Cửa sổ tri thức

Đo đạc, cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa

10:36, 31/01/2021 (GMT+7)

* Trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo, các vua nhà Nguyễn đã sai người ra đo đạc, cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa như thế nào? (Văn Phú Anh, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Mộ Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người vâng mệnh vua đi Hoàng Sa đo đạc và cắm mốc, tại xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn,  tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: V.T.L
Mộ Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người vâng mệnh vua đi Hoàng Sa đo đạc và cắm mốc, tại xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: V.T.L

- Từ đời Gia Long, vua Nguyễn đã 2 lần sai các đội ra quần đảo ở ngoài Biển Đông để đo đạc, một lần vào năm Gia Long thứ 14 (1815), lần khác vào năm Gia Long thứ 15 (1816).

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, trong bài viết “Những chuyến đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn của người Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm” đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4 (119) 2013, đã dẫn bộ Đại Nam thực lục chính biên cho biết, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa để tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ và khẳng định chủ quyền của nhà nước Đại Nam đối với quần đảo này.

Sách này chép: “Tháng 2 năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815). Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Văn Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đường biển”. (…) “Tháng 3 mùa xuân năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816). Sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa thăm dò đường biển”.

Thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát đo đạc quần đảo Hoàng Sa được Nhà nước tiến hành thường xuyên, có quy mô hơn và cụ thể hơn. Đại Nam thực lục chép: “Tháng 3 mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834). Sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi vẽ bản đồ”.

Hai năm sau, việc khảo sát quần đảo Hoàng Sa được vua Minh Mệnh ra lệnh hết sức cụ thể và với quy mô lớn hơn, nhà vua còn cho cắm mốc để khẳng định chủ quyền quốc gia: “Tháng Giêng, mùa xuân năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836)… Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu. Trước đây đã sai người vẽ bản đồ mà hình thế xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm thường phái người đi thăm dò khắp nơi để thông thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, xin phái Biền binh thủy quân và Giám thành đáp một chiếc thuyền, đến thượng tuần tháng Hai thì đến hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê bốn thuyền của dân, theo hướng đến đúng xứ Hoàng Sa, không cứ đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, phàm khi đến nơi thì xem xét ngay xứ đó chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chu vi và mực nước biển chung quanh nông sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải đo đạc tường tận, vẽ thành bản đồ. (…)

Nhà vua chuẩn y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, lại chuẩn cho mang theo (mỗi thuyền) 10 cọc gỗ đến nơi đó dựng lên để đánh dấu (mỗi cọc gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc. Trên mặt cọc gỗ khắc các chữ Minh Mệnh thập thất niên (năm Minh Mệnh thứ 17 - 1836). Năm Bính Thân, Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa đo đạc và cắm mốc”.

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh kết luận: “Các tư liệu lịch sử và các công văn của Nhà nước (Châu bản) mà chúng tôi giới thiệu ở trên là những tài liệu rất đáng tin cậy, đây là những tài liệu xác tín đã được quốc tế công nhận. Mộc bản bộ Đại Nam thực lục đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Ký ức tư liệu di sản thế giới. Còn Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu gốc nguyên bản, còn dấu ấn tín của triều đình, còn nguyên châu phê của vua”.

ĐNCT

.