Cửa sổ tri thức

Mắt xanh, mắt trắng

09:24, 19/07/2020 (GMT+7)

* Lâu nay tôi nghe nói theo cách của người xưa, “mắt xanh” chỉ sự bằng lòng với một ai đó. Gần đây mới biết còn có “mắt trắng” chỉ sự ngược lại. Xin cho biết xuất phát của hai từ này. (Mỹ Vân, Hòa Vang,
Đà Nẵng)

Tranh minh họa Từ Hải gặp Kiều: Bấy lâu nghe tiếng má đào,/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không? Nguồn: Internet
Tranh minh họa Từ Hải gặp Kiều: Bấy lâu nghe tiếng má đào,/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không? Nguồn: Internet

- Mắt xanh, mắt trắng theo thứ tự do chữ thanh nhãn, bạch nhãn gốc chữ Hán. Cuốn Điển hay Tích lạ của tác giả Nguyễn Tử Quang (NXB Văn hóa Thông tin, 2010), ở mục “Mắt xanh, mắt trắng” kể câu chuyện khá lý thú về nguồn gốc hai từ này.

Nguyễn Nguyên Tịch (thường được gọi là Nguyễn Tịch), người đời nhà Tấn (Trung Hoa), là người rất mê uống rượu và chơi đàn. Đang làm quan, ông cáo bệnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người đời thường gọi là “Trúc lâm thất hiền” (Bảy người hiền ở rừng trúc).

Nghe nói trong bộ Binh có người làm bếp cất rượu rất ngon, trữ 300 hũ mỹ tửu, ông liền xin vào làm một chức nhỏ ở đây để được thưởng thức. Có lần ông say luôn 60 ngày, vua Tấn muốn nói chuyện với ông mà không được. Người ta cho ông là “cuồng túy”.

Ông là người chán đời, thích tiêu diêu trong vũ trụ. Thơ của ông phần nhiều tả tình, hoặc than cho thói đời đen bạc, hoặc chán cho thế sự thăng trầm, hoặc ngao ngán cảnh phú quý công danh như phù vân... Tư tưởng của ông có lúc lại kỳ dị.

Nguyễn Tịch lại có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng mắt trắng.

Do điển tích này, người đời sau nói “lọt mắt xanh” là được ai đó bằng lòng, vừa ý. “Mắt trắng” chỉ điều ngược lại. Thực tế, mắt trắng cũng không phải là điều đáng được ưa thích vì người ta hay nói “mắt đen lay láy” là để khen mắt đẹp, còn “mắt trắng dã” là để chê.

Trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của cụ Nguyễn Du, lúc gặp Kiều ở thanh lâu, Từ Hải nói với Kiều, có câu: Bấy lâu nghe tiếng má đào,/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không? là ý muốn hỏi: Nàng chưa thấy ai là người vừa ý phải không? Tức là nàng chưa tiếp ai bằng mắt xanh.

Mắt xanh, mắt trắng cũng được Hy Văn tiên sinh Nguyễn Công Trứ nhắc đến một đoạn trong bài hát nói có tựa là Đời đáng chán: Đời đáng chán hay không đáng chán/ Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm/ Giá khuynh thành nhất tiếu thiên kim/ Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục.

Chữ Hán có thành ngữ “Thanh nhãn nan phùng”, nghĩa là mắt xanh khó gặp; ý nói: Rất khó gặp bạn tri âm tri kỷ.

ĐNCT

.