Cửa sổ tri thức

Cầu Giáp Năm trong thực địa

18:36, 02/01/2021 (GMT+7)

* Tôi đi tìm cầu Giáp Năm trong câu ca xưa “Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu/ Ngó lên đường cái thấy cầu Giáp Năm” thì chỉ thấy cầu Giáp Ba ở gần phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Cầu Giáp Năm hiện nay nằm ở đâu? (Trương Thanh An, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)

Cầu Giáp Năm nay là Thanh Quýt (ảnh trái). Cầu Giáp Ba vẫn còn, là ranh giới hai phường Điện An và Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (ảnh phải). Ảnh: V.T.L
Cầu Giáp Năm nay là Thanh Quýt (ảnh trái). Cầu Giáp Ba vẫn còn, là ranh giới hai phường Điện An và Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (ảnh phải). Ảnh: V.T.L

- Vị trí cầu Giáp Năm - cách gọi dân gian chỉ cầu Ngũ Giáp - đã được nói đến trong Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865-1910 khi chép về các cầu ở Quảng Nam: “Cầu Ngũ Giáp nằm giữa hai xã thôn Châu Phong và Thanh Quất, dài 25 thước tây”. Vì thế, xác định vị trí hai địa danh (xã) Châu Phong và (thôn) Thanh Quất sẽ tìm được vị trí cầu Ngũ Giáp hay cầu Giáp Năm trong câu ca xưa.

Xã Châu Phong (cũng đọc là Chu Phong) có hai thôn Ngũ Giáp và Lục Giáp, được chép trong sách Phủ biên tạp lục (viết vào khoảng năm 1776) của Lê Quý Đôn. Đến năm Bảo Đại thứ mười hai (1937), thôn Ngũ Giáp được đổi tên thành thôn Phong Ngũ, nay được chia thành hai thôn Phong Ngũ Tây và Phong Ngũ Đông, thuộc xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn.

Bài viết Đình Phong Ngũ xưa và nay của tác giả Hà Sáu (nguyên Chủ tịch UBND xã Điện Thắng cũ) đăng trên trang dienban.quangnam.gov.vn cũng khẳng định xã Châu Phong là tên gọi xưa của thôn Phong Ngũ và trước đó là thôn Ngũ Giáp, như câu đối ghi ở đình Phong Ngũ: Châu Phong linh kiệt thủ văn long hổ bảng/ Ngũ Giáp oai hùng nhơn lương tuấn vọng tường (tạm dịch: Đất Châu phong linh thiêng sản sinh khoa bảng/ Làng Ngũ Giáp oai hùng nhiều người tuấn kiệt).

Thanh Quất là một trong 18 xã, 4 thôn được Lê Quý Đôn chép trong sách Phủ biên tạp lục. Thanh Quất nguyên có tên là Kim Quất, sau đổi thành Thanh Quất, rồi Thanh Quýt như ngày nay. Ngày 7-7-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2005/NĐ-CP chia xã Điện Thắng thành 3 xã: Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam. Trong đó, thôn Thanh Quýt trở thành xã Điện Thắng Trung.

Như đã đề cập ở trên, từ thông tin chép trong sách Đại Nam nhất thống chí “Cầu Ngũ Giáp nằm giữa hai xã thôn Châu Phong và Thanh Quất, dài 25 thước tây”, có thể xác định cầu Ngũ Giáp (Giáp Năm), tức cầu Thanh Quýt bắc qua con sông cùng tên - ranh giới thiên nhiên giữa hai xã Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam ngày nay.

Theo bài viết Tìm hiểu về Ngũ Giáp đăng trên trang dienban.gov.vn, ngày trước từ bờ bắc sông Vĩnh Điện đến giáp bờ nam sông Thanh Quýt (ngày nay thuộc hai xã Điện An và Điện Thắng Nam) có sáu Giáp (Nhứt Giáp, Nhị Giáp, Tam Giáp, Tứ Giáp, Ngũ Giáp và Lục Giáp). Các giáp này chính thức bị xóa tên trong bản đồ hành chính năm 1937 khi thôn Ngũ Giáp được đổi tên thành Phong Ngũ như đã nói trên.

Dân gian dường như không ai gọi cầu Ngũ Giáp mà chỉ gọi là cầu Giáp Năm, như trong một câu hát hò khoan xưa với cách chơi chữ rất hóm hỉnh. Bên nữ hỏi: “Gặp anh hùng xin hỏi anh hùng/ Cầu chi đi mười hai tháng phân cho cùng thiếp nghe?”. Bên nam đáp: “Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu/ Quảng Nam ta có mấy cái cầu dài thay/ Chỉ đi chưa tới nửa ngày/ Lẽ mô có lẽ đi rày một năm?/ Bạn hỏi ta, nghĩ lại cũng nhằm/ Cầu chi đi mười hai tháng? Có cầu Giáp Năm đó bạn tề!”.

Ngày nay, cầu Giáp Năm theo cách gọi dân gian đã “cải danh” thành cầu Thanh Quýt. Duy chỉ cầu Giáp Ba còn tồn tại, là ranh giới hai phường Điện An và Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

ĐNCT

.