.

Thơ trẻ với thời đại mới

.

Thơ trẻ vẫn khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng những người yêu thơ. Thơ hôm nay được sống và biểu diễn cho chính mình nhiều hơn, nhưng đều đóng góp cái riêng vào việc xây dựng cây cầu chung ngôn ngữ thi ca.

Những người yêu thơ đang háo hức chờ đợi Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 với chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc” tổ chức từ ngày 22 đến 24-2 (từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và nhiều địa phương trên cả nước.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ký tặng sách cho độc giả.  ( Ảnh do Nguyễn Phong Việt cung cấp)
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ký tặng sách cho độc giả. ( Ảnh do Nguyễn Phong Việt cung cấp)

Từ “chúng ta” tìm về cái tôi

Với hàng loạt nhà thơ xuất hiện những năm gần đây như Đỗ Doãn Phương, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Phong Việt…, hay nhiều cái tên nổi tiếng trước đó như Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Lê Thiếu Nhơn, Trần Đình Thọ…, thơ trẻ vẫn khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng những người yêu thơ. Minh chứng rõ nhất là Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám những năm trước với những phần đọc thơ, trình diễn thơ đều thu hút đông đảo khán giả. Hay “hiện tượng” Nguyễn Phong Việt với tổng cộng 10.000 bản sách “Đi qua thương nhớ” bán hết trong tháng 12-2012 và in tiếp 3.500 bản sách mới vào đầu năm 2013 càng khẳng định bạn đọc ngày nay không quay lưng với thơ.

Vấn đề đặt ra là thơ đương đại có tiếp nối thế hệ nhà thơ của thời kháng chiến, hoặc tiếp nối Thơ mới để làm nên những vần thơ đi cùng năm tháng hay không. Có những ý kiến cho rằng, thơ trẻ ngày nay thiên về tính cá nhân, thường phô bày những cảm xúc vụn vặt, nỗi lòng, những riêng tư, chứ ít hướng đến những đề tài lớn, những vấn đề chung của đất nước, cộng đồng, lý tưởng… Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh - người con của Đà Nẵng đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đó là điều tất yếu và dễ hiểu. “Thơ trẻ từ cái chung để trở về cái riêng, từ “chúng ta” tìm về cái tôi”, anh nói.

Nguyễn Hữu Hồng Minh còn cho rằng, thơ hôm nay được sống và biểu diễn cho chính mình nhiều hơn nhưng đều đóng góp cái riêng vào việc xây dựng cây cầu chung ngôn ngữ thi ca. Anh nhấn mạnh: “Chưa hẳn cứ viết về thơ đất nước, thơ hành quân trên chiến trường ác liệt... thì thơ mới hay, mới đáng nhớ. Cái hay của thơ là bí ẩn. Điều quyết định không phải viết về vấn đề gì mà viết như thế nào, cảm xúc ra sao”.

Trong khi đó, theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, mỗi người viết là một cá tính nên rất khó có mẫu số chung, đó là chưa kể mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm của cuộc sống thì con người có những mối quan tâm rất khác nhau. Nguyễn Phong Việt cũng tự nhận mình chỉ có thể viết tốt về tình yêu đôi lứa, những yêu thương của cuộc sống gia đình, chứ không thể hướng đến những đề tài lớn hơn...

Dụng công đầy lý trí

Nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn, người đoạt giải Bách Việt lần đầu tiên với tập “Ma thuật ngón”, cho rằng mỗi người làm thơ bắt buộc là những nhà cách tân. Và anh gọi việc cách tân hình thức thơ là “sự dụng công đầy lý trí”. Còn nhà thơ - nhà báo Võ Kim Ngân chia sẻ, trong thời hiện đại, có lẽ thơ cần thay đổi để đáp ứng nhịp điệu cuộc sống và lối tư duy hiện đại.

Cũng theo Trần Tuấn, bây giờ là thời đại của thơ trẻ, kể cả với những người không còn “trẻ” lắm về tuổi đời và họ làm thơ dễ dàng như là thở vậy. Định nghĩ về “thơ trẻ”, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh lý giải: “Trẻ có lẽ nên hiểu là chịu tìm tòi, vì thế mà mới và trẻ. Còn độ tuổi cho một nhà thơ trẻ thì nên dao động từ 40 trở xuống, nhưng điều này không quan trọng”.

Giải thưởng thơ Bách Việt do Công ty sách Bách Việt tổ chức tạo được tiếng vang khi quy tụ hàng loạt cây bút trẻ như Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Vĩnh Tài, hay Đỗ Trí Vương lúc dự thi năm 2008 mới 16 tuổi. Cùng cuộc thi thơ Bút mới do Báo Tuổi Trẻ tổ chức 2 năm/lần, giải thưởng thơ Bách Việt vừa mang đến sân chơi cho người sáng tác, vừa là “bà đỡ” của các tác phẩm mới. Song, so với các cuộc thi nghệ thuật rầm rộ trên sóng truyền hình, sân chơi dành cho thơ trẻ như thế hiện không nhiều.  

Tín hiệu đáng mừng cho văn học trẻ là “hiện tượng” Nguyễn Phong Việt. Các cuộc giao lưu thơ của anh sau khi ra mắt tập “Đi qua thương nhớ” được đông đảo bạn trẻ đón nhận. Việt nói trong niềm vui rằng, anh chỉ là người viết nghiệp dư nhưng 10.000 bản sách bán được minh chứng thơ hay tiểu thuyết, truyện ngắn…, thể loại gì cũng được, quan trọng là những gì mình viết ra chạm đến trái tim người đọc. Qua các buổi giao lưu, anh nhận ra mọi người vẫn say mê đọc thơ nhưng quá thiếu những trang đồng cảm với họ, để mọi người thấy được hình ảnh của mình trong đó. “Một câu chuyện về chiến tranh hay về tình yêu, cuộc sống, nếu đủ hay thì đều có những giá trị riêng mà không ai có thể phủ nhận được. Một trang viết đương đại về tình yêu mà ám ảnh người đọc đến rơi nước mắt thì cũng có giá trị như bất kỳ trang viết “đi cùng năm tháng” nên không thể đòi hỏi thế hệ này giống thế hệ kia được”, Nguyễn Phong Việt nói.  

“Đà Nẵng đã có đầy đủ các giọng điệu thơ, một bè - trầm - thơ, một giao - hưởng - thơ. Nếu tìm các giọng thơ sử thi, anh hùng, chứng nhân các thời đoạn lịch sử... gần như có đủ. Ngay trong phong trào Thơ mới, người mở màn là Phan Khôi, một tính cách Quảng Nam với bài “Tình già”. Như thế để thấy rằng trong mỗi giai đoạn lịch sử, thơ Quảng Nam-Đà Nẵng có đóng góp nhất định cho lịch sử thi ca Việt”.

Nhà thơ NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.