Cửa sổ tri thức

Hái lộc đầu năm

13:48, 07/02/2021 (GMT+7)

* Xin cho biết, tục “hái lộc đầu năm” có nguồn gốc ra sao? Các loại cây nào được chọn để “hái lộc”? (Trần Văn Tương, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

- Hái lộc đầu năm là phong tục bẻ cành cây (cành lộc) mang về nhà để lấy may mắn vào dịp Tết Nguyên đán, trong những ngày đầu năm mới. Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Tạp chí Đời sống và Pháp luật (doisongphapluat.com) có bài viết “Nguồn gốc, ý nghĩa tục hái lộc đầu năm của người Việt” nói về tục lệ này.

Theo đó, chuyện xưa kể rằng, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Hùng Vương bèn cho mời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi”.

Nghe cha phán truyền, các con đều bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ; các Lạc Hầu, Lạc Tướng, dân làng chưa biết tấu trình với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa: “Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, thiếp nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con…, các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì theo phương ấy mà đi”.

“Hái lộc đầu xuân” tại Hội Hoa xuân diễn ra ở Công viên 29-3 Đà Nẵng. (Ảnh chụp dịp Tết Canh Tý 2020) Ảnh: V.T.L
“Hái lộc đầu xuân” tại Hội Hoa xuân diễn ra ở Công viên 29-3 Đà Nẵng. (Ảnh chụp dịp Tết Canh Tý 2020) Ảnh: V.T.L

Nghe phải, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ, rồi chọn ngày lành tháng tốt làm Lễ tế Trời - Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua vời các con chia cho mỗi người một cành lộc và dạy rằng: “Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển. Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương răn dạy dân chúng làm ăn. Trên đường đi, nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con”.

Y lệnh, các con quỳ lạy vua cha và mẫu hậu, nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền. Vua cả mừng, truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường.

Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp của tục xin lộc đầu xuân cầu may còn lưu truyền mãi trong dân gian, nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam.

Theo các nhà phong thủy, lộc xuân là lá hái từ cây nhưng không phải cây nào cũng là lộc tốt. Lộc tốt nhất thuộc bộ tứ linh thực vật như đa, sung, sanh, si. Những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật long, lân, quy, phụng trấn ải vùng ngoại thất. Ngoài ra, còn có lộc thuộc bộ tứ quý thực vật gồm tùng, cúc, trúc, mai ứng với tứ bình thuộc phạm vi nội thất. Bốn góc nhà sẽ phối hợp tạo niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.

Hái lộc mà tham sân si, không thương tiếc cho cây cối, phá hoại cảnh quan môi trường thì cũng mang tội, phải trả về sau. Ở Đà Nẵng, để góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường và lưu giữ phong tục xưa, Hội Hoa xuân diễn ra tại Công viên 29-3 tổ chức “Hái lộc đầu năm” bằng hình thức đính những phong bao nhỏ xinh bên trong ghi những lời chúc Tết tốt đẹp lên cành các loại cây đa, sung, sanh, si. Khách du xuân sau khi đưa tay “hái” một cành lộc (chiếc phong bao) sẽ được một người đóng vai “Ông Lộc” (đại diện cho nhóm 3 ông Phúc, Lộc, Thọ) tặng “lộc xuân”.

ĐNCT

.