, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I trong mục Thư trao đổi của Báo Thể thao & Văn hóa số 233 đã có bài khẳng định “Cầu Long Biên không phải do hãng Eiffel thiết kế” của tác giả Nguyễn Thu Hằng. Theo đó, cầu Long Biên không phải là công trình do “người cha đẻ” của tháp Eiffel là kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế mà chính là do Hãng Daydé & Pillé, hãng đã thi công cây cầu này. (Hãng Eiffel, lúc đó mang tên Levallois - Perret cũng tham gia đấu thầu nhưng không được chọn. Chỉ đến năm 1938, hãng Eiffel mới được chọn để thực hiện hợp đồng gia cố thêm các thanh dầm nhằm nâng tải trọng của cầu).

Một năm sau, ngày 17-10-2009, tác giả Lê Huy Tuấn (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) trong bài viết “Lại phải nói về tác giả thiết kế cầu Long Biên” đăng trên Báo Thể thao & Văn hóa cho biết thêm, trong các bản vẽ thiết kế cầu Long Biên của Daydé & Pillé hiện được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I có các chữ ký gốc của các kỹ sư của Daydé & Pillé và chữ ký gốc phê duyệt bản vẽ của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, không có chữ ký nào là của Eiffel.  

Tác giả Lê Huy Tuấn nhận định: “Không thể thấy cây cầu được làm bằng thép, cũng có những nhịp mái vươn cao tuơng tự kiểu tháp Eiffel mà cho rằng do ông G. Eiffel thiết kế. Nên biết rằng ở Pháp, từ giữa thế kỷ XIX, công nghệ xây dựng các công trình bằng thép đã có những bước phát triển mạnh mẽ và không chỉ có một mình ông G. Eiffel là kỹ sư - chuyên gia duy nhất về lĩnh vực này”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.