Vườn hoa Diên Hồng

.

* Tôi nghe các bạn sinh viên nói rằng ngày trước ở Đà Nẵng có một nơi gọi là “Vườn hoa Diên Hồng”, xin hỏi vườn hoa này từng tọa lạc ở đâu và có giống Vườn hoa Diên Hồng ở Hà Nội? (Nguyễn Hoài Hương, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng)

- Vườn hoa Diên Hồng ở Đà Nẵng còn có tên gọi dân gian là Vườn hoa Con Gà. Ngày nay, ít ai biết vì sao lại có các tên gọi như thế. Nhà nghiên cứu sử học Võ Văn Dật trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), NXB Nam Việt, CA, 2007, cho biết nhiều thông tin lý thú về điều này ở các trang 230, 231.

Theo đó, sau khi Tourane (Đà Nẵng) được lập thành nhượng địa Pháp, người Pháp cho xây dựng Công trường Con Gà, đây là khu đất giới hạn bởi 4 tuyến đường: Đồng Khánh (nay là tuyến đường Hùng Vương), Guillemin (sau năm 1955 đổi thành Nguyễn Tri Phương, nay là tuyến đường Nguyễn Chí Thanh), Guyemer (nay là tuyến đường Phạm Hồng Thái), đường Galliéni (nay là tuyến đường Yên Bái).

Một đường chữ T chia khu đất trên thành 3 ô, trồng cây cao bóng mát. Ở chính giữa là một đài kỷ niệm lính Việt tòng chinh qua Pháp và chết trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Trên đỉnh đài có một cột thu lôi mà phần trên cùng là một con gà trống bằng đồng, đó là Coq Gaulois - biểu tượng của nước Pháp. Vì thế, người Việt ở Đà Nẵng bấy giờ gọi là Công trường Con Gà hay Tháp Con Gà (Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng gần đó cũng được gọi là nhà thờ Con Gà vì trên nóc nhà thờ cũng có cột thu lôi như vậy).

Một trong 4 chú cóc ở Vườn hoa Diên Hồng - Hà Nội. Ảnh: Sưu tầm
Một trong 4 chú cóc ở Vườn hoa Diên Hồng - Hà Nội. Ảnh: Sưu tầm

Đối diện Công trường Con Gà, tức phía bên kia đường Đồng Khánh (về sau là tuyến đường Hùng Vương) là một trại giam tù, thường được gọi là Bót Con Gà, nơi giam giữ từ tù chính trị đến hình sự.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tháp Con Gà bị phá dỡ. Sau năm 1954, do nhiều cuộc mít-tinh tập trung đông đảo đồng bào được tổ chức tại Vườn hoa Con Gà, nên chính quyền đặt tên chính thức là Vườn hoa Diên Hồng, dù ở đây tịnh không có một bông hoa nào.

Năm 1957, chính quyền thị xã Đà Nẵng cho xây dựng tại đây hai dãy nhà dài chạy dọc theo đường Đồng Khánh (nay là Hùng Vương) làm chợ và bến xe cùng mang tên Vườn hoa Diên Hồng. Xe đò ở bến xe chuyên chạy hai tuyến Sơn Chà (tức Sơn Trà ngày nay) và Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn ngày nay).

Chợ Vườn hoa Diên Hồng giờ không còn, khu đất xưa sau bao lần chỉnh trang đô thị đã được Đà Nẵng xây dựng một công viên với bề ngang hẹp hơn trước, giới hạn từ đường Nguyễn Thái Học đến giáp đường Hùng Vương.

Ở Hà Nội cũng có Vườn hoa Diên Hồng với tên gọi dân gian là Vườn hoa Con Cóc, nằm trên phố Ngô Quyền, ở khu trung tâm quận Hoàn Kiếm. Gọi thế, vì ở đây có 4 con cóc đúc bằng gang phun nước.
Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, năm 1897, người Pháp đã mở các cuộc tuyển chọn các bản vẽ thiết kế để xây dựng công trình đài tưởng niệm phó Toàn quyền Đông Dương Léon Jean Laurent Chavassieux (1848-1895) trên chính phần mộ của ông ở nghĩa trang cũ của Hà Nội, với tổng kinh phí dự tính là 3.250 đồng. Vì thế, công trình được gọi là Vườn hoa Chavassieux. Sau năm 1945, vườn hoa được đổi tên thành Vườn hoa Diên Hồng.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.