.

Hai cha con cùng được đặt tên đường

.

Đó là nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Thuận và con trai Lưu Quang Vũ. Những tác phẩm của hai ông để lại được đánh giá cao về giá trị nhân văn, đóng góp một phần quan trọng cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Đường Lưu Quang Thuận (trái) và đường Lưu Quang Vũ. 									                                        Ảnh: V.Đ.P
Đường Lưu Quang Thuận (trái) và đường Lưu Quang Vũ. Ảnh: V.Đ.P

Lưu Quang Thuận (1921-1981), quê Đà Nẵng, thuở nhỏ học Trường tiểu học École Des Garçons de Tourane (thường gọi Trường Con trai, nay là Trường tiểu học Phù Đổng Đà Nẵng), năm cuối cùng của bậc tiểu học ông ra Huế tham dự và đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Trung, được vua Bảo Đại thết cơm. Ngay từ lúc còn  đi học, ông đã có thơ và truyện ngắn được đăng báo ở Hà Nội, Sài Gòn như truyện ngắn Đồng hào ván mới đăng trên tuần báo Cậu ấm năm 1934.

Năm 1937, ông vào Sài Gòn dạy học và làm báo. Năm 1941, ông viết vở kịch đầu tay Chu Du đại chiến Uất Trì, được Hội Hướng đạo học sinh - sinh viên Đà Nẵng dàn dựng và biểu diễn nhiều lần ở Đà Nẵng, Hội An, năm 1945 được diễn ở Hà Đông.

Năm 1943, ông ra Hà Nội, mưu sinh bằng nhiều nghề, có lúc ông đã làm chân kéo màn ở một rạp hát. Nhưng cũng chính vào thời kỳ này niềm say mê sáng tạo của ông mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chỉ trong khoảng 2 năm, ông đã sáng tác hàng loạt vở kịch thơ, kịch nói. Năm 1944, ông tham gia Ban kịch Anh Vũ do Thế Lữ chủ trì. Năm sau, ông mở NXB Hoa Lư, tuy chỉ hoạt động trong hơn một năm nhưng đã xuất bản những tác phẩm, vở kịch có giá trị của bạn bè.

Năm 1946, ông tham gia hoạt động Việt Minh, sáng lập và làm Chủ nhiệm Tạp chí Sân khấu (số đầu tiên ra ngày 20-11-1946) và làm Giám đốc Việt Nam thư ấn cục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Chiến khu Việt Bắc.

Năm 1948, ông gia nhập Việt Minh và hoạt động trong Đoàn kịch Chiến thắng cho đến khi chuyển về Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương năm 1951. Từ năm 1954 đến 1964, ông làm việc tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, NXB Văn học, Báo Văn nghệ. Từ năm 1965 cho đến khi mất, ông công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), sinh ra ở xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở Đà Nẵng. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, ông rời Phú Thọ về Hà Nội sống và học phổ thông.

Năm 1965, ông xung phong vào bộ đội, phục vụ 5 năm trong quân chủng Phòng không Không quân và bắt đầu đăng thơ. Năm 1970, ông xuất ngũ, sau đó làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh như: làm hợp đồng cho NXB Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ tranh, viết báo, làm thơ…

Năm 1973, ông đến với nhà thơ Xuân Quỳnh khi mỗi người đã có một đứa con riêng. Xuân Quỳnh hơn ông 6 tuổi, nhưng hai người đã bất chấp tất cả để trở thành vợ chồng, có chung một con trai và sống với nhau rất hạnh phúc. Năm 1978, ông làm Biên tập viên cho Tạp chí Sân khấu, cho ra đời vở kịch đầu là Sống mãi tuổi 17, được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980. Năm 1981, sau khi cha qua đời, ông đã hoàn thành kịch bản Nàng Sita dở dang của cha để lại. Kể từ đó, ông bắt đầu sáng tác với một tốc độ phi thường, khiến cho các đồng nghiệp đều phải nể phục.

Sân khấu kịch những năm 80 thế kỷ trước, từ Bắc vào Nam tràn ngập kịch Lưu Quang Vũ, đi đến đâu cũng thấy kịch của ông. Nhiều đêm, có tới 6 - 7 vở kịch của ông được diễn cùng lúc ở các rạp trên cả  nước. Nhiều người gọi sân khấu kịch lúc đó là sân khấu Lưu Quang Vũ. Ngay cả đến bây giờ, những tác phẩm vang danh như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Bệnh sĩ… vẫn được nhắc đến hằng ngày.

Chỉ trong vòng 8 năm, từ khi bước vào sân khấu cho đến khi mất, ông đã viết hơn 50 tác phẩm kịch. Đặc biệt, trong năm cuối cùng của đời mình, ông làm việc hối hả hơn bao giờ hết. Chỉ trong vòng một tháng, ông đã kịp thực hiện và đưa lên sàn diễn trọn vẹn 3 vở: Trái tim trong trắng, Lời thề thứ chín, Điều không thể mất. Vở thứ tư là Chim sâm cầm không chết - đã viết xong cảnh cuối, Đoàn kịch Hải Phòng nhận dàn dựng. Cũng trong năm 1988, ông còn viết một loạt vở nữa như: Đôi đũa kim giao, Ông không phải bố tôi, Linh hồn của đá, Bệnh sĩ...

Lưu Quang Vũ mất cùng vợ và con trong một tai nạn giao thông ngày 29-8-1988 trên đường từ Hải Dương về Hà Nội. Tên tuổi của ông gắn liền với gần 10 tập thơ, truyện ngắn và hơn 50 vở kịch sân khấu, được hàng trăm đoàn nghệ thuật trong nước dàn dựng, tạo nên hiện tượng sân khấu, làm chấn động dư luận những năm đầu đất nước đổi mới. Các nhà nghiên cứu phê bình đã đánh giá: “Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”. Năm 2000, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật và là người trẻ tuổi nhất trong số những người được Giải thưởng cao quý này.

Ghi nhận những đóng góp của hai cha con ông, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên hai ông cho 2 con đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Đường Lưu Quang Thuận dài 280m, rộng 7,5m và 5,5m, từ đường 7,5m chưa đặt tên đến đường Hồ Xuân Hương ở Khu dân cư chợ Bắc Mỹ An, phường Mỹ An, theo Nghị quyết số 33/2012/NQ-HĐND ngày 6-12-2012. Đường Lưu Quang Vũ dài 200m, rộng 6m, từ đường Trần Đại Nghĩa đi Mân Quang ở phường Hòa Quý, theo Nghị quyết của HĐND thành phố, khóa VI, ngày 12-1-2002.

VIÊN ĐÌNH PHONG
 

;
.
.
.
.
.