Cửa sổ Tri thức

Phòng, chống tham nhũng thời phong kiến

.

* Chế độ phong kiến Việt Nam đã ban hành những luật lệ nào nhằm răn đe, trừng trị những kẻ tham nhũng, cửa quyền, hống hách? (Nguyễn Tư, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Thời phong kiến ở nước ta, nhiều vị vua đã định ra các nguyên tắc nhằm “trong sạch hóa” đội ngũ quan viên các cấp, bất kể là quan “cao cấp” ở triều đình hay người giữ chức nhỏ nhất ở địa phương.
Theo bài viết Phòng, chống tham nhũng: Những bài học lịch sử và hành động của chúng ta hôm nay đăng trên Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương (tuyengiao.vn), nhà nước quân chủ đầu tiên ở nước ta đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa, trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công là triều Lý (1009-1225).

Năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông, nhà vua ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình Thư. Bộ luật này hiện không lưu giữ được. Tuy nhiên, qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, cùng với các tội về “thập ác”, tội tham nhũng được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc.

Nhà Lý quy định, đối với việc thu thuế, các quan nha, thư lại ở lĩnh vực này trong mười phần phải đóng vào kho triều đình, họ được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Người nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Đối với Khố ty thu thuế lụa, nếu “ăn lụa” của dân thì cứ mỗi thước lụa bị phạt 100 trượng; “ăn” một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm.

Đến triều Lê sơ, Lê Thánh Tông - vị vua anh minh, tài giỏi, đã xây dựng và thực thi bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) gồm 722 điều, bao quát nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau mà ngày nay gọi là Luật hình sự, Luật dân sự, Luật tố tụng, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hành chính...

Dưới triều Lê, việc chống tham nhũng được coi trọng. Mặt khác, việc chiêu mộ, sử dụng bậc hiền tài, trong sạch được đề cao. Khi quan lại đã tham ô, việc định tội không phân biệt giàu nghèo, chức to hay chức nhỏ. Nhờ đó, người tốt có chỗ dựa, được tin dùng; bọn tham quan, kẻ xấu xa khó tìm đất sống; nạn tham nhũng bị đẩy lùi, muôn việc đều hanh thông, tươi tốt.

Luật này còn có một số quy định cần thiết và khá cụ thể như quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi.

Đến triều Nguyễn, bên cạnh những hạn chế nhất định do hoàn cảnh lịch sử, nhà Nguyễn cũng đạt được những thành tựu khá quan trọng về xây dựng bộ máy và tăng cường kỷ cương phép nước. Nổi bật là việc xây dựng và thực thi bộ luật Gia Long (ban hành năm 1815), có 17 quyển quy định riêng về

Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này.
Vua Minh Mạng (1820-1840) nổi tiếng nghiêm khắc và kiên quyết trừng trị nạn tham nhũng, bất kể là ai, giữ chức vụ gì, có quan hệ thế nào với nhà vua. Sách Đại Nam thực lục chép, năm 1823, viên lại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát giác.

Theo luật quy định, tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây Diệm có một số công trạng nên Bộ Hình giảm xuống, bắt đi đày viễn xứ. Tuy nhiên, vua Minh Mạng không chấp nhận đề nghị của Bộ Hình, vua ra lệnh chém đầu Diệm trước chợ Đông Ba để mọi người thấy khiếp hãi mà sửa mình.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.