Hung táng, cát táng, cải táng

.

* Lâu nay, tôi nghe nói có mấy hình thức chôn cất người chết như mai táng, hỏa táng... Vừa rồi có ông cụ bên nhà nói còn có các loại hung táng, cát táng. Chỉ biết “hung” là xấu, “cát” là tốt mà không rõ ý nghĩa, nguồn gốc cụ thể ra sao và vì sao phải cải táng, mong quý báo giải thích. (Trần Quốc Trường, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Một nhà mồ của dân tộc Cơ tu ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L
Một nhà mồ của dân tộc Cơ tu ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L

- Hung táng, cát táng được giải thích tại Điều 2 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 5-4-2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Theo đó, “hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng” (Khoản 7); “cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng hoặc lưu tro cốt sau khi hỏa táng” (Khoản 9). Điều 4 quy định diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 3m2. Đối với những địa phương có diện tích đất rộng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì mỗi mộ phần cũng không quá 10m2.

Các nhà địa lý phong thủy giải thích dễ hiểu hơn, rằng con người khi lâm chung do thường không biết trước nên ít ai có đủ thời gian chọn cho mình một cuộc đất tốt để đặt mộ phần. Vì thế, con cháu đành phải chôn cất tạm người qua đời; cách chôn cất này gọi là hung táng. Thường 3 năm sau khi con cháu có thời gian tìm được cuộc đất đẹp với hướng tốt theo quan niệm tâm linh thì tổ chức chuyển xương cốt từ mộ hung táng (cải táng) sang vị trí mới này; cách chôn cất này gọi là cát táng.

Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam (vanhien.vn) trong bài viết Bỏ tục hung táng không ảnh hưởng gì đến văn hóa tâm linh? đã dẫn lời PGS.TS Trương Sĩ Hùng (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) giải thích rằng, cải táng còn có các tên gọi khác như bốc mả, bốc mộ, cải mả, sang cát, cải cát sang tiều. Tất cả những cụm từ này đều chỉ nói một việc: đào huyệt mộ đã chôn người chết cách ngày đào lên khoảng 3 năm hoặc hơn. Có nơi còn gọi cổ tục này là đám ma khô. Khó có thể trả lời cổ tục này có từ bao giờ. Cộng đồng cư dân Bách Việt cổ xưa đã có tục chôn cất người chết rất cẩn thận, nhằm bảo tồn di cốt (giữ phần xương còn lại, sau khi phần thịt và lục phủ ngũ tạng đã phân hủy, tan vào trong đất nước).

Trong bài đã dẫn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định tục cải táng tuy đã thành một tập tục phổ biến và tồn tại lâu dài của người Kinh như một truyền thống cố hữu nhưng đó không phải là một truyền thống đẹp mà là ngoại lai. Ông Vĩ chứng minh rằng, nó là những tập tục của một bộ phận người Hán cổ xưa, những gia đình, gia tộc là lưu dân từ phương Bắc xuống phương Nam. Khảo cổ học thời kỳ văn hóa Đông Sơn chưa phát hiện tập tục cải táng này.

Phong tục Hán thờ gia tiên rất nặng nề. Bố mẹ ở đâu, chôn đâu thì chắc chắn con phải ở đó để chăm sóc mồ mả, cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trong tình trạng lưu tán do chiến tranh loạn lạc, khi không ở đất cũ, gọi là cố hương được, để thể hiện hiếu đạo, có một ứng xử bất thường là phải đào mộ lên, đem xương cốt đi theo đến vùng đất mới táng lại để thờ tự, chăm sóc.

Từ các góc nhìn trên, bài viết cho rằng, từ bỏ tục hung táng, cát táng là phù hợp với nhận thức khoa học hiện đại, chắc chắn không ảnh hưởng gì đến đời sống văn hóa tâm linh.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.