.

Nguyễn Đăng Giai: Phò giúp ba vua, trung cần một tiết

.

Nguyễn Đăng Giai (? – 1854) là danh thần triều Nguyễn, tự là Toản Phu, thụy là Văn Ý, quê làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, không rõ năm sinh.

Đường Nguyễn Đăng Giai. Ảnh: L.G.L
Đường Nguyễn Đăng Giai. Ảnh: L.G.L

Xuất thân trong một gia đình vọng tộc, cha ông là Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân (thầy dạy vua Thiệu Trị), con ông là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hành đều là đại thần triều Nguyễn. Thuở nhỏ, ông theo học với thân phụ, cha ông thấy ông có tướng lạ, đoán là sau sẽ lập thân sớm và có tài kinh bang tế thế.

Năm Ất Dậu 1825, ông đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, được sơ bổ Hàn lâm, rồi thăng Lang trung Bộ Hộ, Hiệp trấn Nam Định. Năm 1881 sung chức Khảo thí trường thi Nghệ An, rồi Bố chánh sứ Thanh Hóa. Từ đó hoạn lộ ông ngày càng thăng tiến: Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Bắc Ninh), Thượng thư bộ Hình, Hiệp biện đại học sĩ, Kinh lược sứ Bắc Kỳ... Trong đời làm quan, dù ở chức vụ gì ông cũng hoàn thành sứ mạng một cách vẻ vang, nên được cả hai vua Thiệu Trị và Tự Đức hết lời khen ngợi, và tặng ông bốn chữ “Liêm bình cần cán”.

Ông có công chấn chỉnh hệ thống đê điều Hà Nội. Năm 1846, khi đương chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Bắc Ninh), ông thấy, năm nào Hà Nội cũng khốn khổ vì chuyện đê điều nên đã có bản tấu lên vua Thiệu Trị với 12 điểm bất lợi của đê và xin bỏ đê. Ông cũng đề xuất đào một số con sông để phân lưu đổ về phía đông cho sông Hồng giảm bớt lượng nước đổ vào đồng. Ý kiến của ông đã được các quan dưới triều Tự Đức tán thành, như Nguyễn Đăng Khải có bản tấu bỏ đê bên hữu ngạn sông Hồng để lấy nước vào đồng nhưng giữ đê bên tả để bảo vệ Hà Nội…

Nguyễn Đăng Giai là một đại thần hết lòng giúp vua trị nước, không những chuyên tâm phát triển cái học của Nho gia mà đối với Phật học ông cũng hết lòng ngưỡng mộ.

Năm 1846, ông đứng ra chủ trì xây chùa Báo Ân. Chùa được đặt tên là Báo Ân hàm ý nhắc nhở mọi người sống trên đời nhớ tới tứ ân (ân Tổ quốc, ân cha mẹ, ân tam bảo, ân chúng sanh). Vì ông làm quan tổng đốc, phẩm hàm ngang với thượng thư trong triều nên dân chúng quen gọi chùa này là chùa Quan Thượng và truyền tụng câu ca: “Gần xa nô nức tưng bừng/ Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên”.

Nhưng đáng tiếc, một đại danh lam được xây dựng kỳ công như thế chỉ tồn tại được mấy chục năm. Năm 1898, chùa Báo Ân bị người Pháp phá bỏ để xây phủ Thống Sứ và tòa nhà Bưu Điện (tòa nhà Bưu Điện nay hãy còn và phủ Thống Sứ thì trở thành nhà khách chính phủ). Ba mươi sáu tòa ngang dãy dọc của chùa Báo Ân bị san bằng chỉ còn sót lại cây tháp Hòa Phong nhỏ bé ở cổng chùa.

Ông là người rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, vì vậy, khi còn làm Thiêm sự Bộ Lễ, trong 6 điều dâng lên vua Minh Mạng, điều thứ 4 ông đề cập đến là xin đặt nhà học ở dinh trấn châu huyện với việc: “Xin chọn những bậc lão sư túc nho làm Trợ giáo. Phàm học trò trước hết phải đến châu huyện học tập, Trợ giáo phải xét tài năng, khí độ mà dạy. Khi đã hơi thông kinh sách và biết làm văn, thì cho đến dinh trấn để Đốc học dạy. Thường khảo sát người nào trúng cách thì cử lên Thái học cho giám đốc học khảo duyệt bài lại mà tâu lên. Vua bèn sai văn thần hội với giám đốc học khảo hạch lại. Người nào kinh thuật rộng khắp, học hành thuần đủ, cho làm sinh viên, cấp cho lương ăn mà học tập, để đợi lục dụng”.

Năm Giáp Dần 1854 khi đang lãnh chức kinh lược sứ Bắc Kỳ, lúc này có nạn cướp bóc ở Cao Bằng, ông thân chỉ huy đánh dẹp. Đang ở trận địa, ông bị bệnh phải về Hà Nội điều trị, đến mùa thu ông qua đời ở Hà Nội. Thương tiếc, vua Tự Đức sai truy tặng ông hàm Thiếu bảo, ban tên thụy là Văn Ý. Năm Mậu Ngọ (1858), nhà vua cho thờ ông trong đền Hiền Lương tại Huế.

Nghe tin ông mất, vua Tự Đức có dụ rằng: “Nguyễn Đăng Giai đã từng thờ ba triều, trung cần một tiết. Ra ngoài nhận coi một địa phương, vào Kinh tham dự việc cơ mật, đã hơn 20 năm nay từ khi mang cờ tiết ra sai phái cúi mình làm hết sức khó nhọc, sửa sang việc biên cương, xông pha lam chướng, nhọc mãi thành mệt, lâu ngày bệnh nặng, đã từng sai ban cho vị thuốc ở thượng phương (thuốc của vua dùng) để mong giữ được thân có bệnh, cố gắng theo việc nhà vua, ngờ đâu lại chết, thương tiếc biết bao…”.

Tên ông được đặt cho con đường dài 680m, rộng 10,5m, từ đường Trần Nguyên Hãn đến đường Lê Đức Thọ, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 về Đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.