Hội đồng kỳ mục

.

* Nhiều tài liệu, sách báo khi nói đến lực lượng phản cách mạng trước năm 1975 thường dùng các cụm từ “bọn tề”, “bọn tề ngụy”, “bọn tề điệp”... “Tề” ở đây  nghĩa là gì? Cơ cấu tổ chức ra sao? (Trương Mạnh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)

- “Tề” ở đây là viết tắt của cụm từ “Ban hội tề” (cũng viết là “Bàn hội tề”), một tổ chức điều hành tại cấp làng trước kia trên địa bàn các tỉnh Nam Kỳ, do Nghị định ngày 27-8-1904 của Toàn quyền Đông Dương quy định.

Phần phụ lục của Từ điển Địa chí Bạc Liêu (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010) nêu 2 mục từ “Bàn hội tề làng” và “Bàn hội tề phường”. Theo đó, “Bàn hội tề làng” gồm: Hương cả làm Chủ tịch; Hương chủ làm Phó Chủ tịch, các hội viên làm hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương quản, thủ bộ, hương thân, lý trưởng, hương hào. “Bàn hội tề” tồn tại đến năm 1949, được thay thế bằng Hội đồng hương chính (cũng viết là Hội đồng hương chánh).

Hội đồng hương chính còn gọi là Hội đồng kỳ mục, có nhiệm vụ bàn bạc và quyết định các công việc của làng xã.

Về Hội đồng kỳ mục, trang luatminhkhue.vn (Công ty Luật Minh Khuê) cho biết, đây là cơ quan quản lý truyền thống của làng xã người Việt ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Hội đồng được xác lập vào nửa sau thế kỷ XV, khi Nhà nước phong kiến bỏ chế độ xã quan (quan lại do Nhà nước cử về nắm làng xã). Hội đồng kỳ mục gồm các thành viên đương nhiên là các quan lại, cai đội người làng đã về hưu, các cựu chánh phó tổng, cựu chánh phó lý trưởng không bị miễn nhiệm.

Một hội đồng hương chính thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu)
Một hội đồng hương chính thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu)

Hội đồng có toàn quyền đối với các vấn đề lớn trong đời sống của làng như sửa đổi và bổ sung hương ước, chia hoặc đấu thầu công điền công thổ, quản lý theo kỳ hạn, đấu giá tài sản và thu chi ngân sách, sửa chữa đình chùa, mở hội, quan hệ với các làng khác... Hội đồng kỳ mục hoạt động không có nhiệm kỳ hạn định và hoàn toàn độc lập với chính quyền nhà nước cấp trên, chính quyền phong kiến cấp xã muốn thực thi các nhiệm vụ của mình phải nhờ sự giúp đỡ của Hội đồng kỳ mục.

Đứng đầu Hội đồng kỳ mục là một Tiên chỉ, là người có phẩm hàm hay học vị, chức tước cao nhất trước khi về hưu. Khi có người cao hơn thì nhường chức Tiên chỉ cho người đó để trở thành Cựu Tiên chỉ. Dưới Tiên chỉ có Thứ chỉ.

Tháng 8-1821, nhằm cải tổ cung cách quản lý của làng xã để nắm chặt làng xã hơn nữa, chính quyền thực dân Pháp ở Bắc Kỳ bãi bỏ Hội đồng kỳ mục, thay thế bằng Hội đồng tộc biểu. Song, Hội đồng tộc biểu không đảm đương được nhiệm vụ nên đến năm 1927, thực dân Pháp phải lập lại Hội đồng kỳ mục, làm nhiệm vụ tư vấn cho Hội đồng tộc biểu. Đến năm 1941, Hội đồng tộc biểu bị bãi bỏ, Hội đồng kỳ mục làm nhiệm vụ của Hội đồng tộc biểu, như nó từng tồn tại 20 năm trở về trước.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hệ thống chính quyền cách mạng ra đời, Hội đồng kỳ mục và bộ máy chức dịch ở các làng xã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Pháp (1947-1954), ở các làng tạm bị chiếm, thực dân Pháp lập lại Hội đồng kỳ mục cùng chức dịch (gọi chung là bộ máy tề) để chống phá kháng chiến. Đến thời chống Mỹ, cách gọi này cũng được dùng để “định danh” các lực lượng phản cách mạng như bạn đọc đã nêu trong câu hỏi.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.