Xe kéo, xích lô và taxi

.

* Các phương tiện xe kéo, xích lô, taxi xuất hiện ở Việt Nam lúc nào và phát triển ra sao? (Nguyễn Ngọc Trung, Hải Châu, Đà Nẵng)

- Có thể nói 3 loại xe kéo, xích lô và taxi thể hiện quá trình phát triển của phương tiện đi lại ở Việt Nam trong suốt thế kỷ qua.

Người phu bên chiếc xe tay.(Nguồn: Internet)
Người phu bên chiếc xe tay.(Nguồn: Internet)

Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng xe kéo (còn gọi là xe tay) là một loại phương tiện vận tải bằng sức người, tồn tại trong lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX.

Ngày đó, mỗi lần xe kéo chạy qua một đoạn phố là tạo nên cảnh huyên náo. Mọi người xung quanh đều hiếu kỳ nhìn theo vì ngồi trên xe thường là quan lớn hoặc người nhà giàu, những người Pháp... Khi chạy nhanh, phu xe vừa phải chạy vừa phải kêu to để những người phía trước tránh đường.

Vào thời gian xe kéo thịnh hành ở Hà Nội, Sài Gòn và một vài đô thị lớn khác (sau chiến tranh Thế giới thứ nhất 1914-1918), phu kéo xe là một nghề, giống như nghề đạp xích lô hay lái taxi bây giờ. Thường thì mỗi chiếc xe kéo sẽ do một phu xe kéo. Thỉnh thoảng, có thêm hai người phụ đẩy phía sau.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, thời đó, người Pháp quản lý loại hình phương tiện này rất chặt, họ quy định mật độ hợp lý trên cơ sở một đô thị rộng bao nhiêu, có bao nhiêu km đường bộ, để từ đó đưa ra số lượng xe kéo được lưu hành tương ứng với quy định về diện tích mặt đường.

Ngoài ra, phía Pháp cũng cho các công ty đấu thầu xe kéo, gần giống với các hãng taxi thịnh hành hiện nay và thông qua đó Nhà nước có thể thu thuế. Tuy nhiên, sau năm 1945, theo chính sách mới của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, loại hình phương tiện vận tải này không tồn tại.

Xích lô là hình thức phát triển cao hơn của xe kéo. Theo ông Dương Trung Quốc, xích lô xuất hiện sớm nhất ở Sài Gòn vào năm 1934-1935, dần thay thế cho các phương tiện giao thông nội đô, cùng với các loại hình khác như tàu điện, ô-tô, xe đạp.

Một chiếc taxi “con cóc” được phục dựng với biển số đăng ký TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Internet)
Một chiếc taxi “con cóc” được phục dựng với biển số đăng ký TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Internet)

Taxi xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 60 thế kỷ 20. Trang zing.vn, trong một bài viết năm 2014 đã dẫn lời cụ Trần Mẫn (năm đó 79 tuổi), một dân gốc Sài Gòn chính hiệu, rằng những năm 1960-1970, đường phố Sài Gòn tràn ngập loại xe taxi cóc có màu xanh dương và màu vàng kem, ngày đó chỉ có những người giàu có mới sử dụng phương tiện này, vì giá cũng khá đắt đỏ.

Gọi “taxi con cóc”, bởi taxi lúc đó khá nhỏ và có kiểu dáng như con cóc. Taxi “con cóc” thời đó đặc trưng nhất là những chiếc mang tên Renault 4CV, do Pháp sản xuất đại trà từ năm 1947. Những chiếc taxi thời kỳ này phần lớn là của tư nhân nhập từ Pháp về, sau đó được đăng ký và cấp phát số hiệu. Số hiệu được in lớn hai bên cửa, khách muốn đi taxi phải ra đường chờ xe chạy ngang qua rồi vẫy tay để gọi, hoặc ra tận những nơi đậu xe.

Đi taxi thời bấy giờ chỉ tính tiền km, không tính tiền chờ như hiện nay. Lúc đó, bến Bạch Đằng (Sài Gòn) là điểm đậu rất nhiều taxi, thời đó taxi không được trang bị bộ đàm, không có tổng đài như bây giờ, nên phải chạy lòng vòng để đón khách. Hằng đêm, tài xế taxi hay đậu xe gần các rạp hát cải lương để đón khách.

Một thời các loại xe kéo, xích lô, taxi (nhất là xe kéo) chỉ dành cho nhà giàu và quan lại. Dần dà, xe kéo trở thành chuyện của ngày hôm qua, thay vào đó là xích lô rồi taxi. Thời gian đầu các loại phương tiện đi lại này không nhiều nên giới bình dân ít ai dám bỏ tiền đi một chuyến. Giờ thì taxi đã quá phổ biến, chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là tích tắc dăm phút sau có ngay chiếc xe đẹp cùng với tài xế tươi cười chào đón!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.